Cuộc đời nữ văn sĩ: Jane Austen, Virginia Woolf, Mary Shelley
Cuộc đời nữ văn sĩ: Jane Austen, Virginia Woolf, Mary Shelley
Bài viết sẽ tìm hiểu về cuộc đời của ba nữ nhà văn và ảnh hưởng từ những sự kiện cuộc đời đến văn chương của họ.

 

Jane Austen - Trái tim đơn côi

 

“Nếu những cuộc phiên lưu không xảy ra với cô gái trẻ tại ngôi làng nơi cô sống, cô ấy buộc phải kiếm tìm chúng ở bên ngoài.”

Đó là lời một người phụ nữ sinh ra và mất đi tại Hampshire nước Anh, người cũng từng cho rằng “không gì có thể sánh với việc ở nhà để được thật sự thoải mái”.  
 
 
Lời của nữ văn sĩ đã viết nên những câu chuyện “ngôn tình” kinh điển cổ xưa thấm đẫm hơi thở lãng mạn của Darcy và Lizzy, Marianne và Colonel Brandon, Emma và Knightley.  Tác giả của những đám cưới rực rỡ ngập tràn tình yêu trong thời kì hôn nhân được đặt dưới kính lúp để soi xét kĩ lưỡng sự môn đăng hộ đối về dòng dõi và gia sản. Nhưng trớ trêu thay, kẻ viết về đám cưới lại chưa một lần trở thành cô dâu.
 

Phải chăng vì chứng kiến quá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và tin rằng những đám cưới viên mãn chỉ tồn tại trên trang giấy của mình, Jane Austen đã từng viết:

“Hạnh phúc trong hôn nhân hoàn toàn là vấn đề may rủi.”

“Đàn ông luôn luôn không thể hiểu nổi tại sao phụ nữ lại có thể từ chối lời cầu hôn.”

“Tôi càng hiểu biết thế giới, tôi càng tin là tôi sẽ không bao giờ gặp người đàn ông mình có thể thật sự yêu thương.”

Liệu Austen – độc lập và mạnh mẽ - đã từng yêu? Trong những bức thư với người chị thân thiết Cassandra, Jane đã vài lần nhắc đến chàng luật sư lịch lãm Tom Lefroy, người được cho là hình mẫu ngoài đời của Mr. Hoàn Hảo Darcy. Đáng tiếc là “happy ending” đã không xảy ra trong cuộc đời nữ văn sĩ khi Lefroy cuối cùng kết hôn với Mary Paul và sau này trở thành chính trị gia - thẩm phán nổi tiếng. Ông thừa nhận đã từng yêu Jane, “một tình yêu trẻ con”. Nhưng có ý kiến cho rằng đó từng là một cuộc tình sâu đậm đến nỗi Tom đặt tên con gái lớn của mình là Jane. Mối tình ấy, cũng như cuộc sống và con đường trở thành nhà văn của Austen được khắc họa trong bộ phim Becoming Jane, một bộ phim vừa lãng mạn vừa hiện thực như những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen.    
 
Cây bút Austen nổi bật nhờ giọng điệu giễu nhại mỉa mai, kỹ thuật sử dụng câu thoại gián tiếp xen cài trong câu trần thuật (free indirect speech technique) thổi vào xúc cảm sống động cho lời kể, và những đoạn hội thoại có tiết tấu và từ ngữ thay đổi theo cá tính từng nhân vật. Xã hội hiện thực qua những trang viết của Jane Austen dù có lạnh lùng, cay nghiệt đến đâu vẫn không thể dập tắt tinh thần và khát khao tự thể hiện của Jane, một người phụ nữ cùng lúc sống hai cuộc đời: Trong hiện thực đơn côi và giữa những giấc mơ tình yêu đẹp đẽ, một nhà văn sắc sảo, một trái tim dịu dàng, giống như cô từng viết: “Không gì quyến rũ bằng sự dịu dàng của trái tim.”
 

Một số tác phẩm nổi bật của Jane Austen: Kiêu hãnh và định kiến, Lý trí và tình cảm, Emma.

 

 

Virginia Woolf - Bi kịch người vợ

 

 

Làm tình… Sau 25 năm chúng tôi không thể tách rời ... Bạn nhận ra đó là niềm vui to lớn vì được cần đến như một người vợ. Và cuộc hôn nhân của chúng tôi rất trọn vẹn.

Năm 1937, Virginia đã sung sướng viết trong nhật ký của mình về cuộc hôn nhân đáng ngưỡng mộ đối với Leonard Woolf, người bạn đời cũng đồng thời là người đồng sự. Cả hai cùng chung tay lập nên nhà xuất bản Hogarth Press, nơi giới thiệu tới công chúng những tác phẩm xuất sắc của T.S. Eliot, Maxim Gorky, E.M. Forster, Katherine Mansfield, Sigmund Freud và của chính Woolf. Nhưng một mình tình yêu của Leonard không đủ sức xua tan đám mây u ám che phủ lên tâm trí và cơ thể Virginia trong suốt cuộc đời cô, không đủ để cứu cô khỏi những “cơn điên” bắt nguồn từ hội chứng rối loạn lưỡng cực.
 
Em cảm thấy mình sẽ phát điên và em không thể chịu nổi quãng thời gian khủng khiếp này nhiều hơn được nữa. Em nghe thấy tiếng nói nào đó vang lên trong đầu óc mình khiến em không thế nào tập trung sáng tác được. Em đã cố gắng chiến đấu chống lại cảm giác ấy nhưng giờ thì em không còn đủ sức. - Trích thư Virginia gửi Leonard.
 
Chứng trầm cảm và những rối loạn tâm lý của Virginia được cho là thừa hưởng từ người cha. Không chỉ có vậy, chấn động tâm lý thời thơ bé khi cô bị lạm dụng tình dục bởi chính người anh trai cùng mẹ khác cha đã để lại một ám ảnh khủng khiếp về mặt tinh thần cho Virginia. Lần lượt các cơn suy nhược ập đến với cô gái trẻ sau những bi kịch gia đình xảy đến liên tiếp trong khoảng mười năm: Cái chết của mẹ (khi cô mới 13 tuổi), của chị gái, anh trai và cha. Virginia đã nhiều lần tìm đến cái chết. Những dòng thư cuối cùng Virginia Woolf viết cho chồng trước khi nhét đá đầy túi áo và trầm mình xuống dòng sông Ouse tự vẫn chứa đầy tình cảm tha thiết: Em mắc nợ với hạnh phúc của anh nhưng em không thể cứ tiếp tục sống thế này để làm khổ đời anh thêm nữa.
 
Một lát cắt về cuộc đời và cái chết của Virginia Woolf được ghi lại qua bộ phim The Hours, tác phẩm điện ảnh có ý tưởng kịch bản khá thú vị khi sử dụng cuốn tiểu thuyết Bà Dalloway như một sợi dây kết nối số phận ba người phụ nữ sống tại ba thời kì khác nhau trong những bối cảnh xã hội khác biệt.  
 
Nhiều người nhận xét rằng thứ văn chương lê thê của Virginia Woolf không dễ đọc. Woolf là một nhà văn quan tâm trên hết tới việc biểu đạt bằng lời sự phấn khích, đau đớn, đẹp đẽ và kinh khiếp của những gì cô gọi là Thời đại hiện đại (Modern Age). Virginia Woolf, vượt lên những tổn thương về tinh thần và thể chất, đã trở thành một cây bút tiên phong cho văn học hiện đại thế kỷ 20, một người đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền:
 

Hàng thế kỷ nay, phụ nữ bị coi như những cặp kính có sức mạnh phản chiếu hình ảnh đàn ông to gấp đôi kích thước thật.

Người theo thuyết nam nữ bình quyền là bất cứ người phụ nữ nào nói lên sự thật về cuộc đời mình.

Sau một thế kỷ, những lời tuyên bố của Woolf vẫn còn nguyên sức mạnh của mình.     

Một số tác phẩm nổi bật của Virginia Woolf: Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng, Căn phòng riêng.  

 

 

Mary Shelly - Cái giá của tự do

 

 

Một câu chuyện để đánh bại những câu chuyện đã từng khiến chúng tôi thích thú. Một câu chuyện nói về nỗi sợ hãi trong bản chất của chúng tôi, và thức tỉnh sự kinh hoàng, một tác phẩm khiến độc giả không dám nhìn quanh, khiến máu của họ phải đông cứng, và trái tim phải nhảy ra khỏi lồng ngực.

Câu chuyện đó đã trở thành một trong những tuyệt tác kinh dị nổi tiếng nhất của văn học cổ điển. Câu chuyện đó được kể bởi một cô gái 18 tuổi. Từ một lời thách đố bên lò sưởi của Lord Byron: “Mỗi người chúng ta hãy viết một câu chuyện ma”, được dẫn dắt bởi trực cảm và trí tưởng tượng vượt trội của Mary Shelley, Frankenstein đã ra đời. Frankenstein (hay còn có tên “Prometheus thời hiện đại” trong ấn bản đầu tiên) được đánh giá là tác phẩm mang đậm phong cách Gothic vừa kinh dị vừa lãng mạn, một tiểu thuyết khoa học giả tưởng kỳ thú bàn về công trình tạo ra sự sống từ những xác chết, một bi kịch rùng rợn mang ẩn dụ về những khát khao của con người.
 
Cuộc sống thăng trầm với những giờ phút hạnh phúc và đau khổ tột cùng đã mang đến cho Mary Shelley một cái nhìn từng trải về mặt tối của con người ngay từ khi còn rất trẻ. Mồ côi mẹ từ khi mới sinh, sự hắt hủi của người mẹ kế, tình yêu bị gia đình phản đối, sẩy thai trong nghèo túng, ghen tuông, đó là tất cả những gì Mary đã phải chịu đựng trong hai mươi năm đầu đời. Đối mặt với bóng tối, Mary từng viết:
 

Hãy cẩn thận! Vì tôi không biết sợ nên tôi mạnh mẽ.

Cô độc là niềm an ủi duy nhất của tôi - sự cô độc sâu thẳm, đen tối, chết chóc.

Percy Shelley, một nhà thơ có tư tưởng tự do, phóng khoáng là tình yêu đầu tiên và duy nhất trong suốt cuộc đời nữ văn sĩ. Percy đã bỏ rơi người vợ đầu và đứa con của mình để chạy theo Mary, và rồi tiếp tục chạy theo những mối tình khác bởi tư tưởng tự do yêu đương (Free Love) của mình. Percy ủng hộ vợ mình tự do yêu đương, nhưng đối với Mary, trái tim cô vĩnh viễn thuộc về chỉ một người. Percy Shelley cũng là người đã luôn ở bên ủng hộ Mary trong sự nghiệp viết văn. Có ý kiến cho rằng đóng góp của Percy Shelley trong bản thảo Frankenstein nhiều đến nỗi có thể coi anh là một biên tập viên và một cộng tác viên nhiệt thành của vợ mình.
 
Năm 2016, cuộc đời và sự nghiệp của Mary Shelley đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Mary Shelley là một nhà văn có trí tưởng tượng độc đáo và lối kể chuyện ly kì cuốn hút. Cô bị hấp dẫn bởi những đề tài mang tính triết học trừu tượng như sự sống và cái chết, vị trí của nhân loại trong vũ trụ và những lý tưởng tiến bộ trong thời đại mình.
 

Một số tác phẩm nổi tiếng của Mary Shelley: Frankenstein, The Last Man, Valperga.

 

D. Nguyen

Tags: