Cuộc đời này bạn phải học được cách nói: Không!
Cuộc đời này bạn phải học được cách nói: Không!
Đây là khoa học về ranh giới và lòng tự trọng.
Giống như ăn món khai vị trong một bữa tiệc, chúng ta thường nói “Có” khi đã biết việc đồng ý chỉ vì lịch sự sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình. Thế nhưng đôi khi, câu trả lời “Có” lại thay đổi cả một cuộc đời: chúng ta nói có với lời cầu hôn, với công việc, với hợp đồng mua nhà dù bản thân cứ cảm thấy có chỗ “sai sai”. Đến cuối, những sai lầm đó sẽ trở nên ngày một rõ ràng. Về phía người ngoài, bạn có thể nói rằng mình không có lỗi gì cả. Nhưng trong chính thâm tâm, nếu bạn trung thực với bản thân, bạn sẽ biết rằng mình đã sai rồi.

Chúng ta có giác quan rất mạnh nhận biết khi ai đó đang không thành thật. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu đang nói chuyện cùng người khác mà bạn lại che giấu sự tức giận của mình, nhịp tim của bạn sẽ tăng lên đột ngột. Mặc dù vậy, vấn đề thường xảy ra bởi chúng ta hay lờ đi bản năng của mình. Thay vào đó lại chọn lựa tin tưởng vào tâm trí cũng như lý luận logic nhiều hơn. Và tâm trí phản bội ta quá dễ dàng. Sau cùng, chỉ có bạn tự đẩy mình vào một tình huống khó khăn, có thể là một mối quan hệ không an toàn hoặc một bản hợp đồng được ký ở trên xe ô tô.

Chúng ta nói “Có” dù trong lòng gào thét “Không” vì rất nhiều lý do: để gây ấn tượng, để tránh xung đột, để thể hiện là mình tốt đẹp, mình hòa hợp, hoặc thậm chí bởi vì cảm thấy bất lực. Dù vậy, nhiều người trong số chúng ta lại lựa chọn trả lời “Có” chỉ bởi vì chưa bao giờ học cách nói “Không”, học cách đứng vững và khẳng định giới hạn của bản thân. Kết quả là, chúng ta bỏ qua cách thức tôn trọng bản thân sâu sắc nhất đó là: lắng nghe chính mình rồi mới hành động phù hợp. Nghe thì có vẻ khó nhưng thực tế có rất nhiều cách để ta có thể nói “Không”.

 

Sự tự trắc ẩn

 

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn thay mặt bạn bè mình đứng ra thương lượng thì khả năng thương lượng được sẽ cao hơn và có được một thỏa thuận tốt hơn nhiều – đặc biệt khi bạn là một người phụ nữ. Vì vậy, Kristin Neff, nhà nghiên cứu hàng đầu về sự tự trắc ẩn, cho rằng bạn nên đối xử với bản thân thật tốt như đang đối xử với bạn bè – bạn sẽ thấu hiểu hơn, tôn trọng hơn và tử tế hơn với chính mình. Từ đó, bạn cũng sẽ nhận được một kết quả tốt hơn.

Ví dụ như khi sếp bắt bạn làm những công việc ngoài giờ hành chính, hãy tưởng tượng mình đang thay mặt cho bạn bè và trả lời “Không”. Nghĩ tới cách thể hiện những điều gây hại về mặt cá nhân (như làm việc quá sức, áp lực nhiều, mất ngủ) và những cách thể hiện có thể sẽ không giúp bạn mình đạt được mục tiêu. Làm như thế bạn sẽ nói “Không” một cách dễ dàng và tự tin hơn.

Sự tự trắc ẩn cũng sẽ giúp bản thân bạn cảm thấy dễ dàng hơn một chút. Đặc biệt, phụ nữ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân khi gặp thất bại và nghĩ rằng thành công của mình có sự giúp đỡ của người khác cũng như tác động của hoàn cảnh. Họ nói “Có” bởi vì cảm thấy họ “nên” làm gì đó – và khi công việc trở nên quá sức chịu đựng – thì lại tự trách bản thân không thể sống như người khác mong đợi.

 

Giảm căng thẳng

 

Một lý do khác khiến chúng ta nói “Có” là vì ta cảm thấy không thoải mái để nói “Không” đến mức các cảm xúc khác (bối rối, tội lỗi hoặc nhút nhát) áp đảo tất cả. Nghiên cứu cho thấy khi ta có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, khả năng suy nghĩ của ta sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ tự đưa mình đến với câu trả lời bốc đồng nhất cũng là câu trả lời dễ dàng nhất, là: . Cách để tránh khỏi việc trở thành người bốc đồng là bạn phải hít thở thật sâu. Nghe thì có vẻ sáo rỗng nhưng nó thật sự có tác dụng đấy.

Nghiên cứu tôi từng tiến hành với các cựu chiến binh bị chấn thương cho thấy, chỉ cần thở sâu thôi cũng có thể giúp bạn bình tĩnh lại. Khi đã bình tĩnh hơn, bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn, thông minh hơn về mặt cảm xúc, giao tiếp có hiệu quả hơn và suy nghĩ mạch lạc hơn. Khi bạn thở chậm rãi, bạn có thể làm dịu nhịp tim và huyết áp. Kết quả là bạn có thể ổn định tâm trí và trở nên bình tĩnh. Suy nghĩ về cách nên hít thở thế nào cũng tập trung thu hút sự chú ý của bạn vào thứ bạn có thể kiểm soát. Khi đó bạn sẽ lấy lại sự tự tin và quyết định dựa trên nhu cầu của chính mình.

 

Trì hoãn

 

Chỉ bởi vì đối phương muốn bạn phản ứng ngay lập tức không có nghĩa là bạn phải trả lời ngay. Bạn có quyền suy xét kĩ càng, trì hoãn và cân nhắc thiệt hại. Bạn nên dùng câu nói này: “Hãy để tôi suy nghĩ thêm về việc này và sẽ liên lạc lại sau.” Nở một nụ cười và bạn sẽ có thời gian để trò chuyện, thảo luận với bạn bè để biết con tim mình muốn gì.

 

Chuyển sự quan tâm sang người khác

 

Kasia Urbaniak đã nhiệt tình giảng dạy về sự ảnh hưởng và sự thuyết phục thông qua việc kết nối với người khác. Cô chia sẻ rằng chuyển sự chú ý sang người khác sẽ tốt hơn là tự chịu đựng cảm xúc khó chịu, việc này cũng cung cấp thêm thời gian để bình tĩnh lại. Nếu có ai đó hỏi rằng có phải bạn không thoải mái để đưa ra câu trả lời hay không, thì hãy hỏi lại họ vài câu, liên quan hay không liên quan cũng chẳng sao, như “Tại sao anh hỏi vậy?” hoặc “Anh mua đôi giày ở đâu thế?” hoặc thậm chí “Anh đã ăn trưa chưa vậy?” Cứ tiếp tục thăm dò nếu bạn cần thêm nhiều thời gian hơn, Kasia gợi ý. Để họ lo vụ trả lời mấy câu hỏi của bạn trong khi bạn dành thời gian để cân nhắc vấn đề của mình.

 

Nói “Không” một cách khéo léo

 

Nói “Không” theo những cách sau đây có thể tìm kiếm được sự đồng tình của đối phương. Ví dụ như, “Mặc dù rất muốn giúp anh thực hiện công việc này, nhưng xem xét khối lượng công việc hiện tại thì nếu nhận lời tôi có thể không hoàn thành tốt đúng như anh mong muốn.” Đó là sự thật. Nói “Không” không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là cách thức giải thoát của một con người. Nó tạo cho người ta thói quen tôn trọng mình và những người khác, bởi vì như thế mới là trung thực với cảm xúc. Có thể ngay lúc đó đối phương sẽ không thích câu trả lời “Không” của bạn, nhưng theo thời gian, họ sẽ biết ơn vì bạn đã từ chối.

 

Theo Psychology Today
Kim

Tags: