Cuộc đời của Pi là phải có sách giải mật mã
Cuộc đời của Pi là phải có sách giải mật mã

Xin nói trước là trong bài này, có nhiều điều tôi chỉ tổng hợp trên mạng, số còn lại là quan điểm cá nhân.


“Cuộc đời của Pi”, tác giả Yann Martel, bản dịch của Trịnh Lữ, Nhã Nam ấn hành

Tôi đã đọc Cuộc đời của Pi, cả bản tiếng Anh và tiếng Việt, đôi khi xen kẽ Anh/Việt với nhau, và phải công nhận dịch giả Trịnh Lữ đã bỏ nhiều tâm huyết cho cuốn tiểu thuyết của Yann Martel.

Cũng như các bạn, đọc xong tôi thấy day dứt về nó. Có một học giả đã viết rằng có hai trạng thái khi ta đọc một cuốn tiểu thuyết. Trạng thái thứ nhất là khi ta như được sống trong câu chuyện, với các tình tiết, diễn biến của nó. Và trạng thái thứ hai là khi ta chia sẻ hay phản biện lại nhân sinh quan của tác giả.

Câu chuyện về cậu bé Pi sống sót trên con thuyền cứu hộ với các con thú có nhiều tình tiết giả tưởng. Từ việc Pi thuần hóa con hổ Bengal đến cảnh cậu gặp một người mù trôi dạt giữa đại dương, rồi lên được hòn đảo kỳ lạ với các con chồn biển và những cây ăn thịt người. Để có thể sống được trong câu chuyện này, với các tình tiết giả tưởng của nó, người đọc phải “tạm gác lại những hoài nghi” của mình.

Khái niệm này, thuật ngữ tiếng Anh là “suspension of disbelief”, được Coleridge đưa ra từ đầu thế kỷ 19, và áp dụng cả với các bộ phim thuộc thể loại giả tưởng. Lưu ý ở đây là ta chỉ “tạm gác” thôi, để khi gập cuốn sách lại, hay ra khỏi rạp chiếu phim, thì trở về với thực tại cùng những mối nghi ngờ của mình: Ta nghĩ đến nhân sinh quan của tác giả -Yann Martel, và bắt đầu tranh luận với nó.

Nếu có thể, tôi sẽ đặt một tiêu đề khác cho cuốn tiểu thuyết này, đó là “Mật mã của Yann Martel”. Thật vậy, cuốn tiểu thuyết ẩn chứa nhiều chi tiết để người đọc khám phá. Xin được tóm lược một số chi tiết chính dưới đây.


“Pi, Cargo ship”, tranh của Diane Young

 

1. Chúa đã cho Pi một cơ hội để suy ngẫm

 

Mặc dù tác giả cho Pi theo đạo Hindu, Thiên Chúa, và Hồi, nhưng trong cuốn tiểu thuyết này có một ẩn dụ rất đặc biệt của thần học Do Thái.

Con tàu hàng của Nhật bị đắm trong truyện có tên Tsimtsum. Đây không phải là một cái tên tiếng Nhật, mà là một khái niệm then chốt trong Do Thái học Kabbalah. Nó được Isaac Luria đưa ra vào thế kỷ 16 để giải thích mối quan hệ giữa Chúa và thế giới con người.

Trước giờ câu hỏi muôn thủa vẫn là: nếu Chúa nhân từ có quyền năng, ánh sáng, và sự hiện hữa vô hạn, thì thế giới hữu hạn, đầy đau khổ và trần tục của con người từ đâu mà ra?

Theo Isaac Luria, để tạo ra thế giới trần tục này, Chúa đã tự thu nhỏ, tự giới hạn nguồn ánh sáng vô tận của mình lại, để tạo ra một khoảng trống rỗng ở trung tâm. Cái khoảng trống rỗng này là nơi sau đó Chúa sáng tạo ra thế giới trần tục cho con người. Và cái hành động tự thu mình lại của Chúa, trong tiếng Hebrew, gọi là Tsimtsum. Qua Tsimtsum, Chúa cho con người có một thế giới riêng để tự phát triển và nhận thức, với tất cả những hỉ nộ ái ố của mình. Chúa vừa giấu mình mà lại vẫn hiện hữu trong cái thế giới đó của con người. Và theo Do Thái học Kaballah, nhiệm vụ của con người là nhận thức và khôi phục được sự hiện diện của Chúa.

Phải chăng con tàu Tsimtsum bị đắm chính là ý Chúa để Pi có thể tự nhận thức về cuộc sống và đức tin của mình? Một chi tiết thú vị là ở đầu câu chuyện, Pi có kể đã làm luận văn về lý thuyết thần học của Isaac Luria!


“Life of Pi”, tranh của Sarah

 

2. Đức tin cần khôi phục của Pi

 

Cũng theo Do Thái học Kabbalah, sau Tsimtsum, Chúa lần lượt tạo ra năm thế giới, mỗi thế giới có tương tác với quyền năng vô hạn của Chúa ở mức độ khác nhau. Năm thế giới này thường được thể hiện bằng năm vòng tròn đồng tâm, với thế giới trần tục của con người, nằm trong cùng, tuy xa nhất, nhưng vẫn được Chúa soi rọi bởi một tia ánh sáng chiếu từ bên ngoài vào đến trung tâm. Các bạn đọc truyện sẽ thấy khá nhiều lần Pi mô tả mình ở giữa những vòng tròn như thế.


Sau Tsimtsum, Chúa tạo ra năm thế giới. Thế giới của con người là vòng tròn trung tâm, xa với Chúa nhất, nhưng được soi rọi bởi một tia sáng từ ngoài vào.

Tôi đặc biệt thích đoạn Pi tận hưởng những tia chớp giữa đại dương giông bão. Nó gợi đến một mô tả của Isaac Luria rằng sau Tsimtsum, Chúa chiếu ánh sáng màu nhiệm của mình vào những chiếc bình. Nhưng những chiếc bình đó quá mỏng manh nên đã vỡ vụn, khiến ánh sáng ấy bị vương vãi khắp nơi. Người Do Thái mộ đạo lấy nhiệm vụ khôi phục lại ánh sáng của Chúa là lẽ sống. Phải chăng đức tin mỏng manh của Pi trước chuyến vượt biển bão táp cũng hệt những chiếc bình, cũng đã từng vỡ vụn và phải được chắp nối lại từ đầu?


Alexis Rockman, “Pi Adrift”, 2009, màu nước, mực, gouache trên giấy, 45.7 x 61cm

 

 

3. Về cái tên của Pi

 

Khi được hỏi tại sao lại chọn cái tên Pi? Yann Martel đã trả lời đại ý rằng: “Tôi chọn cái tên Pi vì đây là một con số không thể được diễn giải. Ngược lại, các nhà khoa học lại dùng con số không diễn giải được này để giải thích trật tự của vũ trụ. Với tôi, tôn giáo cũng gần như thế, tuy không thể giải thích, chúng giúp ta nhận thức về vũ trụ”. Quả là một lựa chọn đầy ẩn ý, và nó càng thú vị hơn khi số Pi có liên quan mật thiết đến những vòng tròn. Liệu đó có phải là một sự gợi nhớ đến mô hình của Isaac Luria?

Nhưng có lẽ chúng ta nên quan tâm hơn tới cái tên cúng cơm của Pi, Piscine Molitor. Piscine đọc như pissing – “đi tè”, điều này thì đã được giải thích rõ lắm rồi. Nhưng Piscine nghĩa gốc là bể bơi, là hình ảnh một vật chất vô định (nước) được bao bọc bởi một một ranh giới cố định (bể). Rồi khi cái bể bơi ấy trôi dạt giữa đại dương: nước hữu hạn ở trong nước bao la, ở trong mà vẫn tách biệt, vẫn khô khát giữa cái bao la ấy. Bạn có thấy hình ảnh này có liên quan gì tới khái niệm Tsimtsum nhắc tới bên trên hay không?


Tranh của Andrea Offermann

 

4. Về cái tên Richard Parker

 

Danh từ riêng được nhắc đến nhiều nhất trong Cuộc đời của Pi có lẽ là Richard Parker – tên con hổ đi cùng Pi trong cả chuyến hải hành, là bạn thân cũng là nỗi lo của Pi. Cái tên này tưởng như ngẫu nhiên mà lại gắn với những trùng hợp thật kỳ lạ trong lịch sử đắm tàu. Năm 1838, Edga Allan Poe xuất bản tiểu thuyết duy nhất của mình, kể về một vụ đắm tàu với bốn người trôi dạt trên biển. Một trong số họ có tên Richard Parker. Người này đề nghị mọi người rút thăm xem ai sẽ bị những người khác ăn thịt để sống sót; và người bị ăn thịt lại chính là anh.

Lạ kỳ ở chỗ, hơn bốn mươi năm sau, vào năm 1884, đã có một vụ đắm tàu thật sự. Trên thuyền cứu nạn có ba thủy thủ trưởng thành và cậu thanh niên Richard Parker. Trong cơn đói khát, Richard Parker đã bị ba thủy thủ kia ăn thịt.

Điểm đáng nói trong sự kiện đắm tàu khủng khiếp vào năm 1884 là quan điểm của những người liên quan. Trong giới thủy thủ vẫn có một khái niệm gọi là “Custom of the Sea” – “Thông lệ của biển”. Theo thông lệ này, khi trôi dạt trên biển, việc thủy thủ giết và ăn thịt đồng loại để sống còn là chấp nhận được. Trong phiên tòa xử các thủy thủ đã giết Richard Parker, bản thân anh trai của nạn nhân đã tới bắt tay những can phạm. Tuy nhiên phiên tòa cuối cùng đã kết tội các thủy thủ giết người, nó vẫn phản ánh cuộc tranh luận về giới hạn giữa bản năng và ràng buộc xã hội, giữa nhu cầu sống còn và trách nhiệm với đồng loại.

Vậy Yann Martel có ý gì khi chọn cái tên Richard Parker cho con hổ? Liệu Richard Parker, hiện thân của câu chuyện đẹp về cuộc sống, về thiên nhiên, và về Chúa, có bị kẻ đồng loại trần trụi của mình – không phải là Pi, mà là câu chuyện thứ hai – ăn thịt?


Hổ Richard Parker và Pi trên thuyền, trong tranh của ShOeBoXfAn130

***

Pi có một chuyến hải hành mấy trăm ngày trên đại dương. Trên thuyền có Pi và mấy con vật của vườn thú. Một cuộc đấu tranh sinh tồn diễn ra trên thuyền. Có con chết, có con còn sống sót, nhưng cuối cùng tàu chìm. Tất cả diễn ra trong một không khí kỳ lạ – “chỉ Chúa mới hiểu”. Khi nhân viên cứu hộ đến hỏi han, Pi kể câu chuyện này nhưng không ai tin. Vậy là Pi phải kể một phiên bản thứ hai cho con người tin.

Trong phiên bản này, mỗi con vật được đổi thành một con người. Phiên bản này tàn bạo (vì là người mà). Đến lượt đám cứu hộ lại không muốn tin vào phiên bản này vì nó kinh quá, trần trụi quá. Và Pi nói, tùy bạn vậy, tùy bạn chọn. Và người nghe chọn phiên bản 1, hoang đường đấy, nhưng mà còn có Chúa. Cũng như tác giả Yann Martel, trong một vài phỏng vấn, đã nói: “Cuộc đời là một câu chuyện… Bạn có thể chọn câu chuyện của mình… Và câu chuyện có Chúa là câu chuyện hay hơn”.

Còn tôi, tôi lại tin vào câu chuyện thứ hai – câu chuyện của những con người “diệt” nhau trên thuyền – mặc dù nó thật khủng khiếp. Lần đầu đọc đến đoạn này, tôi chỉ dám lướt qua cho đến hết vì thấy quá chấn động. Nhưng rồi vẫn phải đọc lại, để suy ngẫm xem nó có thật sự toàn những điều xấu xa hay không? Và tôi thấy trong đó vẫn có những điều tốt đẹp, có sự chăm sóc của con người với con người, có trận chiến đấu không cân sức, có sự hy sinh của mẹ cho con, và có cả kết cục đáng đời của kẻ xấu.

Tôi vẫn thấy trong câu chuyện thứ hai này những nhận thức nhân bản về thế nào là ranh giới giữa sống còn và nhân tính, rằng người ta khi đã trót để bản năng vượt qua cái giới hạn nhân tính đó, thì bản thân cũng thấy không còn khát vọng sống nữa.


“The life of Pi”, tranh của Fritman

Trên đây là những gì tôi tổng hợp và suy ngẫm sau khi đọc Cuộc đời của Pi. Có một nhà phê bình nhận xét rằng Yann Martel đã sử dụng thủ pháp của chủ nghĩa deconstructionism trong cuốn tiểu thuyết này. Khái niệm deconstructionism khá phổ biến trong kiến trúc, và được dịch là “giải tỏa kết cấu”. Ở đây, dường như Yann Martel đã chủ ý kể hai câu chuyện, với tất cả các khái niệm đối lập như đức tin/sự vô thần, con người/Chúa, bản năng/chuẩn mực xã hội, hiện thực/nhận thức… được đặt cạnh nhau, rồi để người đọc, bằng nhân sinh quan của chính mình, tự mổ xẻ, so sánh, và rút ra những suy ngẫm cho bản thân. Nếu quả đúng như vậy thì việc dịch hay chuyển thể chính xác câu chuyện của Yann Martel là bất khả thi.

Vậy thì cuối cùng, câu “And so it goes with God” mà Pi nói khi đám nhân viên cứu hộ nhất trí chọn tin theo phiên bản 1 có thể “dịch” là gì? Là:
– Và Chúa cũng nghĩ vậy?
– Và thế là hợp ý Chúa?

Lại bắt chước như Yann Martel thôi, “Và bạn có thể chọn câu cho mình cũng được, miễn là có Chúa”.

Theo Soi.today.

Tags: