Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks và câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử y học
Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks và câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử y học
“Rất nhiều người biết HeLa - dòng tế bào đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của y học. Nhưng ít ai biết đến Herietta Lacks - người phụ nữ bất hạnh đằng sau dòng tế bào đó.”
Cuộc Đời Bất Tử Của Henrietta Lacks
(6 lượt)
Trước hết, phải khẳng định rằng Cuộc đời bất tử của Henrietta Lacks là cuốn sách viết về một nhân vật có thật mà các tế bào của bà đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của khoa học nói chung và y học nói riêng - Henrietta Lacks. Tuy nhiên, người ta vốn chỉ biết đến HeLa – dòng tế bào được nuôi cấy từ tế bào gốc của bà chứ gần như không một ai biết người phụ nữ đằng sau những tế bào đó là ai.

 

Tất cả luôn chỉ tập trung vào các tế bào, thậm chí người ta còn không thèm bận tâm đến tên của bà và liệu HeLa có phải là người hay không. Câu chuyện sẽ tiếp tục là như thế nếu không có sự cố gắng của những người con của bà cũng như tác giả cuốn sách, Rebecca Skloot, nhằm lấy lại danh tiếng mà bà đáng được hưởng.

Henrietta Lacks - Con người đã thay đổi cả y học nhân loại

 

 

Sự ra đời của dòng tế bào HeLa

 

 

Mọi chuyện bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1940, khi một người phụ nữ Mỹ gốc Phi bất hạnh mắc bệnh ung thư cổ tử cung phải đến khám và điều trị tại bệnh viện Johns Hopkins – một trong số rất ít bệnh viện chấp nhận chữa trị cho người da đen lúc bấy giờ, dẫu rằng tại đây họ vẫn phải ở một khu cách biệt với người da trắng. Khi đó, cô ấy 29 tuổi, đang mang thai Joe, đứa con thứ năm của mình. Kể từ khi phát hiện ra khối u, chỉ ba tháng rưỡi sau đó nó đã phát triển hoàn chỉnh. Các bác sỹ nói khối u có “tốc độ phát triển kinh hoàng”, giống như tốc độ phát triển của các tế bào bất tử của cô được nuôi cấy sau này.

 

Khối u của Henrietta đã làm thỏa mãn ước mơ nuôi cấy thành công tế bào người bất tử đầu tiên của một số nhà khoa học tế bào. Không giống như những tế bào bình thường khác sẽ chết sau một thời gian nuôi cấy, các tế bào của Henrietta không chỉ sống sót đơn thuần, chúng còn tăng sinh với tốc độ không tưởng “nhanh như cỏ dại”. Các bác sỹ ở bệnh viện bắt đầu gửi những tế bào HeLa tới các phòng thí nghiệm khắp nơi và người ta bắt đầu bán những ống tế bào được nuôi cấy với giá mười đô-la mỗi ống. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới dùng tế bào HeLa để nghiên cứu nhưng tuyệt nhiên không một ai biết các tế bào đó là của ai.

 

 

 

 

Tế bào HeLa đã thay đổi nền y học và thế giới như thế nào?

 

 

Các tế bào Hela với số lượng gần như là vô hạn, là thứ vô cùng quý giá vì chúng cho phép các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm mà họ không thể thực hiện trên cơ thể người. Họ cho các tế bào HeLa tiếp xúc với vô số các độc tố, phóng xạ, và các bệnh lây nhiễm.

 

Bệnh viện Johns Hopkins, nơi Henrietta đã từng được điều trị

Những thành tựu y học có được nhờ vào dòng tế bào HeLa là vô cùng to lớn và tiếp tục nhiều lên cho đến tận ngày nay. Vào năm 1951, khi mà cả thế giới đang hoang mang trước căn bệnh bại liệt, người ta đã có kế hoạch xây dựng nhà máy HeLa có thể sản xuất hàng nghìn tỷ tế bào HeLa mỗi tuần với mục đích giúp ngăn chặn căn bệnh này, và họ đã thành công. Bên cạnh đó, nhờ tế bào của bà mà thế giới có những phát minh mới – những phép màu y học như thuốc trị ung thư và một số bệnh khác, thậm chí cả AIDS.

Các tế bào HeLa đã được sử dụng trong nghiên cứu mở đường cho sự tiến bộ của ngành di truyền học người khi chúng giúp các nhà khoa học khám phá ra đầy đủ bộ gen của con người. Dòng tế bào bất tử này đã đi cùng những người đầu tiên bay vào vũ trụ giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu những ảnh hưởng của việc du hành không gian lên các tế bào, cùng nhu cầu dinh dưỡng của chúng khi ở ngoài không gian.

 

 

Nhưng cuộc sống của Henrietta Lacks và gia đình lại vô cùng khốn khó

 

 

Rất nhiều điều ít ai biết về Henrietta và sự ra đời của dòng tế bào HeLa sẽ được giải mã trong cuốn sách này. Không chỉ là câu chuyện về người phụ nữ “da màu ưa nhìn” đằng sau dòng tế bào nổi tiếng, cuốn sách còn tái hiện trước mắt độc giả khắp nơi về cuộc sống đầy bất hạnh của một gia đình da màu điển hình sống trong thời đại của Jim Crow, một đạo luật kỳ thị chủng tộc và chống lại người da đen.

 

Bức ảnh nổi tiếng của Henrietta Lacks

Mãi cho đến tận thập niên 1970, người phụ nữ đằng sau dòng tế bào nổi tiếng vẫn được biết đến với cái tên Helen Lane, và đôi khi là Helen Larson chứ không bao giờ là Henrietta Lacks. Trong khi những trung tâm nghiên cứu và vô số cá nhân kiếm hàng triệu đô-la từ tế bào của Henrietta thì ngược lại, những người thân của bà không hề biết đến sự tồn tại của những tế bào còn sống đó. Họ thậm chí vẫn phải sống trong cảnh bệnh tật, nghèo khó. Một trong những người con của bà, Sonny, phải phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành vào năm 2003 với món nợ 125.000 đô-la vì không có bảo hiểm y tế để chi trả cho ca phẫu thuật.

Khi nghe về câu chuyện của Henrietta Lacks và các tế bào của bà, tôi, bạn cũng như rất nhiều người có thể sẽ đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ bà ấy không biết việc các bác sỹ đang làm với tế bào của bà hay sao?" hay "Các bác sỹ hẳn đã xin phép bà ấy trước khi lấy và làm gì tiếp theo với tế bào của bà ấy chứ?". Câu trả lời là Không, ít nhất là trong khi sự phân biệt đối xử là luật lệ và mọi người ngầm hiểu rằng người da màu không được chất vấn những đánh giá chuyên môn của người da trắng.

Chồng của bà, Day, bị ung thư tuyến tiền liệt và nhiễm độc amiăng phổi. Các con của bà, người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, kẻ chết trong bệnh viện tâm thần. Sonny có bệnh tim. Deborah bị viêm khớp, loãng xương, trầm cảm và mắc chứng lo lâu. Joe gây rắc rối khắp mọi nơi vì thói nghiện rượu của mình. Elsie qua đời tại bệnh viện tâm thần. Chỉ có Lawrence, người con trai cả là người duy nhất có nhiều ký ức về mẹ. Và bởi Day và Henrietta là anh em họ, tất cả những người con của bà đều bị điếc với các mức độ khác nhau.

Tác giả Rebecca Skloot và cuốn sách

 

 

Cái kết có được như mong đợi?

 

 

Qua những trang sách, tình yêu thương của một người mẹ dành cho những đứa con, và ngược lại, được thể hiện rất rõ. Các con của bà, đặc biệt là Deborah, dù biết rằng họ chẳng giàu lên nhờ các tế bào của mẹ, chỉ mong muốn tìm hiểu thêm về mẹ và muốn câu chuyện phải được kể rõ ràng để người ta biết mẹ của bà, HeLa, là Henrietta Lacks. Deborah không may mắn khi không có một chút ký ức nào về mẹ bởi Henrietta mất khi bà còn rất nhỏ. Tuy nhiên, bằng tình yêu với mẹ, bà chính là người song hành cùng tác giả Rebecca trên hành trình đi tìm hiểu về dòng tế bào HeLa bất chấp những bệnh tật và biến cố liên tục xảy ra khiến Deborah khốn đốn.

 

Chính vào lúc mà mọi chuyện tưởng như đã suôn sẻ và thành quả ở trước mắt, vào lúc mà Deborah ngỡ rằng mẹ mình sắp được biết đến rộng rãi hơn thì thảm họa xảy ra. Cuộc hội thảo Henrietta Lacks chủ trì bởi Quỹ Quốc gia về Nghiên cứu Bệnh Ung thư được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, tại Washington, D.C. Khi họ chuẩn bị đi tới cuộc hội thảo thì chiếc máy bay đầu tiên đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế Giới. D.C bị phong tỏa, cuộc hội thảo bị lùi lại mà không có kế hoạch tổ chức lại vào một ngày khác.

Vào năm 2009, khi Cuộc đời bất tử của Henrietta được xuất bản, những thành viên trong gia đình Henrietta vẫn không được hưởng lợi gì từ các tế bào bất tử của bà. Debora bị nhồi máu cơ tim và mất ngay sau Ngày của mẹ cùng năm với niềm an ủi là ước mơ về một cuốn sách viết về mẹ của bà đã thành hiện thực. Cho đến tận ngày nay, Hela vẫn là một trong những dòng tế bào được sử dụng rộng rãi nhất trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự trợ giúp của báo chí và truyền thông, ngày càng có nhiều người biết đến không chỉ tế bào HeLa mà cả Henrietta, người phụ nữ đằng sau chúng, một người phụ nữ rất thân thiện, giỏi nấu ăn, và rất xinh đẹp nữa.

Mỹ Hạnh Đàm

Tags: