Cùng Fukuzawa Yukichi bàn về “thực học” 
Cùng Fukuzawa Yukichi bàn về “thực học” 
Trong cuốn sách “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi đã chỉ ra tầm quan trọng của tri thức, đồng thời nêu ra quan điểm về “thực học” - việc học những thứ thực dụng trong cuộc sống mà ai cũng cần. Trạm Đọc xin trích dẫn một đoạn về vấn đề này  trong cuốn sách “Khuyến học” của ông.
Khuyến Học (Tủ Sách Đời Người)
(4 lượt)
Cổ nhân có câu: “Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người.” Nghĩa là con người do trời sinh ra, muôn người đều ngang hàng với nhau, lúc mới sinh ra con người vốn không có sự phân biệt sang hèn, trên dưới. Con người là loài tối linh trong muôn vật, dựa vào hoạt động của chân tay và trí óc để biến mọi thứ trên thế gian thành thứ hữu ích, để thỏa mãn nhu cầu ăn mặc ngủ nghỉ của bản thân. Mọi người được tự do tự tại sống theo ý mình, không cản trở cuộc sống của người khác, và ai nấy đều vui vẻ sống ở trên đời. Đó là ý của trời khi tạo ra con người. 

Thế nhưng nếu nhìn rộng ra thế giới loài người ngày nay, chúng ta sẽ thấy có người thông minh cũng lại có kẻ ngu dại, có người nghèo cũng lại có kẻ giàu, có người sang cũng lại có kẻ hèn, dường như giữa họ có sự khác biệt một trời một vực, tại sao vậy? Lý do đã quá rõ ràng. Jitsugokyo (1) có viết: “Người không học sẽ không có tri thức, kẻ không có tri thức là kẻ ngu đần.” Thế nên sự khác biệt giữa người thông minh và kẻ ngu đần kỳ thực cũng chỉ ở chỗ có học có tri thức hay không học mà ra.

Thêm nữa, trên đời có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm những việc khó được gọi là bậc tôn quý, còn người làm những việc dễ bị gọi là kẻ thấp hèn. Hầu hết những công việc phải khổ nhọc về tinh thần được coi là việc khó, còn những công việc phải vất vả về chân tay bị xem là việc dễ. Cho nên bác sĩ, học giả, quan chức trong chính phủ, những thương nhân làm ăn buôn bán lớn, những ông chủ có trang trại rộng lớn, sử dụng lắm nhân công làm việc, được gọi là những người có thân phận cao quý. Do có thân phận cao quý nên nhà của họ cũng tự khắc trở nên giàu có, những kẻ thấp kém bên ngoài nhìn vào sẽ thấy họ cao sang tót vời, không thể với tới. Nếu phải đi tìm nguyên nhân sâu xa của sự khác biệt này thì cũng chỉ ở chỗ người có tri thức hay không có tri thức mà ra cả, chứ chẳng phải do số trời đặt định gì hết.

Tục ngữ có câu: “Trời không ban cho con người giàu sang phú quý, mà con người phải lao động để tạo ra giàu sang phú quý.” Như tôi đã đề cập ở trên, con người khi sinh ra vốn không chia giàu nghèo, sang hèn. Chỉ những người chuyên tâm cầu học tri thức, thông hiểu muôn việc mới trở thành người sang, người giàu, còn những kẻ không chuộng học hành sẽ trở thành người hèn, người nghèo.

Học vấn không phải là thông hiểu chữ khó, đọc thạo cổ văn rối rắm khó hiểu, biết ngâm vịnh waka (2), biết làm thơ, là những thứ không thực dụng ở đời. Dẫu rằng những thứ học vấn đó cũng có thể giúp chúng ta điều hòa cảm xúc, khiến tâm hồn thêm vui vẻ thư thái, cũng có ích lợi, nhưng nó không “trân quý” đến mức như các nhà Nho, các học giả xưa nay vẫn xưng tụng. Tự cổ chí kim hiếm có nhà Hán học nào là tay cừ khôi trong việc tạo dựng sinh kế, cũng ít có thương nhân nào vừa giỏi waka lại thành công trong buôn bán. Vì thế nhiều nhà nông và nhà buôn có tâm cơ khi thấy con em mình để tâm chuyên cần, cầu học tri thức thì lại lo rằng gia nghiệp sẽ tán gia bại sản. Ấy là nỗi lo có thể hiểu được. Suy cho cùng đó cũng là bằng chứng cho thấy tình trạng bất tương xứng quá lớn giữa thứ học vấn đang được truyền thụ trong xã hội với những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống thường ngày. Do đó chúng ta nên coi thứ học vấn không thực dụng đó là thứ yếu, và hãy chuyên tâm dốc lòng vào “thực học”, học những thứ hữu dụng cho cuộc sống thường nhật mà con người ai ai cũng cần.

Ví như học 47 chữ cái trong bảng chữ Iroha (3), học cách viết thư từ, học cách soạn sổ sách kế toán, luyện cho thành thạo cách sử dụng bàn tính, sử dụng cân đo, sau đó tiến thêm bước nữa bằng cách học tri thức ở nhiều lĩnh vực khác. Như địa lý học là học vấn giới thiệu tình hình phong thổ không chỉ của Nhật Bản mà còn của các nước khác trên địa cầu. Cùng lý học (4)  là học vấn nghiên cứu tính chất và thấu hiểu sự vận hành của vạn vật trong trời đất. Lịch sử là điển tịch ghi chép tỉ mỉ và cặn kẽ về tình hình vạn quốc xưa nay theo trình tự thời gian. Kinh tế học là học vấn luận bàn về sinh kế của một người, một nhà cho đến sinh kế của quốc gia, của toàn cầu. Tu thân học (5) thì bàn về cách tu dưỡng hành vi ngôn luận của bản thân, dạy cách kết giao với người khác, cách đối nhân xử thế ở đời sao cho hợp với đạo lý tự nhiên.

  1. Jitsugokyo (Thực ngữ giáo) là cuốn sách giáo khoa sơ đẳng, với nội dung chủ yếu là những lời giáo huấn cho người dân bình thường, cuốn sách được dùng giảng dạy từ cuối thời Heian cho đến đầu thời Meiji. 
  2. Waka hay Hòa ca là một thể loại trong văn học cổ của Nhật Bản, đó là thể thơ với 31 âm tiết, xuất hiện vào thời Nara cách nay khoảng hơn 1000 năm.
  3. Iroha là một cách đọc bảng chữ cái kana của Nhật Bản theo “bài ca iroha”, bảng chữ iroha được sắp xếp theo thứ tự những chữ cái thường được sử dụng nhất. 
  4. Cùng lý học là cách gọi lĩnh vực vật lý học và triết học được sử dụng trong giai đoạn cuối thời Edo và đầu thời Meiji. 
  5. Tu thân học là thuật ngữ do Fukuzawa Yukichi đặt ra, có nghĩa là học vấn nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tu thân. 

—-------- 

“Khuyến học của Fukuzawa Yukichi chính là một tác phẩm mà tất cả các bạn trẻ đều cần để tạo dựng ý thức tinh thần công dân, phát xuất là công dân quốc gia và tột cùng là công dân toàn cầu.” - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận xét. 

“Khuyến học” chính là cuốn sách tiếp theo trong Tủ Sách Đời Người của Omega Plus Books. Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. 

Điểm khác biệt trong bản “Khuyến học” của Tủ Sách Đời Người là được dịch theo bản Fukuzawa Yukichi soạn, Tomita Masafumi giới thiệu (学問のすすめ, Gakumon no susume), Nihon Hyoronsha [Nhật Bản bình luận xã], Tokyo, xuất bản năm 1941. Đây cũng là bản nằm trong bộ sách Meiji bunka sosho [明治文化叢書, Minh Trị văn hóa tùng thư]. Trong quá trình dịch, dịch giả có đối chiếu với bản tiếng Anh và tiếng Trung, bổ sung thêm một số phần làm rõ nghĩa, một số hình ảnh minh họa và hệ thống chú thích.

 

 

Tags: