Cùng Đọc Sách Và Vào Bếp
Cùng Đọc Sách Và Vào Bếp
Những quyển sách, cẩm nang giá trị phục vụ cho tài nấu nướng của các bạn không chỉ trong thời gian giãn cách xã hội (ở nhà thường xuyên nấu ăn), mà còn là những bí kíp theo bạn mọi lúc mọi nơi. Hãy biến nấu ăn trở thành một nghệ thuật, bản thân bạn trở thành một "đầu bếp năm sao" cùng những quyển sách này của NXB Trẻ.

 1. QUYỂN ĂN UỐNG LÀ HẠNH PHÚC

Sau Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng & Bước đệm vững chắc vào đời, cuốn sách thứ ba trong bộ BÁC SĨ RIÊNG CỦA BÉ YÊU được bác sĩ Huyên Thảo chọn đề tài “ăn uống”, vì theo bác sĩ, “thật sự mình thấy đây là một đề tài rất cơ bản, quá cơ bản, nhưng lại gây ra quá nhiều đau thương, căng thẳng và cay đắng, cho con trẻ, cho ba mẹ ông bà chúng.” Vốn là bác sĩ nhi tốt nghiệp ở Đại học y khoa Úc, nổi tiếng mát tay khi chữa trị và tư vấn nhi khoa cho nhóm bệnh nhân nhỏ tuổi, bác sĩ gặp nhiều “nạn nhân” trong chính sự lo lắng thương yêu không đúng cách.

2. QUYỂN BIẾT THÌ ĐÃ NGON

Cuốn sách mỏng nhẹ này thú vị và cực kỳ hấp dẫn bởi kiến thức về ăn-uống- nấu nướng - pha chế trên bàn ăn và trong căn bếp được phân tích trên cơ sở khoa học một cách dễ hiểu và hài hước, với hình minh họa xinh xắn. Đối với các bà mẹ yêu gia đình, những người vợ yêu chồng, hay bạn bè chung sở thích khám phá ẩm thực… thì đây là cuốn sách khó thể rời mắt ngay khi bắt đầu đọc.

Các tác giả là cử nhân, nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ sinh hóa, đều học ở nước ngoài về và muốn được kể lại một chút hiểu biết của mình, biết đâu có thể tác động lên chuyện ăn uống sao cho khỏe, từ việc ăn sạch có hiểu biết. Không phải từ lời khuyên kinh nghiệm, họ có dữ liệu khoa học, lại viết ngắn gọn và vui, vì vậy mà cuốn sách đọc xong dễ dàng nhớ mãi mà theo.

Đúng là biết thì sẽ (nấu/ăn) ngon: Thưởng trà sao cho đúng; Mẹ ơi đừng ép con uống sữa; Chuyện mì chính cánh; Tịt đỏ thịt trắng; Hiểu để nấu ngon; Rửa rau cho sạch; Cà phê ta vs cà phê tây; Sao ăn lại cay; Ăn chay liệu có khỏe… Có 18 bài như thế, với hình minh họa hài hước của họa sĩ Đặng Hồng Quân

3. QUYỂN ÔI, ĐƯỜNG! ĐỂ SỐNG VUI, KHỎE MÀ VẪN THỎA ĐAM MÊ ĐỒ NGỌT

Tựa sách này đưa ra những tác hại của đồ ngọt, rủi ro nếu lỡ “nghiện” ăn ngọt, làm sao để thỏa thuê cơn nghiện mà vẫn giữ được sức khỏe, vóc dáng. Một đề tài không lạ nhưng lời dẫn hài hước, không đưa ra bắt buộc, cũng không cưỡng ép phải kiêng khem, đơn giản là phân tích và dẫn chứng một cách dí dỏm rồi đưa ra đề nghị hợp lí.

4. QUYỂN TA BIẾT GÌ KHI TA ĂN?

Mười một chương sách là mười một câu chuyện khác nhau về 6 nhân vật, 4 địa điểm và bản thân những trải nghiệm của tác giả về chuyện ăn uống. Mỗi nhân vật mang những đặc điểm điển hình cho các cộng đồng trong xã hội, với những điểm nhấn và các chú ý về dinh dưỡng riêng biệt.

5. QUYỂN ĂN GÌ CHO KHÔNG ĐỘC HẠI

"Dinh dưỡng là một đề tài rối rắm. Không chỉ là chuyện ăn, nó còn gắn liền với khoa học, văn hóa, truyền thống, sức khỏe, cảm giác được chăm sóc, sự no ấm, sự hạnh phúc… Chính vì phức tạp nên nó dễ bị hiểu sai, và thông tin về nó dễ bị lợi dụng.
Trong tình cảnh đó, cuốn sách này ra đời với hy vọng giúp những ai đang băn khoăn trước mớ thông tin về dinh dưỡng đang chất đống như mặt hàng trên kệ siêu thị được yên tâm. Yên tâm để biết mình nên lựa thông tin nào đem về nhà. Yên tâm để điềm tĩnh trước những thông tin, nghiên cứu mới về chất nọ vitamin kia cứ ồ ạt sinh sôi mỗi ngày - những thứ khiến mình nghi ngờ rằng cả nhà mình lẫn tổ tiên mình trước đây đều ăn uống sai bét.

Tôi không có ý định thay đổi gì ai. Quá nhiều người đang muốn làm chuyện này rồi. Cuốn sách chỉ đưa ra hướng dẫn, giúp người muốn tìm hiểu về sức khỏe và môi trường có một cái nhìn khác. Tức tôi có thể đưa ra hướng cho người đọc yên tâm đi, nhưng đầu tiên họ phải muốn đi cái đã." (Pha Lê)

Cuốn sách là câu chuyện thú vị và bổ ích về thực dưỡng, ăn chay, thực phẩm hữu cơ... nhìn từ góc độ khoa học và thực tiễn đời sống, môi trường, được thể hiện bằng giọng văn hài hước và sắc sảo. Tác giả Pha Lê có bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu danh giá. Cô hiện đang là cây viết ẩm thực - văn hóa chủ lực của trang soi.today và báo Tuổi Trẻ cuối tuần.

6. QUYỂN TẨY ĐỘC BẾP - VÌ KHÔNG THỂ SỐNG MÀ KHÔNG ĂN GÌ

Cùng tác giả của cuốn sách bán chạy "Ăn gì cho không độc hại".

Mỗi món ngon ra đời là kết quả của cả quá trình đằng sau - không đơn thuần là kỹ thuật nấu nướng mà là chuyện về muối đường tương mắm, các dụng cụ, nồi niêu, bếp nấu… Một khi nắm rõ các vấn đề, các khía cạnh của bếp, chúng ta sẽ biết lý do đằng sau mỗi món ngon và món chưa ngon. Chúng ta sẽ hiểu sức mình làm việc bếp núc tới đâu là vừa. Chúng ta cũng sẽ biết, trong ma trận những nội dung quảng cáo, chia sẻ về những thứ “cần có trong gian bếp của bạn”, cái gì thực sự cần thiết, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mỗi người và tốt cho sức khỏe, cái gì đã bị thổi phồng về công năng, tác dụng. Từ đó, mỗi người có thể bắt đầu quá trình detox (tẩy độc) cho gian bếp, từ nồi niêu, dụng cụ đến gia vị, để có một gian bếp sạch theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nếu "Ăn gì cho không độc hại" là hành trình “học ăn”, "Tẩy độc bếp: Vì không thể sống mà không ăn gì" là bước đầu của hành trình “học nấu” một các tường tận, nghiêm túc, bắt đầu từ việc hiểu về bếp.

Tác giả Pha Lê tốt nghiệp trường ẩm thực danh tiếng Le Cordon Bleu (Vương quốc Anh), hiện là cây bút ẩm thực - văn hóa chủ lực của soi.today và Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

8. BỘ SÁCH VUI KHỎE MỖI NGÀY: CUỘC PHIÊU LƯU TRONG TỦ LẠNH

Bộ sách Vui khỏe mỗi ngày bao gồm những thông tin y khoa thường thức dành cho học sinh cấp một được thể hiện dưới hình thức những câu chuyện đơn giản, dễ hiểu, minh họa 4 màu bắt mắt. Bộ sách được thực hiện với sự tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viên Nhi đồng I) – nổi tiếng trong giới nuôi và chăm sóc con nhỏ qua Facebook: Hoibacsinhidong với hơn 180.000 lượt like.
Cuộc Phiêu lưu trong tủ lạnh gồm 4 truyện:

Cuộc phiêu lưu trong tủ lạnh

"Siêu nhân" gặp nạn

Điều bí mật nhiệm mầu

Chiến công của thám tử Bun

9. QUYỂN ĂN GÌ KHÔNG CHẾT - SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA THỰC PHẨM

Rất nhiều cái chết trẻ có thể ngăn ngừa được đơn giản bằng những thay đổi trong chế độ ăn và lối sống. Trong cuốn Ăn gì không chết, bác sĩ Michael Greger, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng quốc tế, và là nhà sáng lập NutritionFacts.org, nghiên cứu tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Hoa Kỳ – bệnh tim, ung thư, tiểu đường, Parkinson, cao huyết áp, và nhiều bệnh khác – giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống đôi khi có thể thành công hơn thuốc kê toa và các giải pháp phẫu thuật và thuốc men khác, cho chúng ta sống khỏe mạnh hơn.

Ngoài việc hướng dẫn chế độ ăn giúp điều trị 15 nguyên nhân gây tử vong, Ăn gì không chết còn có Lượng ăn hằng ngày của bác sĩ Greger – một danh sách đánh dấu 12 thực phẩm chúng ta nên ăn mỗi ngày. Đầy ắp những lời khuyên thực tế, có thể làm được và khoa học dinh dưỡng tiên tiến, những y lệnh của vị bác sĩ này chính là điều chúng ta cần để sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Mặc dù tác giả-bác sĩ Greger chủ trương chỉ ăn thực vật mới tốt cho sức khỏe, loại hoàn toàn thực phẩm từ động vật (kể cả trứng và sữa) – đây không phải là quan điểm và chủ ý của Nhà xuất bản Trẻ trong việc xuất bản Ăn gì không chết. Quan điểm của chúng tôi là: thêm thông tin, thêm hiểu biết thì chúng ta có thêm cơ sở cân nhắc để chọn lựa đúng đắn phù hợp cho riêng mình, tìm ra chìa khóa cân bằng trong chế độ ăn. Suy cho cùng, bổ sung các loại thực vật vào chế độ ăn chắc chắn không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn ngon miệng hơn và hạnh phúc hơn qua từng bữa ăn! 
 

Nhà xuất bản Trẻ mong rằng tất cả bạn đọc thưởng thức những quyển sách này sẽ gặt hái thêm nhiều hiểu biết về dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho mình nếu cần và có được sức khỏe tốt hơn, sống vui khỏe hơn!!

 

 Theo NXB Trẻ

Tags: