Cùng con chăm sóc răng miệng: 8 hệ lụy nguy hiểm khi răng sữa bị sâu ba mẹ không thể bỏ qua
Cùng con chăm sóc răng miệng: 8 hệ lụy nguy hiểm khi răng sữa bị sâu ba mẹ không thể bỏ qua
Bài viết được trích lược từ cuốn sách Cùng con chăm sóc răng miệng của tác giả Hứa Chính Phương do Gieo Books phát hành tại Việt Nam.
Cùng Con Chăm Sóc Răng Miệng
(1 lượt)

Không ít bố mẹ đều cho rằng răng sữa bị sâu không cần điều trị vì những chiếc răng này sớm muộn cũng sẽ rụng. Nhưng sự thật có đúng như vậy không?

Theo thống kê, tỷ lệ mắc sâu răng sữa ở trẻ 2 tuổi là khoảng 20%, đến 5 tuổi, tỷ lệ mắc sâu răng có thể lên tới 67%. Tỷ lệ mắc sâu răng cao ở trẻ em độ tuổi trước khi đi học thật đáng kinh ngạc!

Nhưng, rất nhiều phụ huynh không nghĩ như vậy. Họ cho rằng, răng sữa sau 6 tuổi sẽ dần dần rụng đi, răng mới sẽ từ từ mọc ra, nên răng sữa bị sâu cũng không phải vấn đề lớn. Nhưng sự thật thì sao? Những chiếc răng sữa bị sâu này có cần điều trị không?

 

“Tám tội trạng” của sâu răng sữa 

 

(1) Hình dáng răng bị phá hoại nghiêm trọng, thức ăn bị mắc kẹt trong lỗ sâu, chèn ép dây thần kinh trong khoang tủy, gây ra đau đớn;

(2) Gây ra viêm tủy răng, thậm chí đau đến mức trẻ tỉnh giấc giữa đêm, không thể ngủ được;

(3) Chân răng tàn dư của răng sữa bị sâu có thể bị viêm và xuyên thủng lợi, gây tổn thương môi hoặc các tổ chức mềm của má, gây ra vết thương rách;

(4) Răng sữa bị sâu cũng có thể gây bệnh do vi khuẩn theo máu truyền nhiễm tới các cơ quan khác trên toàn cơ thể, cho dù tỷ lệ truyền nhiễm toàn thân khá thấp, nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra;

(5) Ảnh hưởng đến việc ăn uống và nhai thức ăn của trẻ. Răng đau khiến trẻ ăn không no, dinh dưỡng không đủ khiến sức đề kháng giảm gây ảnh hưởng tới quá trình trưởng thành;

(6) Răng cửa sâu đen sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến trẻ không dám mở miệng cười, trở nên nhút nhát, không dám nói chuyện, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ;

(7) Răng sâu dẫn tới bị mất răng, thiếu răng, ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ;

(8) Nếu răng sữa cửa bị sâu và hư hại ở phạm vi lớn, trẻ không thể dùng răng cửa cắn xé thức ăn, như vậy có thể dẫn tới xương hàm trên kém phát triển, từ đó khiến cho việc phát triển hệ răng, chức năng nhai cắn, cho đến hình dạng khuôn mặt trẻ đều bị ảnh hưởng.

 

Sâu răng sữa ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn 

 

Sâu răng sữa không chỉ có “tám tội trạng” kể trên, một khi răng sữa bị sâu, hư hại nghiêm trọng, còn có thể nguy hại đến răng vĩnh viễn những chiếc răng sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.

Ở chương 1, chúng ta đã biết mầm răng của răng vĩnh viễn sinh ra phía dưới chân răng của răng sữa. Do đó, khi răng sữa xuất hiện những lỗ sâu, gây ra tình trạng viêm xung quanh chân răng, có nghĩa là mầm răng của răng vĩnh viễn nằm trong môi trường viêm nhiễm và mủ. Mầm răng của răng vĩnh viễn phải phát triển trong môi trường xấu như vậy sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới men răng của răng vĩnh viễn phát triển không tốt hoặc dẫn tới tình trạng răng vĩnh viễn mọc ở vị trí bất thường.

Không chỉ vậy, nếu răng sữa bị sâu nghiêm trọng mà không được điều trị kịp thời thì khi răng bị phá hủy, trẻ còn chưa đến tuổi thay răng, răng sữa đã rụng, răng vĩnh viễn bên dưới răng sữa sẽ mọc lên quá sớm. Chân răng của những chiếc răng vĩnh viễn bị mọc sớm còn chưa phát triển nên chân răng nhỏ, ngắn, thậm chí không có chân răng. Do đó, răng vĩnh viễn sau khi mọc, dễ lung lay, rụng đi. Ngoài ra, nếu răng sữa bị sâu, rụng đi, khi răng vĩnh viễn bên dưới chưa mọc thì răng hai bên sẽ phát triển về phía đó, chiếm lấy chỗ trống. Đợi đến khi răng vĩnh viễn mọc lên, chỉ có thể mọc xiên, nghiêng ngả vì không còn đủ chỗ. Như vậy, hàng lối của hàm răng chắc chắn sẽ không được ngay ngắn.

Từ đó có thể thấy, răng sữa bị sâu nếu không được tiến hành điều trị kịp thời thì về lâu dài những tổn thương gây ra cho trẻ càng ngày càng lớn. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ việc sâu răng sữa của con mà cần hình thành thói quen cho trẻ khám răng định kì để phát hiện răng sâu sớm và có phương án điều trị thích hợp.

Bài viết được trích lược từ cuốn sách Cùng con chăm sóc răng miệng của tác giả Hứa Chính Phương do Gieo Books phát hành tại Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc ngay cuốn sách tại đây
Tags: