Công thức tình yêu trong văn Nicholas Sparks: Món ngon ăn mãi cũng nhàm
Công thức tình yêu trong văn Nicholas Sparks: Món ngon ăn mãi cũng nhàm
Muốn viết truyện như Nicholas Sparks? Chỉ cần cho một đôi thanh mai trúc mã gặp nhau bên thị trấn biển, rồi số phận xô đẩy họ xa nhau. Ai đó sẽ chết. Nhưng chẳng điều gì ngăn cách nổi tình yêu đích thực.

Tiểu thuyết của Nicholas Sparks luôn nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy của New York Times với tổng số khoảng 89 triệu bản in phát hành trên toàn thế giới. Phim chuyển thể cũng tạo hiệu ứng tại phòng vé và trong lòng khán giả, tiêu biểu là The Notebook (Nhật ký) đã trở thành một tượng đài của dòng phim tình cảm lãng mạn. Nhưng đồng thời những phim này cũng bị giới phê bình đánh giá rất thảm thương, The Notebook chỉ được chấm 52% bởi các nhà phê bình trên trang Rotten Tomatoes (trong khi người xem chấm đến 85%). Sách Nicholas Sparks cũng không bao giờ lọt vào danh sách những cuốn sách khuyên đọc trong năm của giới phê bình văn học. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và sự lạnh nhạt của giới chuyên môn?

Trước hết, công chúng thưởng thức sách hay phim theo một tiêu chí rất khác với tiêu chí của nhà phê bình. Nhà phê bình đi tìm cái mới, cái đột phá, còn công chúng chỉ tìm kiếm sự hài lòng, và cái càng quen thuộc càng dễ làm người ta hài lòng. Những câu chuyện của Nicholas Sparks thường theo công thức, vì vậy trở thành dễ đoán và nhàm chán với những nhà chuyên môn, trong khi công thức đó đáp ứng được những điều công chúng chờ đợi khi bước vào thế giới của Nicholas Sparks. Cũng giống như khán giả xem phim của Michael Bay khi bỏ tiền mua vé vào rạp đã chờ đợi những pha hành động kịch tính và những màn cháy nổ tung trời, độc giả của Nicholas Sparks chắc chắn sẽ thất vọng nếu không tìm thấy những yếu tố quen thuộc sau:

1. Bối cảnh

Hầu hết các tác phẩm của Nicholas Sparks đều có phông nền là những thị trấn ven bờ biển bang North Carolina, cũng chính là nơi tác giả sống. Những thị trấn nhỏ với nhịp sống chậm rãi, chứ không phải những thành phố lớn, là nơi các nhân vật có thể sống bên cảnh biển lãng mạn xa hoa mà không bị đánh giá là những kẻ giàu có hợm hĩnh. Bởi vậy đây là địa chỉ thích hợp cho những chuyện tình lãng mạn diễn ra giữa những tâm hồn thuần khiết.

Biển và nước nói chung đóng một vai trò quan trọng trong những chuyện tình này. Không chỉ là tạo cảnh thích hợp cho những cuộc hẹn hò tình tứ, mà những bờ biển rồi sông suối ao hồ của Nicholas Sparks còn là nơi các nhân vật lao xuống và trút bỏ vỏ bọc để sống thật với cảm xúc của mình. Ronnie and Will của The Last Song (Bản tình ca cuối cùng) chơi đùa bơi lội ở hồ bơi khi họ dần trở nên thoải mái và thân thiết với nhau hơn; Allie và Noah của The Notebook bơi ca nô trên sông trong lúc hồi tưởng về mùa hè họ ở bên nhau trước kia.

 

Cảnh trong phim "Bản tình ca cuối cùng"

 

Nhưng quan trọng nhất là mưa bão. Cao trào cảm xúc khi những cặp đôi nhận ra tình yêu không gì sánh nổi dành cho nhau xảy ra trong mưa bão, đó chính là điều làm nên cảnh phim mà ai cũng lập tức nghĩ tới khi nhắc tên The Notebook. Nicholas Sparks cũng chèn cảnh giông bão vào hầu hết các tác phẩm khác, từ Message in a Bottle (Lá thư trong chai) đến The Longest Ride (Con đường bất tận). Bão tố là cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để khiến cảm xúc của các nhân vật (và độc giả) vỡ oà trong thổn thức.

 

Cảnh trong phim Nhật ký

 

2. Nhân vật

Nhân vật trong truyện Nicholas Sparks luôn luôn hoàn hảo. Luôn luôn. Nhân vật nữ chính xinh đẹp tự nhiên, khiêm tốn, duyên dáng, coi trọng gia đình và tình yêu hơn là sự nghiệp và lý tưởng cá nhân. (Các cô gái này thực ra hiếm khi có lý tưởng nào khác ngoài tình yêu.) Nhân vật nam chính đẹp trai, mạnh mẽ, nói ít làm nhiều, nhạy cảm và có sở thích viết thư tay. Không phải chỉ một hai lá, mà mỗi nhân vật nam này, trong The Notebook, hay Dear John (John yêu dấu), hay Nights in Rodanthe (Những đêm ở Rodanthe) và những tác phẩm khác, đã viết liên tục đến hàng trăm lá thư tay.

Rất dễ nhận ra rằng các nhân vật này không tồn tại trong thực tế, và chẳng phải chỉ vì không còn ai bận tâm đến nghệ thuật viết thư tay nữa. Đơn giản là người bình thường thì không hoàn hảo. Trong truyện Nicholas Sparks, lỗi không bao giờ là của các nhân vật, luôn luôn là do hoàn cảnh. Hai nhân vật chính sinh ra để dành cho nhau, và họ hợp nhau ở mọi khía cạnh, chỉ có hoàn cảnh mới có thể gây khó dễ cho tình yêu của họ.

 

Cảnh trong phim John yêu dấu

 

3. Cốt truyện

Chuyện tình của Nicholas Sparks đều là những câu chuyện thống thiết quá đáng hòng lấy nước mắt độc giả. Thế nên những chuyện tình này cần nhiều trắc trở để đưa cảm xúc của độc giả lên xuống như tàu lượn. Sau một cuộc gặp gỡ định mệnh, cô gái và chàng trai sẽ gặp ít nhiều khó khăn, có thể đến từ khoảng cách giàu nghèo và ý kiến gia đình (The Notebook) hay khác biệt trong lối sống của chàng trai cưỡi bò và cô gái sinh viên mỹ thuật (The Longest Ride), để rồi nhận ra họ yêu nhau. Họ sẽ bắt đầu hẹn hò, và sẽ có một cảnh cao trào mùi mẫn trước khi hoàn cảnh buộc họ xa rời. Sự xa cách này vừa là thời điểm thích hợp để những lá thư tay ướt át xuất hiện vừa là lúc để những mâu thuẫn nảy sinh bẻ gãy tình yêu của họ. Nhưng tất nhiên tình yêu của họ không thể gãy hẳn được, họ cuối cùng sẽ tìm về bên nhau, gào lên dưới màn mưa rằng họ vẫn còn tình cảm với nhau, và những cản trở ban đầu tự nhiên không còn nghĩa lý gì.

 

Cảnh trong phim Đoạn đường để nhớ

 

Nếu chỉ kết thúc ở đây thì quá tầm thường, bởi vì phần lấy nước mắt độc giả vẫn còn ở phía sau. Luôn luôn có ai đó chết trong tiểu thuyết Nicholas Sparks. Chết chóc tất nhiên là đau thương, nhưng nhiều cái chết trong số đó nhằm giúp những cặp đôi này đến với nhau. Có thể bởi người chết chính là kẻ cản trở, như người chồng chết bởi ung thư của Savannah trong Dear John, hay những người chồng người vợ đã chết từ trước trong Safe Haven (Thiên đường bình yên) và Message in a Bottle để lại những con người goá bụa đang vượt qua mất mát. Có thể bởi người chết để lại bài học đạo đức về việc đi theo tiếng gọi con tim, như bố của Ronnie trong The Last Song. Cũng có trường hợp là cái chết của một trong hai nhân vật chính, sau khi đã dùng tình yêu lớn lao giúp nhân vật còn lại trở nên tốt đẹp hơn, và bỏ độc giả chìm đắm trong nước mắt, như trong A Walk to Remember (Đoạn đường để nhớ) và Nights in Rodanthe.

Kết

Công chúng chỉ quan tâm đến phần thống thiết của những câu chuyện này, trong khi đó các nhà phê bình bận tâm vì có những vấn đề xã hội sâu sắc mà Nicholas Sparks chạm tới nhưng không bao giờ giải quyết thấu đáo trong tiểu thuyết của ông. The Notebook nhắc đến khoảng cách giai cấp, Thế Chiến II, và bệnh Alzheimer như là những cản trở trong tình yêu của Noah và Allie, nhưng cuốn sách có vẻ chẳng hứng thú với những đề tài này lắm. Không có gì tồn tại ngoài hai nhân vật chính và tình yêu họ dành cho nhau, ngay cả nếu một trong hai người mắc bệnh Alzheimer ở giai đoạn cuối (với nhiều vấn đề bên cạnh việc mất trí nhớ) thì đó cũng chỉ là một cản trở tạm thời mà tình yêu của họ sẽ vượt qua và đem họ về trong vòng tay nhau lúc chết.

Công chúng thì chỉ cần một lời khẳng định về tình yêu vĩnh cửu chứ chẳng cần ảo ảnh đó bị che mờ bởi những vấn đề thật sự có tồn tại trong cuộc sống. Họ đọc kiểu truyện như Nicholas Sparks để được cuốn vào một thế giới tưởng tượng tốt đẹp hơn, nơi cho họ niềm tin vào tình yêu và cuộc sống. Bởi trong những câu chuyện này, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì đến cuối tất cả sẽ ổn thoả và tình yêu đích thực luôn chiến thắng.

Đọc truyện để lạc quan không có gì xấu, nhưng nếu đem công thức của Nicholas Sparks áp dụng vào đời thực, độc giả chắc chắn sẽ thất vọng. Đời thực không tồn tại những con người như trong những tiểu thuyết mùi mẫn này. Đừng đi tìm một chàng trai viết thư tay giữa thời đại công nghệ thông tin. Và dù bạn có tìm được một nửa hoàn hảo của mình, đừng quên đến Nicholas Sparks còn ly dị vợ.

 

Thanh Huệ/Trạm Đọc

Tham khảo: Buzzfeed

Tags: