Hãy cứ sầu đời: Tác dụng tích cực của suy nghĩ tiêu cực
Hãy cứ sầu đời: Tác dụng tích cực của suy nghĩ tiêu cực
Sự thật bất ngờ: bạn cần làm quen với suy nghĩ tiêu cực và thất bại nếu muốn có được hạnh phúc viên mãn.

Có một nơi giống như một siêu thị lớn được sắp xếp tùy tiện, dọc theo các lối đi, các kệ kim loại được nhét hàng nghìn những gói thực phẩm và đồ gia dụng. Có gì đó không ổn trong cách bài trí ở nơi đây, ngay lập tức bạn sẽ nhận ra: không giống với những siêu thị thông thường, siêu thị này chỉ có một món đồ cho mỗi loại sản phẩm.

Hơn nữa bạn cũng sẽ thấy có rất nhiều thứ ở đây bạn không thể tìm được ở những siêu thị thông thường: chúng là những sản phẩm lỗi, những sản phẩm bị thu hồi sau khi đã bán chỉ vài tuần hay vài tháng vì chẳng ai muốn mua chúng cả. Một doanh nghiệp thiết kế sản phẩm sở hữumột nhà kho được quản lý bởi một công ty có tên GfK Custom Research North America – tên là “Bảo tàng của những sản phẩm lỗi”. 

 

 

Đây là nghĩa địa của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng - mặt trái của văn hóa lạc quan và tập trung không ngừng vào sự thành công. Bảo tàng là ngôi nhà của những thương hiệu không còn tên tuổi của những sản phẩm bia chứa caffeine cho đến bữa ăn đóng hộp sẵn có gắn logo của hãng kem đánh răng Colgate. Đây là nơi mà món trứng bác bỏ lò vi sóng đã được bác sẵn rồi bán trong những cái ống bìa cứng với một bộ phận có thể bật ra để dễ dàng để sử dụng trong xe hơn – thật là một thứ vớ vẩn.

Người Nhật có một thuật ngữ được gọi là mono no aware, đại ý tương đương với cụm “the pathos of things” trong tiếng Anh: nỗi buồn man mác về những điều vô thường trong cuộc sống – ví dụ, vẻ đẹp những bông hoa anh đào, hoặc những nét đẹp của con người trên Trái Đất này. Theo cảm nhận của chủ bảo tàng, một nhân viên có gu thẩm mỹ của Gfk có tên là Carol Sherry, mỗi một thất bại đều chứa đựng những câu chuyện buồn của những nhà thiết kế, tiếp thị và bán hàng. Cô luôn cho rằng mỗi con người này đều phải mang trên mình những khoản vay thế chấp nào đó, những khoản thanh toán xe cộ hay những kì nghỉ cho gia đình đằng sau sự thành công của những sản phẩm thịnh hành. Cô ấy lắc đầu. “Đây là những con người thực sự muốn làm ra những sản phẩm tốt nhất nhưng rốt cục mọi chuyện lại diễn ra như vậy.”

Người thành lập ra bảo tàng này là một nhân viên tiếp thị nay đã nghỉ hưu có tên là Robert McMath, chỉ đơn giản là muốn lập ra một “thư viện tham khảo” về các sản phẩm tiêu dùng, chứ không phải những sản phẩm thất bại. Do đó, bắt đầu từ những năm 60, ông bắt đầu mua lại và bảo quản từng mẫu sản phẩm mà ông tìm được. Chẳng mấy chốc, danh sách này nhiều lên và chật kín văn phòng ông ở ngoại ô New York buộc ông phải chuyển đến một kho thóc đã được hoán cải cho phù hợp; sau đó GfK đã mua lại nó từ ông, chuyển gần như toàn bộ sang Michigan.

Những gì McMath để ý được là một chân lý ngắn gọn nhưng đã hình thành nên con đường sự nghiệp của ông sau này: “Hầu hết các sản phẩm đều từng thất bại”. Theo một vài ước tính, tỉ lệ thất bại lên đến 90%. Chỉ đơn giản bằng cách tập hợp những sản phẩm mới không theo bất cứ trình tự nào, McMath đã có thể chắc chắn rằng kho báu của ông bao gồm rất nhiều những sản phẩm lỗi.

Cho đến nay, điều ấn tượng nhất về bảo tàng vẫn là trước hết, nó vẫn tồn tại như một doanh nghiệp độc lập, tạo ra được lợi nhuận. Có thể bạn cho rằng bất cứ nhà sản xuất tiêu dùng nào có tên tuổi cũng đều có một bản lưu trữ kiểu này – một nguồn lưu trữ được quản lý kỹ lưỡng để giúp cho chính doanh nghiệp đó tránh mắc phải những lỗi mà đối thủ của mình đã mắc phải. Tuy nhiên việc những người quản lý phải lui tới chỗ của Sherry hàng tuần là minh chứng cho thấy việc này hiếm xảy ra như thế nào. Các nhà phát triển sản phẩm rất tập trung vào thành công trước mắt – do vậy không sẵn sàng đầu tư thời gian hay công sức vào những thất bại đã từng xảy ra trong ngành công nghiệp của mình – cho đến khi họ muộn màng nhận ra mình thực sự cần bộ lưu trữ của GfK nhiều như thế nào.

 


Điều đáng ngạc nhiên nhất là rất nhiều trong số các nhà thiết kế tìm đến bảo tàng đã đã rất ngạc nhiên khi thấy những sản phẩm mà công ty họ đã tạo ra để rồi bị vứt xó. Họ dường như không thích việc xem xét những sản phẩm lỗi này tới mức họ lờ đi thậm chí chỉ cùng lắm chỉ giữ lại những mẫu đã được xếp vào dạng thảm họa.

Thất bại có mặt ở mọi nơi. Chỉ có điều phần lớn thời gian chúng ta luôn muốn tránh đối diện với sự thật này. Đằng sau tất cả những cách tiếp cận tân tiến nhất để đến với hạnh phúc và thành công là một triết lý đơn giản về việc chỉ tập trung vào những thứ tốt đẹp. Nhưng kể từ thời những nhà triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại đầu tiên, một quan điểm hoàn toàn khác đã được đề xuất theo hướng ngược lại: việc nỗ lực không ngừng để cảm thấy hạnh phúc hoặc để đạt được những mục tiêu nhất định thực ra đang làm chúng ta đau khổ và làm hỏng các kế hoạch của chúng ta. Việc liên tục loại bỏ hoặc lờ đi những điều tiêu cực - sự không an toàn, bất định, thất bại đã khiến chúng ta cảm thấy bất an, lo âu, không chắn chắn hoặc không hạnh phúc ngay từ đầu.

Tuy nhiên kết quả này không phải là kết quả đáng thất vọng. Thay vào đó, nó đã chỉ ra một cách tiếp cận khác để thay thế, đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm hoàn toàn khác về những điều mà phần lớn chúng ta dành cả đời để cố gắng né tránh. Điều này liên quan đến việc học cách yêu lấy sự bất định, nắm lấy hiểm nguy và tập làm quen với thất bại.

 

Để thực sự cảm thấy hạnh phúc, chúng ta có lẽ cần thực sự sẵn sàng trải qua những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn – hoặc ít nhất là ngừng việc miệt mài theo đuổi hạnh phúc.

 

Trong thế giới tự lực, biểu hiện công khai nhất của chúng ta về nỗi ám ảnh lạc quan là một kỹ thuật có tên là “tưởng tượng tích cực”: hình dung về mọi thứ theo hướng tốt đẹp, đưa ra những lý luận để củng cố ý nghĩ rằng chúng ta nên làm như vậy. Quả thực là xu hướng nhìn vào mặt tốt có lẽ gắn chặt với sự tồn tại của con người đến mức quá trình tiến hóa đã làm chúng ta lệch đi theo cách đó. Trong cuốn sách của mình, “Khuynh hướng lạc quan” (The Optimism Bias), nhà thần kinh học Tali Sharot đã biên soạn bằng chứng cho thấy rằng một bộ não bình thường đã được thiết kế để tiếp thu những điều mới theo hướng tốt đẹp hơn là những gì chúng thực sự diễn ra. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người không hề phiền muộn nhìn chung có cái nhìn thiếu chính xác và lạc quan thái quá về khả năng thực sự của mình khi tác động lên các sự kiện hơn là những người có cảm giác phiền muộn.

 


Tuy nhiên cách nhìn lạc quan còn gây ra một số vấn đề khác ngoài việc mang lại cảm giác thất vọng khi mọi thứ không đi theo đúng hướng. Từ vài năm trước, nhà tâm lý học gốc Đức Gabriele Oettingen và đồng nghiệp của bà đã xây dựng một loạt các thí nghiệm được thiết kế để tìm ra sự thật liên quan đến “những tưởng tượng tích cực về tương lai”. Các kết quả thật ấn tượng: dành thời gian và sức lực tập trung vào việc mọi thứ tiến triển tốt đẹp như thế nào đã làm giảm động lực của hầu hết tất cả mọi người trên con đường đạt được những thứ đó. Các đối tượng thí nghiệm được khuyến khích, chẳng hạn nghĩ về cách họ sẽ đạt được một tuần làm việc với một thành tích cụ thể nào đó, thì cuối cùng lại đạt được thấp hơn kì vọng.

Trong một thí nghiệm phức tạp hơn, Oettingen làm cho những người tham gia thí nghiệm bị mất nước nhẹ. Sau đó một số người phải thực hiện một bài tập đó là tưởng tượng mình đang uống một cốc nước lạnh, trong lành còn số khác tham gia một bài tập khác. Năng lượng của những người uống nước trong tưởng tượng cho thấy đã bị sụt giảm đáng kể thông qua việc đo huyết áp. Thay vì có động lực để bù nước cho bản thân, mọi người thường phản ứng với những tưởng tượng tích cực bằng việc thư giãn. Bởi theo tiềm thức, những người này đã không phân biệt được việc mình đang tưởng tượng là mình uống nước với việc mình có được uống nước thật hay không.

Chúng ta nên chuyển sang nghĩ về những điều tiêu cực. Đây là một kết luận được rút ra từ trường phái Stoic (trường phái khắc kỷ), một trường phái triết học bắt nguồn từ Athens một vài năm sau cái chết của Aristotle, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Phương Tây về quan niệm hạnh phúc trong suốt 5 thế kỷ.

Theo trường phái này, trạng thái lý tưởng của não bộ là sự tĩnh tại – không phải trạng thái dễ phấn khích mà những người lạc quan thường định nghĩa khi họ sử dụng từ “hạnh phúc”. Và sự tĩnh tại sẽ đạt được không phải bằng việc chạy theo những trải nghiệm thú vị, mà bằng việc nuôi dưỡng thái độ không quan tâm những sự việc xung quanh mình. Theo trường phái khắc kỷ, có một cách để đạt được điều này, đó là chuyển sang những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực: không lảng tránh mà thay vào đó xem xét chúng một cách cẩn thận.

Trường phái này chỉ ra rằng phần lớn chúng ta sống ở đời với ảo tưởng là có những con người, những tình huống hoặc những sự kiện nhất định khiến chúng ta buồn, lo lắng hay tức giận. Khi bạn bị chọc tức bởi một người đồng nghiệp ở bàn kế bên vì anh ta không ngừng nói chuyện, bạn mặc nhiên cho rằng anh ta là nguồn cơn của sự bực tức, khi bạn biết tin người họ hàng thân yêu của mình bị ốm, bạn thấy thương xót cho họ, kể cũng đúng khi cho rằng bệnh tật là nguồn cơn của sự đau đớn.

Dù sao, hãy xem xét kỹ hơn trải nghiệm của bạn, và bạn sẽ buộc phải kết luận là không có sự việc nào là “tiêu cực” cả. Thật vậy, không có gì ở bên ngoài có thể được miêu tả đúng là hoàn toàn tiêu cực hay tích cực: những gì thực sự gây ra đau khổ là những niềm tin bạn có về chúng. Đồng nghiệp không chọc tức chúng ta, mà đó là vì bạn có niềm tin rằng hoàn thành công việc mà không vấp phải gián đoạn nào là một mục tiêu quan trọng. Thậm chí bệnh tật của người thân cũng chỉ tồi tệ trong cách nhìn của bạn thôi vì bạn tin rằng việc người thân của bạn không bị ốm là một việc tốt. Thực tế, có hàng triệu người bị ốm mỗi ngày mà chúng ta đâu có bất cứ niềm tin nào về phần lớn bọn họ, do đó chúng ta không hề cảm thấy đau khổ.

Đối với những người có tư duy lạc quan, đây có thể là một điều gây tranh cãi khi cố gắng thay thế những điều đau khổ bằng niềm tin lạc quan. Nhưng khi nghĩ về tương lai, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ như Seneca thường chủ động khuyên rằng nên tập trung xem xét những tình huống xấu nhất thay vì chỉ xem xét thoáng qua. Lạc quan không ngừng còn dễ gây ra cảm giác sốc hơn khi mọi thứ không đi theo đúng ý (và thường là như vậy); trong khi bi quan mang lại một số lợi ích nhất định.

 


 Các nhà tâm lý học từ lâu đã đồng ý rằng một trong những kẻ thù của hạnh phúc nhân loại có tên gọi là “sự thích nghi với niềm khoái lạc”, một “kẻ thù” rất dễ đoán và cũng khá khó chịu đối với bất cứ nguồn vui mới nào của chúng ta, từ chuyện nhỏ như có được một món đồ điện tử mới hay chuyện to tát như việc có một đám cưới, tất cả những chuyện này đều dần dần bị phai mờ và làm nền cho cuộc sống chúng ta: chúng ta dần quen với nó, và nó không còn mang lại nhiều niềm vui nữa. Việc thường xuyên nhắc bản thân rằng mình có thể đánh mất bất cứ thứ gì mà mình đang hưởng thụ có thể làm đảo ngược hiệu ứng thích nghi này.

Suy nghĩ về khả năng sẽ mất đi những điều bạn coi là quý giá sẽ làm thay đổi chúng từ vị trí nền trở lại trung tâm sân khấu, để chúng có thể lại mang đến niềm vui cho bạn. Lợi ích phi thường thứ hai của kiểu suy nghĩ tiêu cực này là nó như một liều thuốc triệt tiêu sự lo lắng. Xem xét cách mà chúng ta thường làm để giảm bớt sự lo lắng về tương lai: chúng ta tìm kiếm sự bảo đảm, tìm kiếm để thuyết phục bản thân là mọi thứ cuối cùng sẽ ổn. Nhưng sự bảo đảm là một con dao hai lưỡi. Nói một cách ngắn gọn, nó có thể rất vi diệu, nhưng cũng như tất cả các kiểu tích cực, nó đòi hỏi phải duy trì liên tục: khi bạn giúp người khác yên tâm hơn khi anh ta đang bị kìm kẹp bởi sự lo âu, thì bạn cũng sẽ nhận ra rằng, một vài ngày sau, anh ta lại càng lo lắng hơn nữa.

Tệ hại hơn, sự đảm bảo có thể thực sự làm trầm trọng thêm nỗi lo âu: khi bạn trấn an người khác rằng tình huống xấu nhất mà anh ta đang lo sợ sẽ không xảy ra, bạn vô tình củng cố thêm niềm tin của anh ta rằng nếu nó xảy ra thì điều đó đúng là một thảm họa. Bạn đang thít chặt các sợi dây lo lắng của anh ta, chứ không hề nới lỏng nó.

Như thường lệ, chủ nghĩa khắc kỷ lưu ý rằng, mọi thứ sẽ không bao giờ trở nên tuyệt vời. Nhưng có một sự thực là, khi mọi chuyện không đi đúng hướng như ta mong muốn thì phần lớn chúng cũng sẽ bớt trầm trọng hơn những gì bạn đã lo sợ. Mất việc sẽ không đẩy bạn vào cái đói và cái chết; đánh mất đi một mối quan hệ cũng sẽ không đẩy bạn vào một cuộc sống đau khổ triền miên. Những lo sợ như trên đều dựa vào những xét đoán vô lý về tương lai. Điều tệ hại nhất về bất cứ sự kiện nào trong tương lai, như nhà tâm lý học có ảnh hưởng lớn trong trường phái khắc kỷ Albert Ellis đã từng nói, “là khi niềm tin của bạn về một điều bị cường điệu lên trong chính nỗi sợ hãi về nó”. Dành thời gian để tưởng tượng chính xác về việc mọi chuyện có thể đi sai hướng như thế nào sẽ biến những nỗi sợ hãi vô hình, mơ hồ thành một điều gì đó hữu hình và có thể quản lý được. Niềm hạnh phúc đạt được thông qua những suy nghĩ tích cực thì thoáng qua và dễ biến mất, còn những hình dung bi quan sẽ cho ta một sự bình tĩnh có căn cứ hơn rất nhiều.

Trở lại với bảo tàng những sản phẩm lỗi, không khó hình dung rằng nhược điểm của văn hóa tư duy tích cực – đối lập với việc đối diện với thất bại – là nó tạo ra sự tồn tại của rất nhiều sản phẩm đang được xếp trên những chiếc kệ kia. Mỗi một sản phẩm chắc hẳn được ra lò thông qua hàng loạt các cuộc họp mà ở đó không một ai nhận thấy sản phẩm thực ra đã thất bại từ trước. Có lẽ bởi vì không ai muốn suy nghĩ về khía cạnh thất bại; có lẽ có ai đó thấy được nhưng không muốn mang nó ra cuộc thảo luận.

 


Ngay cả khi họ nhận ra mọi chuyện đang đi về đâu, những nhà tiếp thị vẫn ngoan cố thúc đẩy chính mình đầu tư tiền vào sản phẩm kém chất lượng: cách đó, khiến họ buộc phải bán được hàng và buộc phải giữ được vị trí của mình. Khi sự thật trở nên rõ ràng, các nhà phát triển ban đầu mới buộc phải chuyển sang những sản phẩm khác hoặc sang những công ty khác. Chỉ có một chút công sức ít ỏi được đầu tư vào việc tìm hiểu xem cái gì đã bị lỗi, những người liên quan lại ngồi lại với nhau để rồi có thể họ vẫn không nhận ra họ đang làm cái gì, thế là họ chẳng bao giờ đề cập đến nó nữa.

Một vấn đề nữa của sự miễn cưỡng khi phải suy nghĩ hay phân tích thất bại của mình hay người khác là nó dẫn đến một bức tranh hoàn toàn méo mó về các nguyên nhân dẫn đến thành công. Các hiệu sách hiện nay chật kín những cuốn tự truyện ví dụ như một cuốn được xuất bản từ năm 2006 của nhà xuất bản triệu phú Felix Dennis, có nhan đề “Làm sao để trở nên giàu có: bí kíp cốt lõi của một trong những doanh nhân tự lực thành đạt nhất nước Anh”.

Đây là một cuốn sách giải trí, truyền đạt một thông điệp tương tự như bao cuốn sách khác, rằng: để tạo nên vận may cho mình, những gì bạn cần là sự ngoan cường và một ý chí đối mặt với rủi ro. Nhưng theo nghiên cứu của một nhà lý luận về quản lý tại Oxford, ông Jerker Denrell thì cho rằng đây thực ra giống như những nét tính cách của những con người thực sự không thành công. Những thất bại đã không được viết vào các cuốn sách. Bạn rất hiếm khi thấy một cuốn tự truyện của những người gặp rủi ro và sau đó không phát triển được nữa.

May mắn thay, xây dựng hướng tiếp cận đúng đắn với thất bại có lẽ dễ hơn bạn tưởng. Công trình của nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc đại học Stanford đã chỉ ra rằng cảm giác thất bại của chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ những quan niệm của chính chúng ta về đặc điểm của tài năng và năng lực, và thẳng thắn mà nói thì chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy bản thân chúng ta hướng tới một cái nhìn tốt hơn. Dweck cho rằng mỗi người trong chúng ta có thể được đặt ở đâu đó ở thể liên tục, phụ thuộc vào “quan điểm ngầm” – hay thái độ ngầm của chúng ta về việc định nghĩa tài năng là gì và nó từ đâu tới.

Điều này với “lý thuyết cố định” thì cho rằng năng lực là bẩm sinh; Nhưng điều này với “lý thuyết gia tăng" thì cho rằng khả năng liên quan đến thử thách và khó khăn. Nếu bạn là mẫu người luôn cố gắng bằng mọi cách để tránh cảm giác thất bại, có vẻ như bạn đang ở gần điểm “cố định” trong thuyết liên tục của Dweck.Những người thuộc về thuyết cố định tiếp cận các thử thách như những dịp để chứng minh khả năng thiên bẩm của họ và vì vậy họ thấy thất bại thật đáng sợ: đối với họ, đó là một dấu hiệu cho thấy họ cố gắng thể hiện bản thân nhưng họ đã không làm được.

Một ví dụ điển hình là các ngôi sao thể thao trẻ được khuyến khích để nghĩ về mình như một tài năng thiên bẩm để rồi sau đó đã không tập luyện hiệu quả để nhìn nhận được tiềm năng bản thân. 

 

Nếu tài năng là trời phú thì khi nó mất đi, tại sao phải bận tâm chứ?

 

 

Những người thuộc thuyết gia tăng thì khác. Vì họ nghĩ rằng khả năng được tổng hợp thông qua việc vượt qua thử thách, việc trải nghiệm thất bại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác đối với họ: nó là minh chứng để cho thấy họ đang kéo giãn bản thân vượt qua những giới hạn hiện tại của họ. Nếu họ không làm được, họ sẽ thất bại. Điều này giống như khi luyện tập bằng trọng lực cơ thể: các cơ phát triển bằng cách bị đẩy đến những giới hạn mà chúng có thể chịu được, ở điểm đó, các dây cơ bị tổn thương rồi lại được hồi phục. Đối với các vận động viên cử tạ, “huấn luyện để thất bại” không phải việc thừa nhận thất bại – đó là một chiến lược.

Các nghiên cứu của Dweck cho thấy rằng chúng ta không bị nhồi nhét bằng một kiểu tư duy. Một số người đã điều chỉnh được cách nhìn nhận của mình đơn giản bằng cách nhận ra sự khác biệt giữa thuyết cố định và thuyết gia tăng. Theo đó, sẽ có ích khi tự nhủ về những thất bại cho lần sau: khi bạn bị trượt một kỳ thi, hoặc lỡ cư xử không phải phép, hãy nghĩ là nó xảy ra chỉ vì bạn đang bị ép đến khả năng giới hạn .

Và Dweck khuyên rằng nếu bạn muốn khích lệ con mình có cách nhìn theo thuyết gia tăng, hãy động viên, khen ngợi chúng vì đã nỗ lực hơn là khen chúng thông minh: hướng vào sự thông minh sẽ củng cố cho kiểu tư duy cố định, làm cho bọn trẻ trở nên miễn cưỡng khi phải chấp nhận rủi ro mà chúng sẽ gặp phải thất bại trong tương lai. Tư duy kiểu gia tăng sẽ có xu hướng dẫn đến thành công lâu dài. Đáng lưu ý hơn, việc sở hữu một cách nhìn theo thuyết gia tăng sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn, cho dù nó có mang đến cho ta thành công tột bậc hay không. Đó là kiểu tư duy cả hai cùng thắng, ở đó, điều kiện tiên quyết chính là thực tâm sẵn sàng đón nhận thất bại.

Những người theo trường phái lạc quan có lẽ không thể chấp nhận nổi khi thấy rằng hạnh phúc lại được tìm thấy khi ta đón nhận thất bại, chứ không chỉ là một kỹ thuật để đạt được thành công. Nhưng nhà văn chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Natalie Goldberg thậm chí còn cho rằng, chúng ta có thể tìm thấy sự cởi mở và trung thực trong thất bại, một sự đối diện với sự thật mà những người quá lạc quan không có được.. Xu hướng cầu toàn là một trong những hình mẫu mà nhiều người tự thầm hoặc thể hiện rõ vẻ tự hào khi sở hữu nó, vì nó khó mà được coi là một khiếm khuyết trong nét tính cách.

Tuy nhiên, về bản chất thì đó cũng là một quá trình vượt qua nỗi sợ hãi đang ngày càng tăng lên để tránh phải những cảm giác thất bại bằng mọi giá. Tại những điểm giới hạn, nó thực sự là một cảm giác liên tục mệt mỏi và căng thẳng: các nhà nghiên cứu nhận thấy có một mối liên hệ mật thiết tính cầu toàn và xu hướng tự tử nhiều hơn cảm giác thất vọng và xu hướng tự tử.

Để có được những trải nghiệm thất bại một cách trọn vẹn, đừng chỉ đơn thuần chịu đựng thất bại như một bước đệm lên đến đỉnh vinh quang, mà cũng hãy bỏ qua những căng thẳng triền miên về suy nghĩ không bao giờ được có những bước đi sai lầm – và cuối cùng, hãy thư giãn.

Đọc thêm: Tuyên ngôn chống lại việc theo đuổi hạnh phúc và lối sống "để làm đẹp lý lịch cá nhân"

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Guardian