Chúng ta có nên cho tiền người vô gia cư không?
Chúng ta có nên cho tiền người vô gia cư không?
Câu trả lời trước mắt là không. Câu trả lời dài hạn là có nhưng đó là khi bạn làm việc cho một tổ chức có thể đảm bảo rằng, số tiền quyên góp được giải ngân một cách hợp lý.

Mang tiền tặng người vô gia cư là cuộc giằng xé giữa bản năng xoa dịu nỗi khổ cực mà bao người kém may mắn trong xã hội đang phải chịu đựng với suy nghĩ rằng, hành động ấy không làm họ cảm thấy no ấm hơn mà càng tiếp thêm động lực để họ bần hàn hơn.

Các bà mẹ người Mỹ thường dạy con mình rằng: “Sự giúp đỡ tốt nhất là cung cấp cho họ một mái ấm chứ không phải là một đồng USD. Người vô gia cư chỉ dùng tiền vào việc xấu thôi”. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta không nên dốc cạn túi cho kẻ ăn xin.

Các nghiên cứu dường như cũng nhất trí với lời khuyên của các bà mẹ Mỹ ở một mức độ nhất định. Một báo cáo do Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ nhận thấy rằng, cứ 10 người vô gia cư thì 6 người thừa nhận, họ sử dụng rượu hoặc thuốc phiện. Nếu để mọi người tự khai báo thì con số thực có thể còn cao hơn. Các nghiên cứu về thu nhập của người vô gia cư nhận thấy rằng, “những người chuyên ăn xin” ở Mỹ vào năm 2011 có thể kiếm 600 USD – 1500 USD/tháng (tương đương từ 13 triệu đồng đến 34 triệu đồng mỗi tháng). Tuy nhiên, do những người ăn xin đó không có cách nào để tiết kiệm tiền nên họ phải “tẩu tán” hầu hết số tiền họ được khách qua đường bố thí một cách nhanh chóng. Điều này tạo ra xu hướng chi tiêu cho các nhu cầu ngắn hạn thay vì dài hạn. Việc đó càng khiến họ dễ sa ngã vào con đường nghiện rượu và thuốc phiện.

 

Chúng ta nên bố thí trong hoàn cảnh nào?

 

Các nhà kinh tế nói gì về bản năng muốn giúp đỡ người vô gia cư của chúng ta? Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trao tiền mặt cho ai đó cần tiền mặt là cách hiệu quả nhất để chi tiêu. Quỹ từ thiện luôn cần chi phí để duy trì hoạt động và quá trình chuyển tiền từ quỹ đến tay người nghèo khổ cần một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn đưa tiền đến tận tay người ăn xin thì đương nhiên số tiền đó đã nhanh chóng nằm trong tay người cần và được tiêu ngay lập tức. Thực tế, việc những người ăn xin “đốt” tiền một cách chóng vánh cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi cung cấp cả tiền lẫn sự giúp đỡ cho người vô gia cư? Một tạp chí danh tiếng đã tiến hành cuộc khảo sát 13 người vô gia cư để tìm hiểu về vấn đề này. Kết quả cho thấy, một số người muốn có những vật dụng đơn giản như giày hoặc tiền mặt để trả nợ. Một vài người khác lại cầu mong có một chiếc xe tải. Những người còn lại muốn có một chiếc TV để làm cho nơi ở của họ sinh động hơn. Tất cả mọi người đều được nhận 3.000 bảng Anh (khoảng 94,5 triệu đồng) và một người giúp đỡ họ quản lý ngân sách. 11 trong số 13 người tham gia cuộc thí nghiệm đã thoát khỏi cảnh co ro ngủ trên phố chỉ sau một năm và một vài người khác đã bắt đầu đi cai nghiện.

Qua thử nghiệm trên, chúng ta có thể thấy, người vô gia cư thường cần nhiều thứ khác hơn là tiền. Nói cách khác, họ cần cả tiền lẫn định hướng. Đối với hầu hết những người vô gia cư, sự định hướng có nghĩa là một công việc và một mái nhà. Một nghiên cứu do tổ chức HUD tiến hành vào năm 1999, đã tìm hiểu về nhu cầu bức thiết nhất của những người vô gia cư: 42% cho biết, họ cần một công việc; 38% cần nhà ở; 30% cần trả tiền thuê nhà và mua các đồ gia dụng; 13% muốn đến trường hoặc được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

 

Vậy chúng ta nên là gì?

 

Các tổ chức có thể hỗ trợ người nghèo những nhu cầu thiết yếu chứ không chỉ đơn giản là cho họ tiền. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta không nên tặng tiền cho người ăn xin nữa chăng?

Nhà kinh tế học Tyler Cowen lo ngại rằng, quyên góp tiền cho người ăn xin sẽ gây ra những hậu quả xấu trong dài hạn. Chẳng hạn, nếu bạn đi tới một thành phố nghèo, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những đám đông ăn mày tại các địa điểm thu hút khách du lịch. Nếu khách thập phương ngày càng hào phóng thì những người ăn xin sở tại cũng không trở nên giàu có hơn mà đội quân ăn xin ấy chỉ ngày càng tăng lên với cấp số nhân. Cowen viết:

“Bạn càng cho người ăn xin nhiều tiền thì họ càng khó tìm thấy động lực để vươn lên. Vì thế, nếu bạn muốn quyên góp, bạn hãy chọn người nghèo nhất để làm việc đó”.

Chắc chắn, trong một số trường hợp, bố thí cho người đang mòn mỏi cần đến sự giúp đỡ của ai đó là việc nên làm. Tuy vậy, rắc rối nằm ở chỗ, chúng ta không có đủ tiền để tặng cho tất cả người ăn xin. Chúng ta cần quyên góp tiền dựa trên mức độ họ cần. Những người ăn xin biết điều này, chính vì vậy, họ luôn khuếch đại những thứ họ muốn bằng cách khai báo sai sự thật về tình trạng của họ hoặc cố gắng khiến cho vẻ bề ngoài của mình đáng thương hơn để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Nếu chúng ta đặt một đồng vào tay người ăn xin mà không quyên góp cho một tổ chức từ thiện thì chúng ta đang hành động để xoa dịu tội lỗi của chúng ta hơn là giảm bớt cuộc khủng hoảng nghèo đói. Nói tóm lại, dù chúng ta tự tay bố thí cho người nghèo hay mang số tiền đó đến một tổ chức từ thiện thì điều này cũng chỉ mang đến cho chúng ta cảm giác nhẹ nhõm chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề vô gia cư.

Minh Phương

Theo The Atlantic

Tags: