"Chính trị luận" của Aristotle và sự phê phán các mô hình xã hội (P2)
Tiếp nối tinh thần của bài viết trước, phần 2 sẽ xoay quanh quan điểm của Aristotle về các cột trụ trong một mô hình nhà nước lý tưởng.

 

 

Nhà nước là gì?

 

 

Aristotle đưa ra một quan điểm bao quát hơn so với các chính trị gia cùng thời với ông về nhà nước. Nhà nước, theo định nghĩa của ông, “là một hỗn hợp do nhiều bộ phận tạo thành; những bộ phận đó chính là công dân.”

 

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ai là công dân. Bởi trong mỗi một thể chế khác nhau, công dân lại khác nhau. Ông cho biết, một công dân ở thể chế dân chủ thì không phải là công dân ở chế độ quả đầu. Ông cho rằng công dân không có nghĩa là một người dân sống ở một quốc gia nào đó. Định nghĩa của Aristotle về công dân là: “Người công dân chỉ cần có một đặc tính duy nhất là người có quyền tham gia vào việc thực thi công lý và đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền.”

Do mỗi chính quyền có một mô hình khác nhau thì công dân lại giới hạn trong các nhóm khác nhau. Ở xã hội dân chủ, người dân thường có thể là công dân. Nhưng ở các xã hội độc tài, dân không có quyền tham chính, nên không thể gọi là công dân. Và nhà nước chỉ hình thành khi “các công dân hợp lại nhằm đạt tới mục đích đời sống”.

Aristotle cũng đặt ra một vấn đề gây nhiều tranh cãi, ngay cả với tình trạng nước ta hiện nay: Một người dân tốt liệu có phải là một công dân tốt hay không? Ông khẳng định hai việc này rất khác nhau. Công dân có trách nhiệm giữ cho xã hội được an toàn, vận hành tốt, giống như người thủy thủ có trách nhiệm giữ cho con tàu phải giữ đúng hải trình và cập bến an toàn. Nên người công dân tốt không nhất thiết phải có đức tính tốt. Nhưng tất cả mọi người nếu là công dân tốt thì nhà nước đó là tuyệt hảo.

Tục ngữ cổ Hy Lạp có câu: “Kẻ nào chưa từng vâng lời, không thể trở thành một người chỉ huy giỏi”. Đó là khi “biết cách cai trị như một người tự do và biết cách vâng lời như một người tự do”. Điều này đúng với mọi kẻ mong muốn mình trở thành kẻ cai trị vĩ đại. Bởi không biết tuân phục thì không có cái nhìn bên trong của hệ thống, và bởi thế không hiểu về hệ thống đủ để thay đổi nó. Để trở thành một lãnh đạo giỏi, cần có cả hai đức tính: công dân tốt và người tốt.

 

 

Chế độ quả đầu, Chế độ dân chủ và Pháp luật

 

 

Aristotle phân tích rằng “hiến pháp và chính quyền có cùng một nghĩa, và chính quyền, tức là quyền uy tối thượng trong một nước, phải nằm trong tay của một người, hay của một vài người, hay thuộc về nhiều người.” Những nước mà quyền lực nằm trong tay một người hay nhóm người, theo Aristotle, đó là “hủ bại”. Bởi người dân, chỉ khi là công dân thì mới tham gia vào chính sự.

 

Hiến pháp có vai trò cốt lõi để xem xét cơ cấu chính quyền. Thông qua Hiến pháp, ta có thể biết được cơ cấu chính quyền nào “gần với cơ cấu lý tưởng nhất, trong hoàn cảnh lý tưởng nhất” và xem cách thực thi hiến pháp trên các quốc gia. Một nhà lập pháp cần phải phân tích và chọn lựa cơ cấu chính trị dựa trên thực tế, bởi theo Aristotle, các nhà tư tưởng chính trị thường không có thực tế.

Aristotle vạch ra một sự phân biệt sẽ gây chấn động với chúng ta ngày nay như sau: “ta thấy có ba mô hình đúng đắn: quân chủ, tinh hoa trị và chính quyền theo hiến pháp; và ba mô hình hủ bại – bạo chúa, quả đầu và dân chủ.” Ông không đồng ý với lập luận của thầy ông là Plato rằng “khi mọi thể chế đều tốt thì chế độ dân chủ là chế độ xấu nhất, nhưng khi mọi chế độ đều xấu hết, thì chế độ dân chủ là chế độ tốt nhất”. Về căn bản, các mô hình nhà nước thời đó vẫn được chia thành hai loại: quả đầu (tức nhóm thiểu số nắm quyền) và dân chủ (tức nhóm đa số nắm quyền). Aristotle thì không chia như vậy, ông phân loại theo kiểu: cơ cấu nào tử tế và cơ cấu nào hủ bại.

Quyền lực khi tập hợp vào cá nhân thì gọi đó là quân chủ, mà hình thức “hủ bại” là bạo chúa. Quyền lực tập trung vào một nhóm người thì gọi đó là tinh họa trị, và hình thức “hủ bại” là quả đầu. Quyền lực cho nhiều người, ta gọi đó là dân chủ. Nhưng cả ba thể chế này, Aristotle đều cho rằng không hề quan tâm đến quyền lợi của quốc gia, bởi vì “Bạo chúa hủ bại vì nhà vua chỉ chăm lo quyền lợ của vương thất, quả đầu chỉ lo cho quyền lợi của kẻ giàu, và dân chủ chi lo cho quyền lợi của dân nghèo”.

Quan điểm khác nhau của các triết gia về chính quyền

Sự khác biệt giữa quả đầu và dân chủ nhiều người cho rằng ở vấn đề thiểu số cầm quyền hay đa số cầm quyền. Sự khác biệt nằm ở tài sản, và sự khác biệt này luôn đặt ra các vấn đề về bình đẳng. Nếu chế độ dân chủ được sử dụng, tức là số đông cầm quyền. Liệu có thể lấy tài sản của người giàu để chia cho người nghèo không? Chắc chắn là không. Và đương nhiên, nếu nhóm giàu có cầm quyền, lòng tham sẽ khiến họ nhân danh nhiều thứ để tước đi tài sản của người dân. Cả hai chế độ này đều bỏ qua một vấn đề cốt lõi trong xã hội, đó là đạo đức. Bởi để một xã hội vận hành, không đơn giản chỉ dựa trên việc nhóm nào cầm quyền, mà còn dựa vào cột trụ đạo đức.

Tuy nhiên, dù không thích tình trạng số đông nắm quyền, nhưng ông vẫn phải thừa nhận số đông sẽ ưu việt hơn thiểu số tài năng. Bởi vì, một tập hợp những người dân làng nhàng, khi được tổ chức tốt sẽ có khả năng thực thi tốt hơn. Đương nhiên, không thể tránh khỏi nguy cơ những kẻ dốt nát sẽ dễ dàng tham chính. Nhưng nếu không cho những kẻ dốt nát ấy tham chính thì chính quyền còn phải đối mặt với nguy cơ nguy hiểm hơn, đó là đẩy những kẻ dốt nát ấy vào tình trạng đối nghịch và phản loạn. Chính quyền dân chủ, tạm thời là ưu việt, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề, mà vấn đề chủ chốt chính là dân trí. Vì đám đông với dân trí thấp sẽ tạo ra một thể chế với các lựa chọn sai lầm, những cuộc đấu tố kinh hoàng.

Dân trí đóng vai trò hết sức quan trọng

Vậy thì, dù là chế độ quả đầu hay dân chủ, các quy định về pháp luật là thước đo quan trọng hơn cả. Pháp luật sẽ bù đắp được những khiếm khuyết của dân trí ở chế độ dân chủ và ràng buộc được nhóm lợi ích lam quyền ở chế độ quả đầu. “Từ đó, ta có thể suy ra rằng một chính quyền được thiết lập đúng đắn sẽ nhất thiết có luật pháp công chính, còn những chính quyền được thiết lập sai lầm thì sẽ có bất công."

Cũng giống như mọi nhà chính trị, Aristotle cho rằng luật pháp bình đẳng với tất cả mọi công dân. Nhưng ông cũng cho rằng luật pháp bình đẳng này chỉ có tác dụng với những người có tài năng hạng trung, ngang bằng với nhau về khả năng. Luật pháp không có tác dụng với người siêu tuyệt, bởi lấy một thứ pháp luật cho người hạng trung để kiểm soát người bậc cao, đó là không thể.

“Nếu có người nào hay một số người nào, dù không đủ số để tạo thành một quốc gia đầy đủ, nhưng tài năng và đức độ siêu tuyệt hơn tất cả mọi người cộng lại, thì kẻ đó hay nhóm người đó không thể được coi là một phần tử của quốc gia nữa. Bởi vì đối với họ đó là điều bất công nếu được đối xử bình đẳng như những người khác có tài năng và đức độ kém hơn. Những người siêu tuyệt như vậy chỉ có thể là thần thánh chứ không thể là người. Như thế, ta thấy rằng luật pháp chỉ liên quan tới những người bình đẳng về tài năng và gia thế, còn đối với những người siêu tuyệt như vậy thì không có luật lệ nào ràng buộc họ. Chính họ là pháp luật. Và thật lố bịch khi có những người đòi làm luật để kiềm chế họ, vì họ sẽ trả lời như trong truyện ngụ ngôn về con sư tử và đàn thỏ của Anthithenes: Khi đàn thỏ đòi bình quyền cho mọi loài súc vật, sư tử hỏi rằng các ngươi có nanh vuốt không mà đòi hỏi bình quyền?’’

Ở các chế độ dân chủ thời cổ Hy Lạp, nhiều người hùng tài ba đã bị đẩy ra nước ngoài. Trong truyền thuyết cũng nhắc đến đoàn thuyền Augonaut đã bỏ Hercules lại, không cho chàng về Argo vì sợ tài năng của chàng sẽ lấn át tất cả. Các chính quyền, dù ở chế độ nào vẫn không thể đưa ra một chính sách hợp lý với các phần tử vượt trội này. Chỉ có hai cách, hoặc đẩy họ đi, hoặc để họ làm vua cho tới chết. Bởi một bậc siêu thuyệt thì xứng đáng được làm vua. (Ở xã hội ngày nay, các bậc siêu tuyệt có lẽ sẽ không thể làm vua, vì họ sẽ bị đưa vào các phòng thí nghiệm để theo dõi và nghiên cứu).

 

 

Các mô hình quân chủ

 

 

Theo cách nhìn nhận của Aristotle, mô hình quân chủ là mô hình đúng đắn nhất của chính quyền. Nhưng mô hình quân chủ, ngay thời bấy giờ cũng được chia ra làm rất nhiều loại. Quân chủ được lập nên bởi pháp luật (mô hình tại Sparta) được xem là mẫu mực nhất. Quyền lực của nhà vua không được xem là tuyệt đối, trừ trường hợp xuất chinh hoặc các vấn đề tôn giáo. Vị vua này có thể do kế vị hoặc do dân bầu.

 

Mô hình quân chủ chuyên chế được nhiều quốc gia phương Đông (ý nói khu vực Lưỡng Hà và Ai Cập) áp dụng. Các vị vua thường coi người dân là nô lệ. Nhưng chế độ này, theo Aristotle đánh giá là ”bền vững và không sợ bị lật đổ vì được xem là hợp pháp và đời cha xuống đời con”. Tại đây, người dân tô vinh vua của họ thật sự, cấm vệ quân cho vua được tuyển từ dân; khác hẳn với chế độ bạo chúa, cấm vệ quân thường là lính đánh thuê và dân bị cưỡng bức tuân phục.

Mô hình quân chủ độc tài (Aesymnetia), tồn tại ở Hy Lạp thời cổ. Mô hình này có thể gọi là “quả đầu qua bầu cử”, tức là người dân bầu lên vị vua của mình, tùy theo nhiệm kỳ, nhiệm vụ hoặc trọn đời.

Mô hình quân chủ thế tập ở Thời đại anh hùng trong khu vực Địa Trung Hải. Các vị vua có truyền thống cha truyền con nối với quyền lực bao trùm. Nhưng dần dần, các vị vua này giao lại một số đặc quyền cho dân, còn mình giữ vai trò tế tự hoặc khi viễn chinh.

 

 

Mô hình Tinh hoa trị và Hiến định

 

 

Aristotle dành rất nhiều ca ngợi cho mô hình Tinh hoa trị (ở bản dịch ghi là mô hình quý tộc). Ông định nghĩa mô hình này như sau: “Một chế độ chỉ được gọi là tinh hoa trị một cách đúng đăn nếu đó là một chế độ điều hành bởi những người tài đức nhất, hiểu theo nghĩa tuyệt đối, chứ không phải là những người tài giỏi theo một tiêu chuẩn nào đó.

 

Mô hình Hiến đình là mô hình phức hợp giữa chế độ quả đầu và chế độ dân chủ. Mô hình Hiến định được quy định bởi hiến pháp chung, thỏa thuận giữa nhóm đa số và nhóm thiểu số. Do đó các chính sách sẽ không hoàn toàn đi theo quyết định của số đông, bởi số đông có thể đưa ra các quyết định sai lầm.

Mô hình Tinh hoa trị là một mô hình hoàn hảo nhưng quá khó để đi theo bởi rất khó để khẳng định tài năng và đức độ của một người vượt trội. Trên thực tế, chưa có một nhà nước nào đạt đến Tinh hoa trị. Thông thường, các nhà nước sẽ chuyển sang hệ thống Hiến định. Hệ thống hiến định hướng con người đến sự trung dung. Tức là, “một đời sống hạnh phúc là một đời sống theo đức hạnh và có đủ phương tiện vật chất để sinh sống, và đức hành là số trung bình cộng hay sự trung dung, thì đời sống trung dung và có số trung bình mà ai củng có thể đạt được phải là đời sống tốt đẹp nhất.

Mô hình Hiến định được xây dựng bởi lớp trung lưu, không quá giàu cũng không quá nghèo. Aristotle phân tích rằng những người quá giàu hoặc quá vượt trội về tài năng sẽ không có khả năng lý trí, dễ phạm tội lớn. Những người quá nghèo sẽ bị lòng tham và sinh tồn chi phối, cũng không thể có khả năng lý trí, dễ trở thành lưu manh. Vì vậy, những người ở giữa, tức giai cấp trung lưu, nên chiếm đa số, như thế tình trạng bình đẳng sẽ dễ dàng diễn ra hơn.

Ông kết luận: “Một nước được thành lập bởi đa số công dân thuộc thành phần trung lưu chắc chắn phải là một nước có chế độ chính trị tốt nhất bởi vì họ cũng giống như những sợi chỉ dệt thành tấm vải quốc gia. Thành phần công dân trung lưu là thành phần ổn định và chắc chắn nhất của một nước, vì họ không như người nghèo thèm thuồng tài vật của hàng xóm, mà cũng không ai thèm thuồng của cải thuộc vào loại thường thường bậc trung của họ, vì người nghèo ham muốn tài vật của người giàu. Họ cũng chẳng thèm âm mưu hại lẫn nhau, mà cũng chẳng có ai thèm âm mưu làm hại đến họ, cho nên , họ sống một đời sống an toàn.”

Tất cả những điều ấy khiến giai cấp trung lưu đóng vai trò quyết định. Hoàn hảo nhất là giai cấp trung lưu chiếm đa số, còn nếu không tối thiểu phải đông hơn một trong hai nhóm đối nghịch là giàu và nghèo. Khi ấy, sự quyết định của giai cấp trung lưu sẽ đóng vai trò then chốt trong cán cân chính trị và ngăn không cho các phần tử cực đoan thống trị.

Trên thực tế, mô hình trung dung này cũng rất khó thực hiện. Như Aristotle thống kê thì chỉ có duy nhất một vị vua thực hiện được, có thể là Theramenes, lãnh đạo Athens năm 411TCN. Tại Athens bấy giờ, quyền lực chính trị nằm trong tay 5000 công dân có khả năng tự chiến đấu. Một giả thuyết khác đặt ra thì chế độ trung dung đó chính là do Nhiếp chính  của Alexandre Đại đế là Antipater, bạn thân của Aristotle thực hiện tại Hy Lạp. Tôi cho rằng, người mà Aristotle nhắc đến khả năng là Antipater, bởi vì Antipater và Aristotle thường xuyên chia sẻ tầm nhìn chính trị, nên việc hai người cùng hướng tới mô hình trung dung này là điều dễ hiểu.

 

 

Các cuộc Cách mạng

 

 

Các cuộc Cách mạng, như Aristotle nói, đều đến từ việc các nhóm giàu và nghèo cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng. Trong khi ấy, những người có tài xuất chúng mới thực sự là người bị đối xử bất bình đẳng thì họ  lại ít khi nổi loạn. Còn những người xuất thân danh giá thường có xu hướng nổi loạn hơn. Các cuộc Cách mạng được chia làm hai loại. Một là nhằm thay đổi hiến pháp, tức là thay đổi cơ chế và mô hình chính trị. Ở mức độ nhẹ hơn, Cách mạng sẽ góp phần thay đổi một phần nào đó trong Hiến pháp. Hai là loại Cách mạng chỉ nhắm vào những cơ quan của chính quyền.

 

Đối với quan chức, danh vọng và đấu đá phe cánh là nguyên nhân dẫn đến nổi loạn. Với tình trạng chia bè kết cánh này, các phe sẽ đi ngược lại với hiến pháp để kiếm lợi, đục khoét công quỹ hoặc bóc lột người dân. Một nhóm cảm thấy ghen tị vì danh vọng và quyền lực không bằng nhóm khác có thể dẫn đến nổi dậy.

Một nguyên nhân đối nghịch với tự mãn về danh vọng đó là sự sợ hãi. Sự sợ hãi có thể đến từ hai phía, và thường là sợ hãi mình bị tước quyền, không được đối xử bình đẳng. Người giàu nổi loạn vì sợ đám đông dân chúng sẽ triệt hạ họ hay người nghèo nổi loạn vì sợ chính quyền tước đoạt các quyền lợi… tất cả đều đến từ sự sợ hãi.

Nguyên nhân nghiêm trọng nhất của Cách mạng là do khác biệt sắc tộc. Nên nhớ rằng khu vực Địa Trung Hải là một trong các khu vực phức tạp nhất về sắc tộc trên thế giới. Nếu dân nhập cư nhiều mà chưa có đủ thời gian để các sắc dân học cách tồn tại với nhau thì đó chính là nguyên nhân dẫn đến nổi loạn.

Lãnh thổ có thể cũng là vấn đề dẫn đến nổi loạn. Khi một quốc gia quá rộng và quá nhiều khu tự trị, chính quyền trung ương sẽ không thể thâu tóm được, dần dần hình thành nên sự không tương đồng, và cuối cùng là ly khai, có ly khai là sẽ có nổi loạn.

Lãnh thổ càng rộng sẽ càng khó kiểm soát

Nhưng cho dù là nguyên nhân gì thì điểm mấu chốt dẫn đến nổi loạn đa số đều đến từ những va chạm rất nhỏ của các nhóm quyền lợi, như một giọt nước tràn ly. Những cuộc nổi loạn này sẽ thường dẫn tới thay đổi mô hình xã hội một cách đột nngôt, đảo qua giữa hai thái cực. Tình trạng này dễ dàng diễn ra khi tầng lớp trung lưu không đủ đông để giữ cân bằng.

Ở chế độ dân chủ, tình trạng nổi loạn gây lật đổ thường đến từ sự thật. Ở các xã hội dân chủ, thuật hùng biện và tranh biện rất phát triển. Thuật này là cách thức để các chính trị gia thuyết phục người dân tín nhiệm mình. Nhưng khi sự thật bị lật tẩy, người dân ý thức rằng tất cả chỉ là lừa mị, họ sẽ nổi dậy.

Ở chế độ quả đầu, tình trạng nổi loạn và lật đổ thường đến từ chính nội bộ. Các nhóm quyền lợi trong chính quyền sẽ không bao giờ vừa lòng với những vị trí họ có. Vậy nên, tranh chấp quyền lực chắc chắn sẽ diễn ra.

Ở chế độ tinh hoa và pháp định thì thường bị lật đổ do không giữ được các nguyên tác công chính. Nếu hiến pháp chung của người giàu và người nghèo không được tôn trọng thì nguy cơ bất bình đẳng sẽ diễn ra. Chắc chắn một nhóm sẽ nổi dậy để chống lại nhóm đang thắng thế.

 

 

Làm thế nào để duy trì độc tài

 

 

Chế độ độc tài những tưởng sẽ khiến người dân bức xúc mà nổi dậy, nhưng thực ra các triều đại độc tài đều duy trì khá lâu. Hiện nay, chúng ta đều mặc định rằng độc tài là xấu, còn dân chủ là tốt. Nhưng Aristotle thì khác, ông cho rằng đó chỉ là hai mặt của một vấn đề mà thôi, vì ông cho rằng dân chủ mà cực đoan quá mức sẽ dẫn đến độc tài.

 

Nguyên nhân một nhà độc tài bị lật đổ chính là lòng oán ghét và sự khinh miệt của người dân. Chính trong chế độ độc tài, người làm vua lại càng phải chăm lo nhiều hơn cho lòng dân. Vậy thì làm thế nào để có được lòng dân?

Aristotle đề xướng: “Quyền lực của nhà vua càng bị giới hạn chừng nào thì quyền lực càng giữ được nguyên vẹn, bởi vì như vậy thì sự cai trị của nhà vua sẽ ôn hòa và không bị dân ghen ghét."

Những nhà độc tài cực đoan sẽ luôn triệt hạ những người vượt trội, có chí khí, cấm hội họp, cấm ăn chung, dạy học và giám sát người dân bằng mọi cách. Văn học nghệ thuật trong xã hội độc tài cực đoan cũng bị cấm. Chính quyền sẽ luôn gây cản trở trong việc quen biết và trao đổi giữa người dân. Từ vấn đề giám sát người dân để ngăn ngừa nổi loạn đã hình thành nên lớp người chỉ điểm, xuất hiện trong các cuộc hội họp. Chính kẻ chỉ điểm này là thứ đáng sợ nhất gây chia rẽ trầm trọng giữa nhà độc tài và người dân, bởi chúng khiến cho người dân e ngại, không dám nói lên sự thật.

Để độc tài duy trì quyền lực tốt hơn, chính quyền luôn phải gây ra chia rẽ dẫn đến tranh cãi trong người dân. Hoặc đơn giản hơn là khiến dân bị bần cùng hóa (nhưng không quá mức), vừa đủ để người dân luôn luôn phải lo kiếm sống mà không có tâm sức để làm loạn nữa. Một xã hội độc tài thường sẽ đề cao thái quá quyền lực của người phụ nữ, để người phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong gia đình, như thế người vợ sẽ báo cáo với chính quyền về tình trạng của người chồng nếu người chồng có ý định làm loạn. Và đương nhiên, không có chỗ cho những tư duy độc lập trong một xã hội độc tài, bởi nhà độc tài chỉ cần những người biết nghe lời và đặc biệt trọng dụng kẻ nịnh hót.

 

Đúc rút lại nguyên tắc để duy trì độc tài, Aristotle tổng kết các chính sách ấy như sau:

“Đó là làm mất phẩm giá của thần dân, vì những người có ý chí thấp kém thì sẽ chẳng dám âm mưu chống lại ai; tạo sự nghi kỵ giữa đám thần dân với nhau, vì chẳng ai dám lật đổ nhà độc tài cho đến khi người dân bắt đầu có sự tin tưởng lẫn nhau; đó cũng là lý do tại sao nhà độc tài luôn tìm cách đàn áp người tốt vì không những không thể cai trị họ một cách độc đoán, mà còn vì họ luôn trung thành với nhau; nhà độc tài muốn cho thần dân của mình không có khả năng hành động, bởi vì chẳng ai lại đi làm một việc bất khả thi. Nếu họ bất lực thì họ sẽ không nghĩ đến cánh lật đổ nhà độc tài.”

Nếu chỉ bằng các phương thức hạn chế như vậy, nhà độc tài sẽ không thể duy trì quyền lực tốt, họ cần các cách thức khác để tạo hình ảnh, tạo phong thái của một vị vua, chúng ta vẫn gọi đó là “mị dân”. Ví dụ như: quan tâm đến công quỹ và tỏ ra minh bạch công quỹ; thu thuế của người dân là vì lợi ích chung; luôn phải tỏ ra uy nghiêm; tránh say mê phụ nữ và hưởng lạc. Những nhà độc tài thường tỏ ra “là một người phục vụ Thượng Đế một cách nhiệt thành” để lấy niềm tin của dân chúng, khiến dân chúng tin rằng ông ta đang đại diện cho Chúa. Ở các xã hội độc tài, các vị vua cần phải trọng dụng người có tài tới mức các tài năng sẽ trung thành với quốc gia. Đối với cả hai giai cấp giàu nghèo, nhà độc tài luôn tỏ ra là công bằng, và lực lượng nào mạnh hơn thì sẽ được lựa chọn để sát nhập.

Chuyển từ quân chủ sang độc tài, theo như Aristotle nói, là bước đầu dẫn đến sụp đổ. Nhưng độc tài khi không thực hiện các chiêu trò mị dân thì chắc chắn sẽ sụp đổ.

 

(còn tiếp)

Theo Book Hunter

Hà Thủy Nguyên

Tags: