Chiếc thìa biến mất - Những giai thoại về sự Điên loạn, Tình yêu, Lịch sử thế giới từ Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
Chiếc thìa biến mất - Những giai thoại về sự Điên loạn, Tình yêu, Lịch sử thế giới từ Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
Một tác phẩm đặc sắc của cây viết khoa học cho tờ New York Times - Sam Kean.
Chiếc Thìa Biến Mất
(11 lượt)
Mỗi khi quan sát vạn vật, loài người vẫn thường tự hỏi, các nguyên tố hóa học rốt cuộc đến từ đâu? Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà khoa học vẫn luôn cho rằng chúng chẳng đến từ đâu cả. Có rất nhiều lý thuyết siêu hình tranh cãi về việc ai (hoặc Đấng Sáng Tạo nào) tạo ra vũ trụ và tại sao, nhưng tất cả đều đồng thuận rằng mọi nguyên tố đã tồn tại kể từ khi vũ trụ sinh ra. Chúng vô thủy vô chung, trường tồn cùng thời gian và thi gan cùng tuế nguyệt. Các lý thuyết mới hơn (như thuyết Vụ Nổ Lớn vào những năm 1930) đã áp dụng quan điểm này. Điểm cực nhỏ ấy tồn tại từ 14 tỷ năm trước, chứa đựng tất cả vật chất trong vũ trụ và mọi thứ ta thấy ngày nay đều xuất phát từ đó. Chúng chưa mang hình dạng của vương miện kim cương, lon thiếc hay lá nhôm mà tồn tại dưới dạng các nguyên tử. Như một nhà khoa học sau khi tính toán rằng phải mất mười phút để Vụ Nổ Lớn tạo ra toàn bộ vật chất đã biết, dí dỏm: “Nấu các nguyên tố còn nhanh hơn là nấu thịt vịt và khoai tây nướng.”

Chiếc thìa biến mất của Sam Kean có thể nói là chuyến du hành kỳ thú về các nguyên tố hóa học và quá trình hình thành toàn bộ bảng tuần hoàn. Những câu chuyện trong tác phẩm trải trên phổ rất rộng: từ cấp vĩ mô của toàn vũ trụ cho tới khoảng cách cực nhỏ của thế giới lượng tử; hay những giai thoại ít người biết tới về Mendeleev, Rutherford và đôi vợ chồng Pierre-Marie Curie. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy câu chuyện thú vị về ngôi làng Ytterby ở Thụy Điển: đa phần nguyên tố họ lantan đều được tìm thấy trong một một khu mỏ tại đây (ytecbi, ytri, tecbi và ecbi). Hay câu chuyện đặt tên nguyên tố, như honmi (đặt theo tên Stockholm trong tiếng Latin), tuli theo tên Thule và and gadolini theo tên nhà khoa học Phần Lan Johan Gadolin.

Điểm vô cùng đặc biệt ở Chiếc thìa biến mất, đó là chủ đề chính của mỗi chương sách, gồm các vấn đề như chính trị, tiền tệ, chiến tranh, nghệ thuật, sức khỏe, chất độc, phóng xạ... đã được kể bằng một nhóm các nguyên tố trên bảng tuần hoàn. Chúng xướng lên những giai điệu mê hoặc về bản chất của vật chất; cách thức các nguyên tố hóa học hình thành từ bụi sao thời viễn cổ; về các hợp chất của chúng và lý do một số nguyên tố nhất định lại hoạt động hóa học mạnh hơn các nguyên tố khác rất nhiều; về những người đã sáng tạo ra bảng tuần hoàn và tại sao nó lại có thể dự đoán đặc điểm của những nguyên tố chưa được tìm ra. Với giọng văn đậm chất kể chuyện, sử dụng nhiều tham chiếu, câu chuyện về các nguyên tố trong cùng một chương sẽ được chuyển tiếp vô cùng linh hoạt và bất ngờ.

Bạn có biết về sự tồn tại của từ dài nhất thế giới (gồm 1.185 chữ cái) chỉ nhằm mô tả một protein của virus khảm thuốc lá? Hay hỗn hợp của SbF5 và HF sẽ tạo ra một siêu axit mạnh hơn HCl trong dạ dày con người 100.000 tỷ tỷ tỷ lần và sẽ ăn mòn thủy tinh dễ như ăn kẹo? Chuyện rằng nhà khoa học vĩ đại Isaac Newton từng bị ám ảnh bởi những tính chất liên quan đến tính dục của antimon, Mozart có lẽ đã qua đời vì dùng quá liều thuốc chứa antimon để chống lại một cơn sốt nặng; còn cacboran là axit đơn mạnh nhất và cũng là yếu nhất!

Tác giả Sam Kean

Sam Kean đã uyển chuyển dẫn dắt người đọc đi khám phá ngọn nguồn các nguyên tố: từ vàng và ruteni trong ngòi bút của Parker 51 tới chiếc máy chữ Remington của Mark Twain. Hay câu chuyện về gali, vốn là nguyên tố nằm ngay dưới nhôm trên bảng tuần hoàn và có nhiệt độ nóng chảy rất thấp, vì vậy nếu bạn nhúng chiếc thìa gali vào một tách trà nóng thì chiếc thìa sẽ tan chảy rồi biến mất. Cái tên Chiếc thìa biến mất (The disappearing spoon) cũng được bắt nguồn từ chính trò đùa hóa học này. Còn Vonfram? Đây là một trong những kim loại cứng nhất trên bảng tuần hoàn, cùng molypden là một kim loại có nhiệt độ nóng chảy rất cao nên hai nguyên tố thường được dùng trong luyện kim. Một số nguyên tố khác như clo, brom thậm chí còn được Fritz Haber ứng dụng để chế tạo vũ khí hóa học dùng trong Thế Chiến I. Nhắc tới Haber cũng lại là một câu chuyện thú vị khác bởi ông là một nhân vật mà có lẽ sẽ mãi khiến hậu thế tranh cãi vì ngoài chế tạo những loại vũ khí trên, thật hài hước khi ông chính là người phát minh ra quá trình chế tạo phân bón từ khí nitơ, góp phần nuôi sống nhân loại. 

Trên đây chỉ là một vài chi tiết “điên loạn” cùng “tình yêu” mà Sam Kean đã cất công chọn lọc và đưa vào tác phẩm đặc sắc của mình. Và hơn hết thảy, Chiếc thìa biến mất sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về bảng tuần hoàn và cách các nguyên tố hóa học định hình lịch sử nhân loại. 

Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!

- Hoàng Hải Đăng

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Paul Allen – Vị phù thủy đứng sau sự thành công của Microsoft

Tâm lý của sự lừa dối: Làm thế nào Elizabeth Holmes có thể dùng Theranos để hút vốn khủng và gây ra cú lừa ngoạn mục ở Silicon Valley?

"Lược sử vạn vật": Từ một hạt nguyên tử đến những dải thiên hà

Tags: