Chạy trốn mạng xã hội: Bạn làm được không?
Chạy trốn mạng xã hội: Bạn làm được không?
Câu trả lời ngắn gọn là “không”, nhưng hy vọng thì vẫn còn.
“Trong tương lai, ai cũng có thể nổi tiếng toàn thế giới chỉ trong vòng 15 phút” – câu nói của Andy Warhol có lẽ đúng. Thế nhưng trong kỷ nguyên Internet, câu này lại dự báo rằng bạn sẽ phải trả giá cho sự nổi tiếng với ít nhất 15 phút sống trong địa ngục. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, 40% người lớn ở Mỹ đã từng bị quấy rối hoặc lạm dụng trực tuyến, 2/3 trong số đó từng chứng kiến người khác bị lạm dụng. Hơn 60% coi đó là “vấn đề nghiêm trọng.” Phần còn lại không nghĩ thế chắc bởi họ chưa từng trải qua cảm giác đấy mà thôi.

Lạm dụng trực tuyến tồn tại dưới nhiều hình thức. Có thể bạn là một người gần như hoàn hảo và rồi ai đó quyết định rằng phải phá hủy cuộc sống của bạn chỉ bởi vì hai người tranh cãi ở trên Facebook. Có thể một sai lầm nào đó trong quá khứ của bạn được người ta đào lên, sau đó dùng chính sai lầm ấy để chống lại bạn. Có thể bạn đã đăng một nội dung mà bạn nghĩ là hài hước nhưng sự thật lại chẳng phải vậy. Có thể người yêu cũ của bạn là kẻ chẳng ra gì nên sau khi hai người chia tay, anh ta gửi những bức ảnh gợi cảm của bạn tới công ty thậm chí tới cả tờ báo địa phương. Hoặc có thể bạn chỉ đơn giản ngồi trên máy bay, rồi có người thèm muốn được chú ý lại vô tình ngồi ngay sau bạn cùng với ống kính camera.

 

Dù tồn tại dưới hình thức nào đi chăng nữa, bạn cũng không nên coi nhẹ chúng. Chuyên gia tâm lý Paraskevi Noulas – trợ lý giáo sư khoa Tâm lý học lâm sàng thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe NYU Langone nói với tôi, “Internet có ảnh hưởng thực sự tới trạng thái tâm lý của mỗi người. Tôi cho rằng ranh giới giữa cuộc sống ảo và cuộc sống thực đang mờ nhạt dần, đặc biệt là đối với giới trẻ, đời sống xã hội của họ đang ngày càng phụ thuộc vào các trang mạng xã hội hoặc các kênh trực tuyến."

 

Ai trong số chúng ta thực sự chạy trốn được khỏi Internet?

 

Taylor Lorenz là nhà báo viết về mảng công nghệ của tờ Atlantic. Gần đây, cô ấy đăng tải bức ảnh chiếc bánh mì nướng quả bơ không được đẹp mắt lắm do lỗi của bên vận chuyển có giá 22 đô. Cô ấy nghĩ nó chỉ là một kiểu “tự lấy bản thân ra làm trò đùa để câu like thôi,” thế nhưng “những lời quấy rối mà tôi nhận được lại kinh khủng và điên rồ tới mức tôi cảm thấy thật khôi hài. Sau khi thấy mọi người gào lên với tôi về chủ nghĩa nữ quyền, về tình trạng nạo phá thai và chủ nghĩa xã hội chỉ trong vòng 3 phút đầu bức ảnh được đăng tải, tôi đã biết chính xác chuyện gì sắp xảy ra rồi. Tôi thậm chí phải giới hạn chỉ nhận thông báo từ bạn bè trên Twitter.”

Đó là một dạng phản ứng bắt nguồn từ chấn thương tâm lý. Hồi 2017, Lorenz sống ở Charlottesville, Virginia, nơi diễn ra cuộc biểu tình “Unite the Right” (tạm dịch: Đoàn kết phe hữu khuynh). Cô ấy đã phát trực tiếp lên Facebook cảnh tượng khi James Alex Fields Jr. lái chiếc xe lao vào đám đông, giết chết Heather Heyer 32 tuổi. “Hắn ta sau đó tiến đến và đấm vào mặt tôi khiến tôi ngã quỵ xuống,” cô nói. Kẻ tấn công Lorenz bị bắt giữ, thế nhưng dân mạng lại chĩa mũi dùi sang cô. Mọi người nói cô lợi dụng nạn nhân, số khác lại bảo đúng là loại nhà báo chẳng ra gì nên mới xuất hiện trong một cuộc biểu tình như thế. “Đó là lúc tôi bắt đầu xóa hết các tweet của mình. Tôi đã nghĩ đến việc rời khỏi truyền thông. Nhưng tôi càng muốn chứng minh mình là người mạnh mẽ.”

Đối với những ai vẫn lựa chọn sử dụng mạng xã hội mặc kệ bị tấn công, việc này trở thành hình thức trị liệu, giúp bạn quen với việc bị xúc phạm một cách từ từ. Bạn trở nên câm lặng; bạn chặn và báo cáo ứng dụng liên tục, bạn “tắt tiếng” của bạn bè trên mạng xã hội, bạn ngó lơ mọi thứ. Bạn chạy trốn bằng cách không để thứ gì chạm vào người mình. Lorenz cũng nói, “Tôi chỉ nghĩ Twitter và các trang mạng xã hội đem những điều tồi tệ nhất đến với con người, và đến một thời điểm, ta phải cười nhạo cái địa ngục mà ta đã tạo ra cho chính mình.” Tuy nhiên, việc “trị liệu” này cũng có mặt tiêu cực.

Noulas cho hay những hành vi trên mạng đại diện cho hành vi của cả một nhóm người, đặc biệt có liên quan đến sự gây hấn, đòi hỏi người khác phải tuân theo mình và định kiến xã hội. Mọi chuyện trở nên tệ hơn bởi kẻ tấn công có thể che giấu danh tính quá dễ dàng. “Nó khiến con người mất đi nhân tính.” Những kẻ tấn công cho rằng việc họ làm chỉ là trên mạng ảo. Rõ ràng việc bị bắt nạt trên mạng có khả năng xảy ra cao hơn.

Leila Sales, tác giả cuốn tiểu thuyết thiếu niên If you don’t have anything nice to say, từng có trải nghiệm phiên bản 1.0 của bắt nạt trên mạng khi còn ngồi ghế nhà trường. Người bạn học quyết định sử dụng tấm bảng đen trong phòng học – cứ coi đó là giao diện nguyên thủy của Facebook đi – để tấn công cô ấy. Sales chia sẻ “Đó là những tháng ngày ác mộng, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng.” Vì là thời kì đầu của Internet nên trải nghiệm này không ám ảnh cô ấy cả cuộc đời, nhưng nó tạo cảm hứng cho tiểu thuyết của cô. Một nhà báo lựa chọn dòng tweet phân biệt chủng tộc của nhà vô địch đánh vần sau đó lan truyền khắp trên mạng. Nhân vật trong truyện bị mắng chửi thậm tệ, cô ấy tức giận nhưng lại sợ hãi biết đâu bản thân thực sự là người ghê tởm do đó đáng bị công chúng sỉ nhục. Sales bảo “Cảm giác như bạn không có chiếc la bàn đạo đức nào. Và rằng bạn phải có khả năng chịu đựng việc bị tổn thương.”

Tất nhiên, có người làm điều tồi tệ trên mạng và cũng có người phải đối diện với đám đông giận dữ chẳng vì bất cứ lý do gì – tuy vậy, phần lớn mọi người đều thuộc khoảng giữa. “Nếu bạn làm một việc nhận được nhiều sự chú ý, ngay cả khi đó là việc tích cực, thì khi tiếp cận đến một số lượng người nhất định, điều bạn nhận lại chỉ còn là những phản ứng tiêu cực. Càng nhiều người biết đến việc bạn làm, càng nhiều người có xu hướng ghét bỏ,” Sales nói.

 

Liệu có cách nào để “trốn thoát” khỏi Internet hay không?

 

Bạn có thể lựa chọn sống ngoài rìa xã hội, nhưng ngay cả thế thì cuối cùng vẫn sẽ có người tìm ra bạn và dựng lên câu chuyện về cuộc đời bạn. Bạn có thể từ bỏ một thời gian, nhưng ngay khi bạn công khai câu chuyện của mình, bạn lập tức bị cuốn trở lại vào vòng xoáy của Internet. Hoặc bạn có thể dùng những cách có hiệu quả dần dần, như gỡ ứng dụng khỏi điện thoại hay đăng xuất khỏi mạng xã hội khi cảm thấy áp lực và lo lắng. Bạn cũng có thể tải các phần mềm chặn mạng xã hội như Freedom hay SelfControl rồi cố gắng hết sức sử dụng chúng. “Bạn muốn suy nghĩ cẩn thận về cách sử dụng Internet và lý do lên mạng,” Noulas nói. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó.

Tóm lại, chúng ta cần học cách sống chung với lũ. Theo Noulas, “Có những người hiếm khi lên mạng, họ khá hài lòng với cuộc sống và hoạt động hàng ngày của mình; tuy vậy, khả năng họ có thể tiếp tục duy trì thói quen này rất thấp bởi công nghệ đang ngày càng can thiệp sâu rộng vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Thay vì trốn chạy hoàn toàn, tôi sẽ bố trí thời gian nghỉ ngơi giữa lúc sử dụng internet, xem tivi hay chơi game.”

Đối phó với các cuộc tấn công mạng đang có xu hướng gia tăng, một số dịch vụ đã xuất hiện để giúp đỡ ngay khi bạn bắt đầu bị chỉ trích hoặc tấn công. Các công ty quản lý danh tiếng mạng như BrandYourself hỗ trợ tạo những kết quả tích cực trên Google nhằm xóa đi các kết quả xấu trong lịch sử của bạn. (Bạn có thể quét điểm số của mình tại trang web của công ty, chuyện này cũng đáng sợ như khi bạn tải xuống điểm tín dụng của mình.) Các dịch vụ bảo vệ quyền riêng tư như DeleteMe hoạt động nhằm mục đích xóa thông tin cá nhân của bạn khỏi hệ thống dữ liệu mà các công ty môi giới thu thập và đem bán. Có những người sẽ giúp bạn chống lại việc bị quấy rồi, “giảm thiểu các tin tức gây tranh cãi,” và khôi phục lại cảm giác an toàn trên thế giới. Liz Lee, người sáng lập OnlineSOS, đã thành lập công ty sau khi trải qua việc bị tấn công trực tuyến. Ban đầu, nó cung cấp các dịch vụ về sức khỏe tâm thần miễn phí; sau đó công ty xoay sở để “trao quyền hành động cho mọi người khi đối mặt với hành vi quấy rối trực tuyến,” cùng với đó là một danh sách các nguồn có thể giúp đỡ trong thời gian xảy ra khủng hoảng hoặc có thể khắc phục hậu quả.

Tôi hỏi Lee rằng cô ấy có thể “trốn thoát” khỏi internet hay không. Câu trả lời là: Còn tùy. “Có những người dựa vào Internet để đạt được danh tiếng, mở rộng phạm vi công việc, phổ biến thông điệp của chính họ, nên họ chẳng trốn được. Chúng tôi cũng có những khách hàng không sử dụng mạng cho công việc, nhưng họ tìm thấy những người hợp với mình ở đó. Rời bỏ những cộng đồng đó thì hoặc bị ngó lơ hoặc bị tẩy chay, đó cũng là một dạng chấn thương tâm lý.”

 

Câu hỏi không phải có thể, mà là có nên rời đi hay không?

 

Bên cạnh đó còn có luật pháp, ít nhất là ở Liên minh châu Âu. Điều luật cho phép được lãng quên được thông qua vào năm 2014 bởi phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu, các cá nhân ở các quốc gia EU cũng như ở Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Luật này cho phép người dùng có thể yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa liên kết chứa thông tin cá nhân nếu nghi ngờ chúng “không chính xác, không đầy đủ, không liên quan hoặc vượt quá mục đích sử dụng.” Vào tháng 2 năm 2018, Google thông báo đã nhận được 650000 yêu cầu như trên để xóa hơn 2.43 triệu đường dẫn kể từ năm 2014. Công ty này đã xóa khoảng 43% số yêu cầu.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến từ Nhóm chiến lược Benenson, 9 trong số 10 cử tri Mỹ mong muốn có quyền được lãng quên. Vấn đề là, ở Mỹ, ý tưởng này đi ngược lại với niềm tin mạnh mẽ về quyền tự do truy cập thông tin và quyền tự do ngôn luận. Nếu Internet có những thông tin liên tục bị xóa thì có nghĩa là nó chỉ có giá trị ở vài cuộc tranh luận, vậy ai là người có đủ quyền hành để viết lại lịch sử? Từng có một dự luật tương tự ở thượng viện New York, nhưng hiện tại Thượng nghị sĩ Tony Avella đã rút lại tài trợ, vì vậy về cơ bản, dự luật này đã chết. Trong mọi trường hợp, luật không thể ngăn cản vấn đề khác nảy sinh. Điểm mấu chốt như Lee nói, “Không ai đáng trở thành nạn nhân và mục tiêu của những đe dọa trực tuyến.”

Một vấn đề khác là chúng ta không thể tránh khỏi sức ảnh hưởng của internet. “Phần cuối cuốn sách thực sự rất khó viết,” Sales nói. “Tôi thực sự không có hình mẫu nào về sự chuộc lỗi. Vì vậy, tôi tin tưởng hoàn toàn vào trường hợp của Monica Lewinsky. Chuyện trong quá khứ có tác động vô cùng lớn đến cuộc sống hiện tại, nhưng bà ấy biết cách kết hợp nó với danh tính của mình một cách tích cực. Tôi nghĩ bà ấy là người duy nhất tìm ra cách để vượt qua. Bà ấy có tận 20 năm để làm điều đó.”

 

Tương lai biết đâu lại tích cực hơn?

 

Có thể đó không phải là lối thoát mà chúng ta cần, nhưng chúng ta phải thay đổi. Một khi tất cả đều trải qua 15 phút nổi tiếng và 15 phút ở địa ngục tương ứng, luật chơi có thể sẽ khác, chúng ta có thể có nhiều phần “người” hơn ngay cả ở trong không gian mạng. Trước khi có thêm nhiều người bị ảnh hưởng, chúng ta nên tham gia cùng những người đang giúp không gian mạng trở nên tốt đẹp hơn. “Tương tự như phong trào #Metoo, càng nhiều người ủng hộ tương tác trực tuyến an toàn thì chỉ đạo của các bang và liên bang càng tích cực hơn,” Noulas nói.

“Tôi nghĩ Internet đã trở nên độc hại hơn bao giờ hết,” Lorenz nói. “Ở nhiều bang, chúng ta bị giám sát chặt chẽ, mọi người quay phim lại điều mà người khác đã làm. Chúng ta còn cách rất xa việc hợp nhất suy nghĩ của cả cộng đồng, tầm 30 năm. Tôi nghĩ sẽ có vài quy tắc phát triển để mọi người không còn muốn làm những việc như tấn công người khác nữa. Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn. Hoặc chúng ta sẽ sống trong một thế giới “phản địa đàng”.

Theo Medium

Tags: