Chạy theo tiền bạc hay quản lý chúng một cách hiệu quả?
Chạy theo tiền bạc hay quản lý chúng một cách hiệu quả?
Tôi yêu cha mẹ mình, nhưng tôi từ chối học tập cách chi tiêu tài chính của họ.
Gia đình tôi chưa bao giờ nghèo cả, tuy nhiên, chúng tôi luôn bị lâm vào tình trạng khánh kiệt. Ở ngoài nhìn vào, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều đó. Chúng tôi có một ngôi nhà đẹp với khoảng sân rất rộng ở vùng ngoại ô đang trên đà phát triển. Cha mẹ tôi thuê xe mới vài năm một lần và thường xuyên ghé thăm các nhà hát, thưởng thức một chai rượu vang một cách đầy trang nhã.

Nếu Instagram xuất hiện vào thời đó, cha mẹ tôi sẽ là những người tham gia trào lưu hăng hái nhất. Thế nhưng, ở trên giấy tờ, câu chuyện lại đi theo một hướng khác hẳn.

 

Sự thật là ngôi nhà của chúng tôi đã được thế chấp – không chỉ một mà rất nhiều lần. Thuê xe có nghĩa là các khoản thanh toán sẽ không bao giờ kết thúc. Những chiếc vé đi xem nhạc kịch đều được trả bằng thẻ tín dụng. Gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống đều vượt quá khả năng chi trả của cha mẹ tôi, và cuối cùng, sự căng thẳng trước những món nợ khiến họ đưa nhau ra tòa. Họ bán nhà, bỏ xe và không đi xem các buổi nhạc kịch nữa. Tôi nói rằng đó là “bài học kinh nghiệm”, thế nhưng đó chỉ là lời nói dối thôi.

Khi tôi lên 7, tôi có được công việc đầu tiên đó là đi giao báo. Kể từ đó, tôi chưa bao giờ không xin được việc. Tuy nhiên, với 15 năm kinh nghiệm làm việc, mối quan hệ giữa tôi và tiền bạc lại vô tình trở nên giống cha mẹ mình. Kiếm tiền, rồi tiêu tiền.

Sau đó, vào mùa xuân năm 2010, tôi nhận được hóa đơn từ Trung tâm cho sinh viên vay của Canada với hơn 30000 USD cho các khoản vay, và thái độ của tôi với tiền bạc thay đổi ngay lập tức. Tôi chuyển đến Newfoundland cho công việc “quan trọng” đầu tiên đó là viết các chiến dịch quảng cáo, và rất nhanh sau đó, tôi đã thử làm một thứ mà lẽ ra cha mẹ tôi phải dạy tôi từ trước: lập ngân quỹ.

 

Lập ngân quỹ

 

Sau khi nhìn thấy cha mẹ mình gặp khó khăn về mặt tài chính, tôi quyết tâm thực hiện mọi thứ cần thiết để tránh đi vào vết xe đổ của họ. Lập ngân quỹ là bước đầu tiên. Trong khi có ít hơn một nửa số người Canada lập ngân quỹ, 93 phần trăm số còn lại gắn bó với ngân quỹ hầu hết thời gian. Rõ ràng là, rất đáng để lập ra một ngân quỹ của riêng mình.

 

May mắn thay, với tư cách một-đứa-trẻ-tự-do 23 tuổi, không con cái, chi phí của tôi rất đơn giản, vậy nên ngân quỹ của tôi không phức tạp lắm. Tiền thuê nhà 400 USD, tiền mạng 50 USD, cước điện thoại 50 USD, 200 USD sẽ dành cho nhu yếu phẩm, vài trăm USD và mọi khoản tiền còn lại đều được chuyển đến khoản vay sinh viên. Không may là, ngân quỹ dành cho rượu bia lại luôn vượt quá lên và làm ảnh hưởng đến phần còn lại của kế hoạch.

Cuối cùng tôi đã phải kiểm tra lại ngân quỹ của mình, xác định rõ ràng hai mục tiêu riêng biệt: những thứ cần thiết (tiền thuê nhà, tiền mạng, điện thoại, nhu yếu phẩm và thanh toán nợ) cùng với những thứ không quan trọng (rượu bia và đồ ăn mang đi). Thật ra thì internet và điện thoại không cần thiết, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng để từ bỏ chúng.

Trong khi các chi phí gần đây đã thay đổi nhiều hơn (thanh toán thế chấp, đăng ký thành viên phòng tập thể dục, đăng ký Spotify), ngân quỹ của tôi vẫn giữ nguyên như cũ, ưu tiên những nhu cầu cần thiết hơn là những nhu cầu có hay không cũng không sao. Quá trình này buộc tôi phải trung thực về những thứ tôi đang có và đang sử dụng nhưng lại không cần thiết, đồng thời khiến việc tăng tốc độ trả nợ dễ dàng hơn, tôi cũng tiết kiệm được cho các món hàng lớn, cho những kì nghỉ và chuẩn bị vài thứ khi tôi nghỉ hưu nữa.

 

Cách thức hoạt động của nợ và lãi suất

 

Khi tôi đề cập rằng ngân quỹ dành cho rượu bia của tôi thường vượt quá mức, tôi không hề đề cập đến cách tôi giải quyết vấn đề này: tôi quẹt thẻ tín dụng. Tôi biết thẻ tín dụng có tính lãi, những tôi nghĩ rằng việc thanh toán tối thiểu hàng tháng vẫn sẽ giúp tôi duy trì mọi thứ ở tình trạng ổn định. Tôi chưa được học về lãi suất và cách hoạt động của lãi suất kép.

 

 

“Lãi suất kép là kỳ quan thứ tám của thế giới. Ai hiểu nó thì sẽ kiếm được tiền từ nó. Ai không hiểu sẽ phải trả giá vì nó.” – Albert Einstein (hoặc ai đó thông minh tương đương)

 

Bằng cách sử dụng số dư trên thẻ tín dụng của mình, tôi sẽ bị tính lãi trên số tiền nợ. Và nếu không thanh toán đầy đủ hóa đơn của mình trong tháng tiếp theo, tôi sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền mới, bao gồm cả lãi của tháng trước. Cho đến khi khoản nợ của tôi được trả hết, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Ngược lại, lãi kép cũng có thể mang lại lợi ích cho bạn. Nếu bạn có một khoản tiết kiệm 100 USD và số tiền này kiếm được 3 phần trăm mỗi tháng, bạn sẽ kiếm được 3 USD trong tháng đầu tiên, tổng số tiền bạn có là 103 USD. Sau đó, trong tháng thứ hai, bạn sẽ kiếm được thêm 3 phần trăm lãi suất của số tiền 103 USD, tức là bạn có thêm 3.09 USD. Chín xu kia có vẻ không nhiều, nhưng nếu bạn tiết kiệm trong 30 năm, lãi kép sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn.

 

Chi phí ưu tiên

 

Một khi tôi hiểu được về lãi suất, bước tiếp theo là ưu tiên các chi phí, hóa đơn, thanh toán nợ và các khoản tiết kiệm.

Rõ ràng, các khoản thiết yếu từ ngân quỹ phải được ưu tiên hàng đầu: tiền nhà, các tiện ích, nhu yếu phẩm… Đó là những thứ bạn (thật sự) không thể sống thiếu và phải được ưu tiên trên hết.

 

Sau khi thanh toán xong, các khoản thanh toán nợ lãi suất cao như thẻ tín dụng và các khoản vay ngắn hạn sẽ đến ngay sau đó. Lãi suất trên các khoản nợ đó có thể không kéo dài được và phải thanh toán càng sớm càng tốt.

Cuối cùng, sau khi thẻ tín dụng và các khoản nợ lãi suất cao được thanh toán, đã đến lúc lập ra một quỹ khẩn cấp, trả hết nợ lãi suất thấp và tiết kiệm cho tương lai của bạn.

 

Lập một quỹ khẩn cấp

 

Lập ra một quỹ khẩn cấp có hiệu quả đối với chính bạn như một chính sách bảo hiểm. Kịch bản tốt nhất là bạn không bao giờ cần đến nó và bạn sẽ có một số tiền nhất định để tiết kiệm. Trong trường hợp xấu nhất, giả sử bạn bị mất việc, bị ốm và không thể làm công việc của mình, hoặc bạn phải đối mặt với những chi phí đến bất ngờ, bạn sẽ có sẵn tiền để chi trả cho các hóa đơn.

Quy tắc chung của quỹ khẩn cấp là bạn phải có đủ tiền để chi trả cho mọi thứ trong vòng 3-6 tháng. Để biết được bạn cần bao nhiêu tiền, hãy cộng tất cả chi phí cần thiết hàng tháng của bạn, sau đó nhân số tiền đó cho 3 hoặc 6. Vì thế, nếu tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, bảo hiểm… của bạn là 2000 USD một tháng, thì bạn phải có 6000 đến 12000 USD trong quỹ khẩn cấp của mình.

Quỹ này đương nhiên sẽ cần phải có thời gian để xây dựng, nhưng không sao hết. Hãy đặt một lượng tiền nhỏ vào một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao, nếu bạn cần đến, số tiền đó có thể dễ dàng lấy ra được.

 

Khái niệm cơ bản về đầu tư

 

Tôi hoàn toàn có thể thông cảm với cha mẹ mình khi không dạy tôi cách để đầu tư – nó có vẻ vô cùng phức tạp, dù sự thật không phải vậy. Dưới đây là các loại sản phẩm đầu tư cơ bản:

  1. Cổ phần là những phần riêng lẻ (thường được biết đến dưới hính thức cổ phiểu) của một công ty. Nếu giá trị của công ty tăng lên, thì cổ phiếu bạn đang sở hữu cũng tăng. Và ngược lại cũng thế, giá trị công ty giảm, cổ phiếu của bạn cũng giảm.
  2. Quỹ giao dịch ngoại hối và quỹ tương hỗ là một cách đơn giản để đầu tư vào hàng trăm hoặc hàng nghìn công ty chỉ với một sản phẩm. Chúng thường an toàn hơn vì nếu chỉ có một hay hai công ty giảm giá trị, các công ty khác trong quỹ giao dịch ngoại hối và quỹ tương hỗ sẽ ngăn chặn không để đầu tư của bạn bị đổ bể.
  3. Chứng chỉ đầu tư hiệu quả (GIC) và trái phiếu có thể có hiệu quả khi bạn cho một công ty hoặc chính phủ vay tiền, với lãi suất được đảm bảo và bạn chắc chắn sẽ được nhận lại. Bạn nên dành một phần tiền đầu tư vào trái phiếu hoặc GIC, vì chúng rất ổn định.

Điều quan trọng cần lưu ý là việc tích tiền mặt trong tài khoản tiết kiệm là trò chơi của các ngân hàng (đương nhiên, quỹ khẩn cấp của bạn là một ngoại lệ). Các tài khoản tiết kiệm chưa phải chi trả cho thứ gì, thông qua lạm phát, chúng có thể khiến bạn mất tiền. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi tự đầu tư tiền của mình, có rất nhiều cố vấn robo thay bạn đầu tư – chỉ với một khoản phí rất nhỏ.

 

Bao giờ mới cảm thấy "đủ"?

 

Mặc dù mong muốn được cha mẹ dạy những điều căn bản về quản lý tiền bạc, tôi vẫn luôn suy nghĩ đến một điều quan trọng hơn đó là: Bao giờ tôi mới cảm thấy "đủ"? Thú thực, đây là bài học khó nhất. Có lẽ vì thế mà nó nằm ở cuối danh sách. Hoặc có thể vì toàn bộ xã hội của chúng ta vẫn chưa tìm ra được giới hạn của “đủ”.

Tất cả đều sẽ trở thành thế này: Có tiền là tốt, nhưng có rất nhiều tiền thì lại chẳng còn ý nghĩa lắm nếu bạn không còn thời gian để tiêu chúng.

Dành từng phút một để làm việc kiếm tiền là một việc tệ vô cùng, và sẽ tốt hơn nếu bạn sống khiêm tốn và vừa đủ trong khả năng thay vì cố gắng tìm kiếm một ngôi nhà lớn hơn, xe mới hơn, những vật dụng sang trọng hơn. Thà rằng bạn hãy dành số chi phí đó vào việc xây dựng các mối quan hệ và hạnh phúc của riêng mình. Tôi cứ có cảm giác mình đã sai, và tôi chắc chắn bạn cũng cảm thấy như thế. Chúng ta luôn dành thêm một vài giờ chỉ để hy vọng mình sẽ được công nhận, được sếp cho thăng chức và được leo lên hàng ngũ những người đứng đầu. Nhưng nếu không thể lùi lại một bước và đánh giá cao những gì đã đạt được, thì những thứ kia có gì quan trọng?

Tôi không nghĩ rằng tôi đã có “đủ”, nhưng tôi hy vọng rằng nếu đến lúc đó, tôi sẽ nhận ra rằng “Ả, mình đã làm đủ rồi”. Hoặc có thể thực chất tôi đã làm “đủ” rồi, và tôi đang ngồi đây để viết về một bài học mà bản thân chưa thể lĩnh hội được hết.

Và dù tôi tự mình tìm ra tất cả những điều bên trên, tôi vẫn muốn làm rõ một vài thứ: Tôi không đổ lỗi cho cha mẹ mình về việc họ thiếu hiểu biết và thiếu những kế hoạch tài chính rõ ràng. Bố tôi đã làm việc cật lực và kiếm được nhiều tiền trong suốt nhiều năm, mẹ tôi cũng bận bịu với công việc ngày cả khi phải chăm sóc cả hai anh em tôi. Họ tự hào về việc không để chúng tôi thiếu thốn gì, và tôi vô cùng may mắn khi học được nhiều thứ từ họ.

Tôi chỉ hy vọng bản thân mình sẽ tránh được sai lầm họ - bằng mọi giá.

 

Theo Medium
Kim (dịch)

 

Tags: