Chảy như làn gió: Những chuyện đời thường của một xã hội không thường
Chảy như làn gió: Những chuyện đời thường của một xã hội không thường
“Các con đường thành phố như lối đi của bọn kiến gió. Rối rít tít mù nhưng chả làm nên trò trống gì sất. Xã hội rối như nắm xơ rửa bát…”

Tập truyện ngắn Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê lột tả một xã hội như thế. Mười bốn truyện ngắn, truyện nào cũng đong đầy rối ren của một xã hội thay đổi đến quay cuồng. Cái hồn trong mỗi câu chuyện có vẻ gì giống như tựa đề cuốn sách, nghe mát lạnh mà đầy sức nặng.

Điều đầu tiên không thể không chú ý khi bắt đầu cuốn sách này là những câu văn dài không một dấu phẩy của Lê Minh Khuê. Người đọc vất vả ngay từ câu đầu tiên trong truyện đầu tiên, “Giống như đêm hôm trước khi trăng chếch về phía cây cau ở phía tây vườn cái bóng áo trắng rộng thùng thình tóc xoã đầy vai cái kính đen che nửa mặt… lại lừ lừ đi vào.” Những câu văn chảy ào ạt, nhưng lại đòi hỏi độc giả phải đọc chậm rãi, từ tốn. Bởi nếu đua với nhịp điệu câu văn mà đọc ào ào, độc giả sẽ thấy mình lúng túng giữa dòng câu chữ. Những câu văn tưởng thả trôi nổi nhưng lại đủ sức níu lòng người đọc.

Những truyện ngắn trong Làn gió chảy qua là những câu chuyện đời thường như thu nhặt ở góc này ngõ kia trong thành phố. Chuyện đi học tiếng Đức ở trung tâm ngoại ngữ, chuyện bán nhà của một gia đình tam đại đồng đường, chuyện chen lấn trên xe buýt, chuyện tai nạn giao thông… Giữa những chuyện thường thường có những con người hơi khác thường. Tử tế hơn, ân cần hơn, dù chỉ bằng những điều nhỏ nhặt nhất. Tặng quà cho thầy giáo trung tâm ngoại ngữ trong buổi cuối cùng, cưu mang những người gặp tai nạn đang sa cơ lỡ vận như người nhà, hay làm thầy giáo thể dục đầy nhiệt huyết yêu nghề không một chút lo toan tính đếm đều là những việc nghe thì đơn giản nhưng nhìn quanh lại ít thấy. Những hành động như những làn gió mát lành.

Nhưng sau những câu chuyện đời thường ấy là phông nền ám ảnh day dứt của những chuyện đã qua. Những chuyện thời chiến và hậu chiến choán quá nửa cuốn sách 240 trang, khiến nó không còn nhẹ nhàng như làn gió. Nhẹ sao nổi với những chuyện đấu tố, chuyện phân loại trừng phạt sau chiến tranh, chuyện chứng kiến anh em ruột bị tra tấn đến chết mà không bao giờ tìm lại được hài cốt… Làn gió của Lê Minh Khuê không đủ nhẹ để đưa những câu chuyện ấy bay qua, chỉ có thể chùng chình “chảy.”

Những câu chuyện đã lùi vào dĩ vãng nhưng không thật đã qua, bởi những bóng ma còn ám trong tâm trí. Những bóng ma ấy chia cách lòng người, người thì quá nặng lòng nhung nhớ quá khứ, người thì quá tính toán lo cho tương lai, để rồi không hiểu được nhau, cũng không hiểu được những lộn xộn của cái xã hội hiện tại mình đang xây đắp. Nhưng cũng giống như con ma trong câu chuyện mở đầu cuốn sách, rốt cuộc cũng là do bàn tay con người chứ đâu phải thần thánh siêu nhiên. Vượt được những rào cản trong suy nghĩ để lắng nghe và trân trọng những giá trị thực sự như bốn người trong truyện ngắn cuối, thì chuyện cũ cũng sẽ chảy qua chỉ như một làn gió mà thôi.

Khép lại cuốn sách bằng một câu chuyện nhẹ nhàng tươi sáng về một đám cưới sắp diễn ra, Lê Minh Khuê để lại cho người đọc câu hỏi “cái gì sẽ đến.” Và quan trọng hơn nữa, phải sống thế nào, giữa một bên là chuyện đã qua, một bên là những điều đang đến--một câu hỏi không hề dễ dàng trong cái xã hội rối rít tít mù này.

 

Trạm Đọc / Thanh Huệ

Tags: