Chân không đi làm sao biết bị xiềng xích
Chân không đi làm sao biết bị xiềng xích
Cuốn sách này dành cho những người muốn tìm hiểu cuộc sống, muốn biết rằng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, muốn thay đổi nhận thức, muốn gạt bỏ những hiềm khích, định kiến.

Ấy là câu nói trích theo nguyên mẫu: “Legs that move feel the chain” của thạc sĩ ngành văn hóa/ nhà báo Nguyễn Phương Mai. Và tôi thấy nó đúng, ít nhất là trong trường hợp của cô, người được mệnh danh là diva làng báo. Chẳng thế mà đạo diễn Lê Hoàng mới viết: “ Phương Mai không già, và tôi có cảm giác với kiểu đi này, Phương Mai sẽ không bao giờ già”. Viết những dòng này, tôi muốn dành những tri ân cho người mà tôi tự coi là người thầy, là người truyền cảm hứng lớn nhất cho tôi và cũng như dành những lời chia sẻ cho những bạn đọc muốn học hỏi về thế giới rộng lớn ngoài kia qua những trang sách của Nguyễn Phương Mai.  Cuốn sách mà tôi muốn nói ở đây, hẳn không xa lạ với bạn đọc, cuốn “Con đường hồi giáo”.

 

 

Đầu năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã bắt cuộc hành trình dài 9 tháng để khám phá Trung Đông qua cung đường mà thánh quân Hồi giáo đã chiếm lĩnh Châu Âu cả về quân sự và học thuật.

 

Cuốn sách không phải chỉ dành cho những người am hiểu chính trị hay tôn giáo, như cái tên mà nó gợi ra. Chắc chắn là thế rồi, vì nếu vậy thì sẽ chẳng có nhiều người đọc nó.

 

Cuốn sách cũng không phải là những bản tin bình thường về một vùng đất bí hiểm hay đúng hơn là nguy hiểm trong mắt mọi người - Trung Đông. Đơn giản bởi vì đã có quá nhiều nguồn tin nói về Trung Đông với nội chiến, với cả những mỏ dầu đầy ụ trên báo chí hay trên truyền hình. Và nếu cuốn sách này cũng như thế thì tất nhiên nó chẳng có gì đặc biệt.

 

Cuốn sách này dành cho những người muốn tìm hiểu cuộc sống, muốn biết rằng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, muốn thay đổi nhận thức, muốn gạt bỏ những hiềm khích, định kiến. Để biết rằng, bên kia khói bom lửa đạn, bên kia bờ vực của cái chết, cuộc sống vẫn tiếp diễn, người ta vẫn sống, vẫn vui chơi, vẫn party như bình thường, như con người lâu nay vẫn làm. Mặc dù có lẽ, sống và hưởng thụ chỉ là một cách để quên những bất an ngày thường. Để biết rằng, bên cạnh những vụ khủng bố khốc liệt, bất nhân của những tổ chức Hồi giáo cực đoan, vẫn luôn có những người Hồi hiếu khách, niềm nở vô cùng với những điều mà kinh Quran đã dạy họ. Để biết rằng, đằng sau những tấm mạng che mặt chỉ để hở hai con mắt bằng niqab là những cô nàng hiện đại, đầy sức sống và thân thiện với những bộ cánh hiphop cực “xịn”. Cũng là một cách để suy ngẫm rằng, phải chăng lâu nay chúng ta bị “tẩy não” bởi báo chí, bởi truyền thông về những vụ khủng bố, vụ giết người ghê rợn mà không biết rằng Trung Đông còn đẹp lắm, còn phong phú lắm với những mảng màu mosaic rực rỡ hay những thánh đường - nơi nguồn cội của 3 tôn giáo (Do Thái, Thiên Chúa và Hồi Giáo).

 

 

Hãy đọc, đọc để biết rằng, những gì ta biết chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Để biết rằng, những gì ta nghe được, thấy được chỉ đúng khi ta xoay nó ở nhiều chiều, nhìn nó ở nhiều góc độ. Để hiểu một chân lý: “Một nửa sự thật không còn là sự thật”.

 

“Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trải tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được  đổi thay.”

 

Câu nói trên của Nguyễn Phương Mai, theo tôi nghĩ, đã khái quát được chính xác tinh thần của cuốn sách.

 

Dưới đây là một đất nước mà tôi đặc biệt ấn tượng với những nhận định mới mẻ, những điều vỡ lẽ của bản thân:

 

 

Đất nước với những thành phố trắng- Oman- với những mái nhà được sơn màu trắng nhỏ nhỏ xinh xinh xếp đều cạnh nhau.  Oman còn được biết được với vị độc tài được người dân yêu quí vô cùng- Sultan Qaboos- người đã có công gây dựng Oman thành một nước giàu có, phát triển nơi mà giáo dục được đề cao vô cùng. Không giấu gì, đây là đất nước mà tôi thích nhất bởi nó đã làm lung lay những định kiến của tôi về chế độ độc tài (như ở Triều Tiên), rằng độc tài là điều gì đó rất xấu xa, rất kinh khủng và những nhà độc tài nên bị bắt hết đi. Nhưng điều đó chưa hẳn đã đúng, ít nhất là đối với Oman.

 

 

Đất nước mà có thể làm hoa, cây cỏ mọc giữa sa mạc khô cằn, bủa vây xung quanh bởi các nước hồi giáo thù địch, không đâu khác ngoài Israel. Được thành lập chỉ mới gần 70 năm, nhưng Israel đã ngày một lớn mạnh, phát triển, đến nỗi mà Israel được mệnh danh là “Quốc gia khởi nghiệp”. Tôi yêu đất nước này bởi vì những con người ở nơi đây đã chứng minh một chân lý: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” bằng tinh thần  dám nghĩ dám làm” của họ.

 

Trung Đông còn rộng lớn hơn nhiều, vì thế hãy đọc cuốn sách để biết thêm nhiều điều nhé.

 

Thùy Dương - Trạm Đọc (Read Station)

Tags: