CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình: Thúc đẩy văn hóa đọc chỉ hô hào suông là chưa đủ!
CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình: Thúc đẩy văn hóa đọc chỉ hô hào suông là chưa đủ!
Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam nhân Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam (21/4), CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình cho rằng việc thúc đẩy phong trào đọc sách là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng nếu chỉ hô hào suông là chưa đủ…

Chính phủ đang đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách. Ông nhận thấy những triển vọng gì từ phong trào này?

Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và rất tốt của Chính phủ. Theo đó, chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam đã và đang được tổ chức trên khắp toàn quốc cùng với sự phát triển nở rộ của các hội sách, sự kiện về sách tổ chức hằng năm…

Chúng ta đều nhận thấy việc thúc đẩy phong trào đọc sách là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng nếu chỉ hô hào suông thì chưa đủ. Thực tế, ngân sách Nhà nước đầu tư cho văn hóa hiện nay vẫn còn khá ít ỏi và chưa có tương xứng so với đầu tư cho kinh tế hay các lĩnh vực khác.

Theo tôi, bên cạnh việc kêu gọi hay khuyến khích, chúng ta cần có những dự án đầu tư lớn cho phong trào này như cải thiện hệ thống thư viện, giáo trình đại học, có bước tiến mới về sách giáo khoa phổ thông để phục vụ tốt thế hệ học sinh hôm nay…

Sách vở và tri thức là những thứ không thể lạc hậu, cần bắt nhịp với thời đại.

Ông Nguyễn Cảnh Bình và tác phẩm "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào" của ông

Alpha Books cũng như nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành Việt Nam đang phát triển nhiều dòng sách để phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc hiện nay. Những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả đến đâu?

Bên cạnh các đầu sách phổ biến về kinh tế, văn học, chúng tôi đã phát triển thêm dòng sách về âm nhạc, hội họa. Gần đây là thương hiệu sách khoa học và y học nhưng cả hai dòng sách này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Về lý do chủ quan, có thể do chúng tôi vẫn chưa làm tốt, nhưng lý do khách quan là do dòng sách này chưa được độc giả Việt Nam đón nhận lắm, nhiều người chưa chú trọng và quan tâm đến khoa học hay y học.

Để khắc phục điều này, thời gian tới, chúng tôi sẽ lựa chọn những cuốn sách vừa tầm, dễ tiếp nhận và phù hợp thị hiếu độc giả hơn.

Với kinh nghiệm 20 năm làm việc ở lĩnh vực xuất bản, tôi nhận thấy sách về kinh tế, kinh doanh vẫn tiêu thụ tốt ở Việt Nam. Có những lĩnh vực khác ở Việt Nam đã dần bắt nhịp được sự phát triển ở khu vực, trí thức của người Việt đã bắt nhịp dần với thế giới nhưng những thông tin chiều sâu thì dường như đọc giả tiếp nhận vẫn còn khá chậm.

Vậy lỗi ở bạn đọc Việt còn thờ ơ với sách và tiếp nhận trí thức nhân loại, hay do công nghệ giải trí hiện nay thực sự hấp dẫn hơn?

Đây là thực trạng mà chúng ta đều nhìn thấy rõ. Khi con người chưa giàu có, người ta được thường nghĩ đến tiền bạc hay đầu tư kinh doanh, ít khi nghĩ đến tri thức. Tuy nhiên, ở những quốc gia văn minh thì con người lại rất chú trọng đến tri thức và trí tuệ.

Chính sách mở cửa và cải cách kinh tế ở Việt Nam những năm qua đã khiến cho xu hướng làm giàu ồ ạt. Thế nhưng, sắp tới, tôi nghĩ mọi điều sẽ dần dần bình lặng lại. Bởi khi cuộc sống đã đủ đầy, có “của ăn của để” hơn, người ta sẽ lại nghĩ đến văn hóa, tri thức.

Sự phát triển công nghệ giải trí tác động xu hướng nghe nhìn của con người là tất yếu. Tuy nhiên, tôi tin rằng tri thức trên sách vở luôn được coi trọng và luôn tác động lên bộ não của con người.

Các phương tiện nghe nhìn hiện đại chỉ có thể cung cấp tri thức cơ bản, còn tư duy về chiều sâu thì không thể bằng sách giấy. Đọc là quá trình động não và suy ngẫm, trong khi các phương tiện nghe nhìn hiện đại khác thường sẽ cuốn chúng ta đi. Bởi vậy, hiện nay chưa có gì thay thế được sách giấy, đặc biệt là việc rèn luyện tư duy cho con người.

Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất bản, ông có nhận xét gì về thị trường sách của tác giả Việt?

Thực sự những năm gần đây, sách của tác giả Việt có bước phát triển vượt bậc. Cá nhân tôi nhận thấy mảng sách này đã tăng gấp đôi, gấp ba so trước đây, người viết đến từ mọi thành phần trong xã hội.

Có lẽ, đến một thời điểm nào đó, khi có đủ tích lũy, trải nghiệm, độ chín về kiến thức thì ai đều có thể viết sách, đều có thể chia sẻ những câu chuyện riêng của mình trong điều kiện xuất bản hiện nay.

Với tôi, đây là xu hướng rất tốt, mang lại tinh thần, không khí sáng tác và sự "nảy nở" của sách Việt. Tôi cũng trông chờ từ xu hướng này, một vài năm nữa sẽ dần dần ra đời các tác phẩm có giá trị hơn nữa cho thương hiệu sách Việt Nam.

Được biết, ông cũng đang ấp ủ những dự án sách dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài phải không?

Nhân Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm nay, tôi muốn phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tham gia vận động động xây dựng tủ sách cho cộng đồng người Việt đặt ở đại sứ quán Việt Nam tại các nước.

Tôi cũng muốn vận động và phối hợp với Uỷ ban lựa chọn và công bố danh mục 100 cuốn sách (hoặc 10 cuốn sách) về lịch sử và văn hóa Việt Nam để giới thiệu cho cộng đồng người Việt và người nước ngoài tìm đọc.

Ngoài ra, chúng tôi có thể gợi ý cho Bộ những cuốn sách chất lượng (có thể in đẹp, dịch ra tiếng Anh) để làm quà tặng cho người nước ngoài cùng với các quà tặng truyền thống khác.

Cán bộ ngoại giao cần có những đầu sách về thế giới, các châu lục, quan hệ quốc tế... nên chúng tôi có nhiều tiềm năng hợp tác với Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao… trong lĩnh vực xuất bản.

Xin cảm ơn ông!

Theo TG&VN

Tags: