Cây vĩ cầm cuồng nộ - Khi bài học không chỉ nằm trong lớp học
Cây vĩ cầm cuồng nộ - Khi bài học không chỉ nằm trong lớp học
Chúng ta đều biết rằng để trở thành một người thầy “giỏi” – theo định nghĩa về khả năng truyền đạt kiến thức của họ - vốn đã là một điều chẳng hề đơn giản. Thế nhưng một khi sức mạnh của người thầy vượt ra ngoài phạm vi lớp học, họ sẽ thay đổi cả cuộc sống của những người học trò. Và hình ảnh của một người thầy như thế sẽ được bắt gặp trong cuốn hồi ký đầy xúc động “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” của Joanne Lipman và Melanie Kupchynsky.
Cây vĩ cầm cuồng nộ
(0 lượt)

“Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” vừa là một cuốn tiểu sử, vừa là một cuốn hồi ký về người thầy dạy đàn dây Jerry Kupchynsky, hay còn được học trò của mình gọi bằng cái tên bí ẩn “Mr. K”. Ông nổi tiếng là một người thầy vô cùng nghiêm khắc, nhưng thực chất cũng giàu tình yêu thương và có một đam mê vô bờ dành cho âm nhạc. Phương pháp giảng dạy có phần khắc nghiệt của ông so với thời đại của chúng ta, dẫu vậy, đã tác động và thay đổi cuộc sống của biết bao thế hệ học trò.

Cuốn sách được chắp bút bởi người học trò cũ của Mr. K – Joanne Lipman – và cô con gái đầu lòng của ông – Melanie Kupchynsky. Joanne Lipman, dù cuối cùng không đi theo con đường âm nhạc nhưng cũng đã trở thành một người thành đạt với tài năng viết lách xuất sắc và hiện là một biên tập viên của tờ báo uy tín The Wall Street Journal. Trong khi đó Melanie Kupchynsky, lớn lên trong một gia đình âm nhạc, giờ đây là một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp và chơi cho giàn nhạc giao hưởng Mexico. Joanne và Melanie từng là bạn học của nhau, và nhiều thập kỷ kể từ bài học cuối cùng với Mr. K, cả hai đã tái ngộ và viết nên cuốn sách “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” – đây dường không chỉ là một cuốn hồi ký mà còn là một lời tri ân của hai người phụ nữ dành cho người thầy đặc biệt và vĩ đại của mình.

review-cay-vi-cam-cuong-no
Hai nữ tác giả của cuốn sách

Đi sâu hơn vào nội dung cuốn sách, qua những lời kể trực tiếp của người học trò lẫn người con của Mr. K, chúng ta có góc nhìn đa chiều hơn về nhân vật trọng tâm này. Từ hai góc nhìn của hai tác giả, chúng ta không chỉ biết được con người, hình ảnh của Mr. K trên bục giảng với tư cách một người thầy, mà còn có cơ hội khám phá thế giới riêng tư và cuộc sống đầy gian khó của ông. Để từ đó chúng ta không chỉ nhìn ông như một người thầy; hơn thế nữa, với cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, chúng ta có thể nhìn ông như một “con người”.

Mr. K, hay Jerry Kupchynsky, sinh năm 1928 và lớn lên giữa khói lửa chiến tranh. Thời còn trẻ, ông từng chiến đấu trong quân đội của Ukraine chống Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. Sống với mẹ từ thuở bé, ông không có hình mẫu về một người cha, một người đàn ông để soi chiếu và noi theo. Sau cuộc chiến, Mr. K định cư tại Mỹ và bắt đầu học đàn cello và violin từ một người di cư “đồng hương” gốc Ukraine.

Tuổi 15, Mr. K lần đầu đem lòng yêu mến âm thanh kỳ diệu của đàn violin. Thế nhưng hoàn cảnh sống khắc nghiệt, thiếu thốn về kinh tế và xã hội bất ổn về chính trị không cho phép ông theo đuổi những “trò nghệ sĩ” đó. Dù bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc khá muộn, ông vẫn đạt được ước mơ chơi đàn của mình và sau đó sáng lập một trường công dạy nhạc cho trẻ em – trao cho trẻ em những điều mà ông của thời thơ ấu không thể nhận được.

Về phương pháp giảng dạy của ông, tác giả của cuốn sách – Joanne Lipman mô tả ông có cách dạy rất “thất thường” và Mr. K là “người đàn ông xấu tính nhất” mà cô từng gặp. Cô con gái Melanie lại nhớ về hình ảnh người cha khó tính ngồi bên chiếc đàn piano thúc ép mình chơi đúng từng nốt nhạc với tư thế và kỹ thuật chuẩn xác. Mr. K cũng nổi tiếng với những lời la mắng, thậm chí là nhục mạ học trò như “Đồ ngu!”, “Điếc” và có những lần bắt học trò chơi đàn cho đến khi ngón tay họ rỉ máu.

review-cay-vi-cam-cuong-no
Mr. K và con gái Melanie 

Trong xã hội ngày nay, một người thầy như thế thật khó chấp nhận đúng không? Ông ta sẽ bị đánh giá là tàn nhẫn, độc ác, thiếu đạo đức sư phạm. Bản thân Mr. K cũng từng nhiều lần đối mặt với những thách thức từ phía phụ huynh lẫn nhà trường vì phong cách giảng dạy của mình. Nhưng đâu là lý do đằng sau phương pháp sư phạm hà khắc ấy? Và vì sao Joanne Lipman và Melanie Kupchynsky lại viết nên cuốn sách này?

Đằng sau hình ảnh một người thầy nghiêm khắc, khó tính, nóng nảy ấy là một người thầy luôn tin vào khả năng của mỗi người học trò. Ông cũng tin vào sự chăm chỉ như là một chìa khóa của thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Bằng những kỳ vọng cao của mình dành cho học trò, Mr. K đã không ngừng thúc đẩy người học đàn khám phá và vượt ra ngoài giới hạn, khả năng của mình. Với nhiều thế hệ học trò, Mr. K không chỉ là một người thầy đứng lớp mà còn đem lại cho họ những bài học cuộc sống và rèn dũa những phẩm chất vô cùng quý giá: sự kiên cường, tinh thần nghị lực, tình yêu thương hà khắc và năng lực xuất sắc được làm nên từ sự chăm chỉ.

Một cựu học trò của Mr. K, Donald, cũng đã bày tỏ rằng:

Thầy đã dạy tôi không được phép nói từ không có khả năng. Bài học từ thầy K là không để cho người khác nói rằng mình không thể làm điều gì đó. Ông thúc ép chúng ta nhưng cậu có thể cảm nhận được rằng ông cũng rất tin tưởng ở chúng ta. Ông ép mọi người làm điều tốt hơn họ nghĩ.

Khi thầy Mr. K nghỉ hưu sau một cuộc đời cống hiến cho âm nhạc và giảng dạy âm nhạc, rất nhiều cựu học trò đã quay lại, hội ngộ và cùng nhau tập luyện rồi trình diễn một bản nhạc như một lời tri ân và cảm ơn đến người thầy vĩ đại của mình – vì ông đã thay đổi cuộc sống và con người của họ.

Chưa dừng lại ở đó, một điều khác khiến câu chuyện “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” trở nên đầy cảm xúc chính là những khó khăn, bi kịch trong cuộc sống cá nhân của Mr. K. Không chỉ lớn lên với bom đạn và chiến tranh, khi lập gia đình, ông đã phải một mình gắn vác cả gia đình, nuôi hai đứa con gái sau khi vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo từ sớm. Là một người cha đầy yêu thương, ông cũng chưa bao giờ từ bỏ tìm kiếm đứa con út mất tích của mình suốt 7 năm ròng rã. Có thể thời gian phục vụ quân đội đã mài nên tính khí và cách dạy hà khắc, kỷ luật cao của Mr. K, nhưng tình yêu thương của ông, dù không được thể hiện theo cách nhiều người kỳ vọng, chưa bao giờ bị lu mờ.

Stephanie, cô con gái út từng mất tích của Mr. K, là cô gái rất nổi loạn và chống lại từng lời dạy của cha mình. Song, khi lớn lên, cô cũng đi theo con đường do cha để lại: trở thành một người dạy nhạc – nhưng với một phong cách dịu dàng, ân cần hơn rất nhiều. Giai thoại về Stephanie hứa hẹn sẽ tiết lộ nhiều góc nhìn vô cùng thú vị và xúc động. Tất nhiên, phần còn lại sẽ do chính độc giả khám phá khi cầm trên tay cuốn “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ”.

Jeannette Walls, tác giả cuốn hồi ký kinh điển “Lâu Đài Thủy Tinh” (The Glass Castle), đã gửi lời tán dương “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” rằng: “Một câu chuyện tuyệt vời, đầy cảm hứng về một người thầy đã thay đổi cuộc sống của bao học trò”. Trong khi đó, tờ Publishers Weekly lại khéo léo dành lời khen cho cuốn sách như sau: “Cuốn sách chứa đựng ít triết lý giáo dục hơn những gì lời mở đầu đã gợi ý, ký ức của tác giả trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào việc không thêm thắt những kết luật mang tính giáo điều nào”.

Thật vậy, dù mở đầu cuốn sách bằng những lập luận ủng hộ phương pháp giảng dạy bằng tình yêu hà khắc (tough love), xuyên suốt cuốn sách tác giả không bàn luận về việc đâu mới là con đường sư phạm đúng đắn. Joanne Lipman và Melanie Kupchynsky chỉ chia sẻ góc nhìn, ký ức của mình về người thầy, được điểm xuyến bởi những hồi tưởng của mình về những tháng năm trưởng thành thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 khiến mạch truyện diễn ra rất mượt mà, tự nhiên, dù những chương được viết dưới góc nhìn của từng tác giả liên tục được sắp xếp luân phiên nhau.

review-cay-vi-cam-cuong-no


Nếu phải học với một người thầy hà khắc như thế, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta phải cảm thấy ái ngại. Song, trước câu chuyện đầy chân thật về Mr. K cũng như sự kính trọng và biết ơn của biết bao học trò dành cho ông trong cuốn hồi ký “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” sẽ khiến ta phải trăn trở về hình mẫu sư phạm và phương pháp giảng dạy.

Liệu phương pháp giảng dạy “thương cho roi cho vọt” có thật sự hiệu quả? Hay những hành động, lời nói và thái độ có khả năng khiến con trẻ tổn thương chỉ là một cách để nhân danh tình yêu? Có rất nhiều học trò trưởng thành từ những giờ học nghiêm khắc, đầy giận dữ của Mr. K, nhưng liệu có ai căm ghét ông vì ông đã để lại trong họ những tổn thương, sợ hãi không thể sửa chữa? Ông có bao giờ vô tình xóa bỏ một tài năng nào vì phong cách của mình chưa? Chắc chắn là cách xã hội phát triển có khả năng định hướng rất lớn lên cách thức dạy của một người thầy, người cô, nhưng có phải chăng giờ đây chúng ta đang quá mềm lòng và dễ dãi với con em của mình?

Đây chắc hẳn là những câu hỏi không dễ để trả lời, nhưng câu chuyện trong “Cây Vĩ Cầm Cuồng Nộ” sẽ giúp bạn suy tư nhiều hơn và từ đó phần nào đưa ra những kết luận của riêng mình.

Tags: