Câu hỏi độc ác từ những đứa trẻ
Câu hỏi độc ác từ những đứa trẻ
Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện mà nhà văn Mỹ Toni Morison đã kể trong diễn từ nhận giải Nobel văn học của bà năm 1993. Trong diễn văn quan trọng này, bà kể về một nhà tiên tri mù.

Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ và nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng. Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.

Bình gốm 15, sơn dầu trên toan, khổ 50 x 70.NQT

Câu hỏi xấc xược và độc ác ấy của những đứa trẻ đã minh chứng một cách hãi hùng về một thế giới mà con người bắt đầu không dùng tình yêu thương để xây dựng nó mà dùng bạo lực để thống trị nó. Sức mạnh để điều hành thế giới này đã và đang không còn là chủ nghĩa nhân văn nữa mà là bạo lực. Bạo lực của một kẻ mạnh (những đứa trẻ) đối với một kẻ yếu (con chim) cũng giống như bạo lực của một quốc gia này với một quốc gia khác hay của một nhóm quyền lực mạnh đối với nhóm quyền lực yếu hơn.

Những đứa trẻ hiện diện trước bà tiên tri mù chính là sự hiện diện của độc ác trước một giá trị tinh thần của thế giới. Bà tiên tri mù ấy, trong cách nhìn và suy ngẫm của tôi, chính là khát vọng, là trí tưởng tượng kỳ diệu và ngập tràn tính nhân văn và đó cũng là vẻ đẹp huyền ảo của đời sống thế gian. Và tất cả những điều tốt đẹp này đang càng ngày càng bị đe dọa, thách thức và nhạo báng một cách công khai.

Sự xuất hiện của những đứa trẻ với một câu hỏi xấc xược và độc ác đã gửi cho chúng ta một thông điệp cấp bách: thời đại của bạo lực đã công khai hóa và đang trở thành chiếc gậy điều khiển xã hội loài người. Bạo lực ấy cho đến ngày nay, chúng ta có thể hiểu rộng hơn các phía của nó. Một phía của nó được thể hiện bằng vũ khí và phía khác thể hiện bằng sự áp đặt xã hội con người và đe dọa xã hội con người phải tuân theo những luật lệ có lợi cho một nhóm người hay một quốc gia nào đó.

Bây giờ, nếu chúng ta khoanh sự lý giải của chúng ta vào những đứa trẻ đã cất lên câu hỏi xấc xược và độc ác kia, chúng ta nhận thấy, nền giáo dục của xã hội loài người chúng ta đã và đang đổ vỡ thảm hại. Có một đặc điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thế kỷ 21 này và những đứa trẻ của mấy chục năm trước. Đó là sự rời bỏ tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ quá nhanh. Chúng đã không sống đủ và sống hết tuổi thơ của chúng. Đấy chính là điều nguy hiểm nhất khi mà những đứa trẻ kia lớn lên thành những chủ nhân của thế giới.

Ảnh: Internet

Thế giới đang từng ngày ăn cướp một cách trắng trợn tuổi thơ của những đứa trẻ. Trẻ em đang trở thành mục đích thương mại hóa của người lớn. Người lớn bóc lột sức lao động trẻ em trong các hầm mỏ, các công xưởng... và bóc lột sức lao động chúng ngay trong ngôi nhà của mình. Người lớn đang kinh doanh tình dục trẻ em. Người lớn dùng chiêu bài trẻ em để kinh doanh tiền bạc và chính trị. Chúng ta áp đặt những phương pháp giáo dục trẻ em từ gia đình đến nhà trường một cách quá nguyên tắc. Chúng ta quên lãng tuổi thơ của chính con cái mình. Chúng ta sống với một cuộc sống đầy tham vọng và mưu mô, chúng ta thực sự đang ''trẻ em hóa'' những dục vọng của chúng ta.

Một đứa trẻ hiện nay trong một ngày được tiếp cận bao nhiêu phần trăm những điều tốt đẹp so với những gì thuộc về một đời sống bạo lực? Thực tế cho thấy rất ít. Các thông tin về bạo lực và xung đột trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới đã lấn át những thông tin văn hóa và nhân văn. Cùng lúc đó, một khoảng trống quá lớn đã bày ra trước những đứa trẻ mà chúng phải tự quyết định lấy những vấn đề vô cùng quan trọng để hình thành nhân tính. Đó là khoảng trống tạo nên bởi sự vô trách nhiệm và bỏ mặc của người lớn.

Tất cả những gì chúng ta đã và đang làm đã trực tiếp và gián tiếp cướp đi những tơ non, những trong sáng, những tưởng tượng... của trẻ em. Chính những điều ấy đã làm cho những đứa trẻ phải rời bỏ tuổi thơ của mình. Những đứa trẻ ấy bước vào cuộc sống tự lập quá sớm và phải chống chọi lại tất cả những điều tệ hại, xấu xa nhất đang hiển hiện trong xã hội. Những đứa trẻ vô tình trở thành những con ngựa đua vô ý thức cho những cuộc cá cược tài chính và cả chính trị của người lớn.
Thay vào sự chiêm ngưỡng đầy run rẩy và đầy tưởng tượng những tổ chim hay những con chim là một thách thức giá lạnh đến hãi hùng.

Ảnh: Internet

Trong khi chờ câu trả lời của bà tiên tri mù, những ngón tay bé bỏng nhưng vô cảm như những gọng kìm sắt của những đứa trẻ đang từ từ xiết chặt. Và chỉ cần câu trả lời của bà tiên tri mù cất lên chạm vào sự thách thức độc ác của chúng, những đứa trẻ sẽ xiết chặt những ngón tay ấy để bóp nát trái tim bé bỏng như một hạt đỗ đang đập run rẩy và hoảng sợ của con chim một cách không thương tiếc. Nhưng sự thật thì những bàn tay độc ác trong tâm hồn đã giết chết con chim nhỏ bé kia một cách dửng dưng ngay từ khi chúng có ý định đến trước nhà tiên tri mù để thách thức bà. Đó chính là sự kiêu khích và đe dọa của một xã hội bạo lực. Nó kiêu khích và đe dọa chủ nghĩa nhân văn của xã hội loài người.

Hình ảnh những đứa trẻ kia không còn là một hình ảnh của sự sáng tạo mang tính cảnh báo của một nhà văn và cũng không phải là một hình ảnh đơn biệt trong xã hội nữa. Nó là một hiện thực có ở quanh đời sống chúng ta. Hiện thực đó đã và đang công khai cưỡng dâm một đứa bé, công khai chém xối xả một bà già để cướp của, công khai xả súng như một trò chơi vào một đám đông, công khai xúm vào đánh đập cho đến chết một sinh viên ngoại quốc, công khai túm tóc một người mẹ sinh ra chúng, công khai vừa đua xe vừa trêu chọc cảnh sát giao thông, công khai đánh hội đồng một bạn học rồi quay clip đưa lên mạng như một trò tiêu khiển...

Tất cả những hành động đó cũng chính là hình ảnh những đứa trẻ, hiện thân của cái ác đang thách thức chủ nghĩa nhân văn của toàn nhân loại, mà nhà văn Toni Morison nói đến. Nó cho thấy một xã hội đang quá sợ hãi cái ác và nhiều dấu hiệu của sự nhụt trí trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Nếu không muốn nói ở đâu đó và một lúc nào đó đã vô tình sống chung với cái ác. Nó cho thấy những gía trị nhân văn đang bị lấn át và đang bị dồn vào những phần đất hẹp. Nó cho thấy chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm trong việc nhận thức những giá trị đích thực của đời sống và trong việc làm cho cái đẹp lan tỏa vào đời sống.

Nếu chúng ta lùi sâu hơn nữa vào đời sống ngay sau bậc cửa ngôi nhà của mình, chúng ta sẽ nghe được những câu nói của con cái chúng ta. Những câu nói tưởng giản đơn nhưng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy những đứa trẻ đó đang lớn lên trong một đời sống hưởng lạc và vô trách nhiệm.

- Mẹ phải trả cho con 100.000 đ thì con mới quét nhà.
- Con trông bà nội cả sáng nay trong bệnh viện, bố phải trả công con đấy.
- Bố phải chi tiền cho con hàng ngày con mới đi học.
- Không có Vespa là con ngày nào cũng đi học muộn đấy.
- Nếu bố mẹ còn tiếp tục nói con, con sẽ không về nhà nữa.

Và không ít những bậc cha mẹ đã vui vẻ chấp hành những đòi hỏi vô lý ấy của con cái. Họ đã và đang đầu hàng trước những đòi hỏi hay có thể nói đó là những thách thức đầu tiên của những đứa trẻ này. Rồi đến một ngày nào đó, những đứa trẻ này có thể đến trước mặt cha mẹ hay những người khác trong xã hội và đưa ra những yêu cầu vô lý, láo xược và bắt mọi người phải phục tùng chúng. Nếu không chúng sẽ có những hành động trừng phạt như chúng từng trừng phạt cha mẹ chúng bằng cách bỏ ăn, bỏ học, bỏ nhà và làm những điều mà cha mẹ chúng sợ hãi. Rồi đến một ngày, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và ác độc cất tiếng đòi hỏi và đe dọa xã hội bằng bạo lực. Và nếu không được xã hội thỏa mãn những dục vọng của mình, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc như những đứa trẻ cầm trên tay con chim đang sống kia...

Nhà văn - Cố vấn Trạm Đọc

Nguyễn Quang Thiều

 

Tags: