Câu chuyện
Câu chuyện "nhảy việc": Bạn có bao giờ nghĩ đến?
Cách người khác lựa chọn thay đổi nghề nghiệp biết đâu lại mang đến cho bạn những ý tưởng mới.
Tôi bắt đầu viết bài này để kể lại câu chuyện của những khách hàng đã “nhảy việc” thành công .Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng biết đâu bạn có thể tìm thấy con đường tốt đẹp hơn từ các ví dụ tôi rút ra trong số hàng nghìn khách hàng mình đã làm việc cùng suốt hơn 30 năm qua.

 

Từ nhà trị liệu tâm lý đến thủ thư

Từ thời trung học, Molly đã luôn muốn trở thành nhà trị liệu tâm lý. Cô giúp bạn bè giải quyết rắc rối cá nhân và vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ. Do vậy, cô đăng ký chuyên ngành tâm lý học rồi học tiếp lên thạc sĩ, sau đó còn lấy được giấy phép điều trị các vấn đề về hôn nhân và gia đình. Cô khiêm tốn cho rằng mình gặp may khi xin được việc tại một Công ty Hỗ trợ Người lao động bằng cách áp dụng Đạo luật về Sức khỏe tâm thần, trong đó đòi hỏi dịch vụ sức khỏe tâm thần phải được cung cấp ở mức độ tương đương như dịch vụ về sức khỏe thể chất.

Vậy nhưng, với một người được đào tạo phải tin tưởng vào điều trị lâu dài, cô nhanh chóng thất vọng với giới hạn mười buổi tư vấn của công ty. Và bởi vì chồng cô có một công việc tốt nên cô quyết định xin nghỉ việc và bắt đầu thực hành trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, cô lại chẳng phải tuýp người có khả năng tiếp thị tốt thế nên cô đã trải qua khoảng thời gian khó khăn để thu hút khách hàng. Một phần cũng do những năm gần đây, các khách hàng mong muốn có kết quả thật nhanh chóng, cô không thể giữ họ lại với phòng trị liệu của mình.

Ở tuổi 34, cô quyết định tìm kiếm công việc khác phù hợp mà vẫn cho phép cô có thể giúp đỡ mọi người trong một môi trường yên bình. Molly học để lấy bằng thạc sĩ làm việc trong thư viện và bằng về khoa học thông tin. Nghe nói rất khó để xin được việc ở thư viện công cộng, cô tập trung vào việc trở thành một thủ thư có chuyên môn về tâm lý học. Cố gắng xin việc ở thư viện trường đại học gần nhà nhưng không thể, Molly chuyển mục tiêu sang xin việc ở những khu vực gần công ty của chồng. Sau khi gửi CV đến hàng chục nơi và tạo mối quan hệ bằng cách tham gia các hội nghị của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ cùng với các diễn đàn trực tuyến, cô ấy cuối cùng cũng xin được việc ở một trường đại học gần Atlanta.

Từ nhà phân tích tài chính đến nhà văn

Lớn lên trong một gia đình có cha là người làm vườn, mẹ ở nhà nội trợ, Neil nhận thấy thu nhập của cha mình ngày càng giảm đi trong khi đó số lượng người làm vườn lại tăng lên. Bởi vậy, Neil quyết định phải kiếm một công việc khác được trả lương cao đồng thời có cơ hội thăng tiến. Anh đăng ký học chuyên ngành kinh doanh tập trung vào nghiên cứu định lượng, và sau khi tốt nghiệp đã xin được công việc phân tích tài chính tại một công ty đầu tư lớn. Tuy nhiên chỉ trong vòng vài tháng, Neil cảm thấy buồn khi nghĩ về cuộc sống chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, quyết định xem công ty nên đầu tư mua cổ phiếu nào. Anh cảm thấy ngưỡng mộ John Grisham, người đã tận dụng kiến thức luật của mình và trở thành một nhà văn. Do vậy, anh ấy quyết định sẽ thử làm song song cả hai công việc cùng một lúc: viết tiểu thuyết và phân tích tài chính.

Neil bắt đầu bằng cách, vào buổi tối và ngày cuối tuần, thay vì xem TV hay chơi game, anh ấy sẽ viết những mẩu truyện ngắn. Trước khi quyết định trở thành nhà văn, từ bỏ công việc phân tích tài chính lương cao, anh cần phải biết phản ứng của độc giả về truyện mình viết. Neil đăng truyện lên blog và gửi bản thảo tới các cuộc thi. Blog của anh thu hút một số lượng độc giả nhất định truy cập và đã có những nhận xét tích cực, đồng thời hai trong số truyện ngắn anh gửi đi đã nhận được giải thưởng danh dự ở một cuộc thi. Nhưng dẫu vậy, đó vẫn không phải một dấu hiệu rõ ràng nói rằng anh nên bỏ việc.

Thời gian dần trôi đi, Neil càng ngày càng chán nản với suy nghĩ rằng cuộc đời mình rồi sẽ chẳng khác gì một cái máy tính. Vẫn còn độc thân và chẳng có điều gì cản trở, anh bỏ việc và dành hết tập trung cho việc viết lách. Neil vẫn chưa kiếm được hơn 100 USD cho một tác phẩm nhưng anh ấy hỗ trợ công việc viết tiểu thuyết của mình bằng cách thực hiện các hợp đồng tài chính cho công ty cũ và làm dịch vụ tài chính cho công ty khác như viết báo cáo hàng năm về quỹ tương hỗ, gửi thư cho cổ đông… Neil sau đó đã mua lại một công ty quản lý chỉ để hỗ trợ anh trong việc kiếm tiền từ các tác phẩm văn chương của mình.

Từ người gây quỹ đến bán hàng công nghệ

Ngay từ khi mới bắt đầu, Michelle đã định hướng mình sẽ làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận. Mặc dù lớn lên và theo học đại học tại Thung lũng Silicon, cô lại lựa chọn chuyên ngành xã hội học, tự miêu tả bản thân như một chiến binh chiến đấu vì công bằng xã hội. Sau khi tốt nghiệp, cô kiếm được công việc đúng ý bằng cách tranh biện rằng bởi vì cô còn trẻ, cô có thể trở thành người gây quỹ có sức ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trẻ khác đang làm thuê ở Thung lũng Silicon.

Thế nhưng, cô lại gặp khó khăn khi đưa ra câu trả lời vừa thuyết phục vừa trung thực cho câu hỏi đầy hóc búa đến từ nhà tài trợ tiềm năng. Một câu hỏi thực sự khiến cô ấy bối rối chính là “Làm thế nào cô chứng minh được rằng số tiền tôi quyên góp cho tổ chức từ thiện của cô sẽ tạo nên khác biệt lớn hơn thay vì quyên góp cho tổ chức từ thiện khác, thậm chí tôi còn có thể dùng tiền đó đầu tư vào cổ phiếu của công ty để tạo ra sản phẩm tốt phục vụ cho đời sống khách hàng?” Michelle không tìm được câu trả lời.

Chuyện này khiến cô phải tìm kiếm công việc bán phần mềm cho các công ty mà cô tin tưởng, rằng như lời người hỏi đã nói, sẽ tạo ra khác biệt lớn cho cuộc sống của mọi người. Trong quá trình đi xin việc và phỏng vấn, cô nhận ra các kỹ năng được sử dụng cho việc gây quỹ cũng là những kỹ năng cần thiết để bán hàng. Bằng sự nỗ lực hết sức mình, Michelle cũng xin vào được một công ty bán ứng dụng về quản lý lo lắng đang được đánh giá cao.

Từ nhà thực vật học đến người đánh giá chương trình

Thích đọc sách và đam mê khoa học, Sarah có bằng tiến sĩ về thực vật học, sau đó xin vào làm ở một công ty thực phẩm ngũ cốc hàng đầu. Mục tiêu của cô là sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen nhằm tạo nên một giống lúa mỳ mới có khả năng kháng bệnh và giàu protein hơn để xuất khẩu sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tiến độ công việc lại chậm hơn nhiều so với mong đợi. Chỉ sau một năm, cô quyết định chuyển sang một lĩnh vực khác có tiến độ nhanh hơn và mới lạ hơn. Cô đã chán ngán khi làm việc trên cùng một dự án cả năm trời. Bằng cách tìm kiếm trên Google một số cụm từ như “công việc thống kê” và “công việc nghiên cứu phương pháp”, cô phát hiện ra có một công việc được gọi là đánh giá các chương trình. Sarah nộp đơn xin việc tại các công ty đánh giá và cơ quan chính phủ, sau đó bắt đầu làm công việc đánh giá các chương trình giáo dục sáng tạo cho Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.

Những câu chuyện tôi kể không mang ý nghĩa rằng “nhảy việc” là một chuyện đơn giản. Thay đổi công việc mình đang làm chưa bao giờ là điều dễ dàng cả. Hầu hết khách hàng của tôi, những người lựa chọn thay đổi công việc của mình, thực chất đều chỉ tinh chỉnh lại một chút ngành nghề mà họ đang theo đuổi như: mô tả lại công việc có thể làm nổi bật thế mạnh và sở thích của bản thân, làm cùng một ông chủ mới hoặc thay đổi địa điểm làm việc, thậm chí nâng cao các kỹ năng vốn có để có thể tìm ra trọng tâm mong muốn ở công việc.

Tuy nhiên, nếu bạn chẳng cảm thấy vui vẻ gì với công việc hiện tại của mình, tôi hy vọng những câu chuyện "nhảy việc" sẽ giúp bạn tìm được con đường đúng đắn dành riêng cho mình.

 

Theo Psychology Today
Kim (dịch)

Tags: