Cấp độ tội phạm: Ai cũng có những bí mật, chỉ là họ che giấu chúng giỏi nhường nào
Cấp độ tội phạm: Ai cũng có những bí mật, chỉ là họ che giấu chúng giỏi nhường nào
Hội tụ đủ mọi yếu tố hấp dẫn: những bí mật chôn giấu, những âm mưu chính trị, tình dục và dĩ nhiên, một vụ giết người – Cấp độ tội phạm (Degree of Guilt) xứng đáng là một trong những tiểu thuyết trinh thám Mỹ xuất sắc nhất thập niên 90.
 Ra đời năm 1993, Cấp độ tội phạm là tác phẩm thứ hai của Richard North Patterson trong series về luật sư Christopher Paget và cũng được đánh giá là tập hay nhất trong loạt truyện. Với cốt truyện kịch tính và diễn biến tâm lý nhân vật phức tạp, tác phẩm thường được đem ra so sánh với tượng đài trinh thám – pháp lý Suy đoán vô tội (Presumed Innocent) của Scott Turow.


Tác phẩm Cấp độ tội phạm của Richard North Patterson

Trong tiểu thuyết lần này, Christopher Paget bị cuốn vào vụ điều tra giết hại nhà văn nổi tiếng Mark Ransom. Người duy nhất trong diện tình nghi, cũng là người tự khai mình đã ngộ sát vì bị Mark cưỡng hiếp là nữ hoàng truyền hình Mary Carelli. Với tư cách là luật sư bào chữa, Paget cùng cộng sự của mình là Terri dần khám phá những góc khuất phía sau một tiểu thuyết gia hào nhoáng và quyền lực nhằm bảo vệ Mary – bạn gái cũ và cũng là mẹ của con trai anh.

Theo lời khai của Mary, mấu chốt của toàn bộ vụ án mạng nằm ở cuốn băng bí mật mà Mark Ransom mua được - cuốn băng ghi lại một buổi điều trị tâm lý của nữ minh tinh quá cố Laura Chase. Trong băng, Laura kể về buổi tối kinh hoàng khi cô bị nhiều chính trị gia cưỡng hiếp tập thể, gây nên ám ảnh tâm lý nặng nề và đã khiến cô tự tử vài tuần sau đó. Mark - được cho là bị ám ảnh tình dục với Laura và có ý định sử dụng cuốn băng này làm công cụ PR cho tác phẩm mới của mình về cô. Nhận thấy không cơ hội nào tốt hơn ngoài việc quảng bá nó tại chương trình truyền hình của Mary Carelli, Mark đã tìm cách liên hệ và sắp xếp buổi hẹn với Mary tại một căn phòng khách sạn. Điều tồi tệ là sau khi cùng nhau nghe cuốn băng, Mark trở nên mất tự chủ và tìm cách cưỡng hiếp cô. Và Mary, trong giờ phút nguy hiểm, đã tự vệ bằng một khẩu súng giấu trong ví.

 

 

Phát súng của chủ nghĩa nữ quyền hay chỉ đơn giản là tội lỗi nhơ nhuốc?

 

 
Câu chuyện của Mary Carelli có lẽ sẽ giành được sự đồng thuận của nhiều người: một phụ nữ mạnh mẽ tự bảo vệ bản thân trước những kẻ bệnh hoạn thì chẳng có gì sai. Nhưng điều đáng nói là tất cả các nhân chứng và bằng chứng pháp y mà cảnh sát thu thập đều đang chống lại cô. Mary liệu có đang thành thật? Cô ta có thực sự bị cưỡng hiếp? Christopher Paget giờ đây phải đứng trước một lựa chọn có thể đánh cược cả sự nghiệp của anh để bảo vệ người đã sinh ra con trai mình.

"Hội chứng mạo danh à, tôi biết rõ lắm. Trong mỗi một kẻ làm nghề luôn ra vẻ mình tự chủ là một gã loạn thần sợ sệt, cầu mong mọi việc trót lọt trước khi khách hàng của gã phát hiện ra mình đang gian lận. Rốt cuộc thì, đó là một bí mật tội lỗi thúc đẩy tất cả chúng ta”- Christopher Paget.

Ai cũng có những bí mật của riêng mình, chỉ là họ che giấu chúng giỏi đến đâu - Tác giả Richard North Patterson đã chứng minh điều đó qua 600 trang truyện của Cấp độ tội phạm. Sau mỗi chương hồi, những uẩn khúc trong mối quan hệ giữa Paget và Mary 15 năm trước dần được hé mở trong khi chân tướng của gã nhà văn bệnh hoạn Mark Ransom bị phanh phui. Và ngay khi Paget và Terri tin rằng họ đã chứng minh rằng lời khai của Mary hoàn toàn hợp lý, một cuộn băng nữa xuất hiện, đe dọa làm thay đổi toàn bộ chân tướng vụ án và cả cuộc đời của Christopher Paget.

Dưới sự dẫn dắt tài tình và những bí mật kịch tính đến nghẹt thở, Cấp độ tội phạm đã minh họa xuất sắc những động cơ sâu thẳm bên trong mỗi con người, thúc đẩy họ hành động bất kể ranh giới của lý trí, pháp luật hay đạo đức. Đó có thể là đứa con trai nhỏ của Paget, là sự thèm khát thống trị và nỗi ám ảnh của Mark Ransom hay những ký ức đáng quên trong quá khứ của Mary. Để rồi khi đứng trước công lý, những luật sư vốn tưởng mình chính trực như Paget hay Terri cay đắng nhận ra, mọi vật trên đời không chỉ có màu trắng và đen như họ vẫn tưởng.

 

 

Phong trào #MeToo của Thế kỷ XX?

 

 

Có nhiều lý do để tác phẩm của Patterson ghi dấu trong lòng hàng vạn người đọc, nhưng chính sự táo bạo và trực diện trong khai thác chủ đề lạm dụng tình dục vốn gây nhiều tranh cãi đã giữ được hơi thở thời đại cho Cấp độ tội phạm dù tuổi đời của nó đã gần ba thập kỷ. Chấn thương tâm lý, sự tủi hổ của và định kiến của xã hội đã ngăn cản những nạn nhân của lạm dụng tình dục lên tiếng, để rồi vòng xoáy tội ác lại tiếp tục đến với những nạn nhân khác và biến sự thống trị trở thành quy luật tồn tại của cuộc sống.    

“Hắn đứng giữa hai chân tôi, nhìn thẳng vào tôi khi gã chầm chậm kéo khóa quần. Khi hắn nói rằng sẽ không có ai tin tôi, tôi biết hắn đã làm chuyện này rất nhiều lần. Hắn quá tự tin, và hắn biết, hắn đã chọn nạn nhân của mình quá chuẩn xác”- Terri Peralta.   

“Nó là một thứ giống như Hội chứng Stockholm vậy. Tôi đã gặp phải cú sốc, bị mất đi hoàn toàn phương hướng. Tôi muốn vờ như mọi thứ chưa từng xảy ra. Cùng lúc đó, tôi sợ hãi trước những điều ông ta có thể làm nếu tôi dám đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân mình” – Marcy Linton.

Khi đọc những dòng hồi tưởng của các nhân vật trên, có lẽ không ít độc giả sẽ cảm thấy ám ảnh. Và điều đáng nói là những sự việc như thế vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại ngày nay. Những cuộc xâm hại bí mật diễn ra ở giảng đường, nơi phim trường hay sau những diễn đàn chính trị. Tại đó, kẻ lọc lõi cưỡng đoạt người thơ ngây, kẻ có quyền lợi dụng người yếu thế. Chỉ khi người bị hại dám đứng lên và cất tiếng nói đấu tranh cho chính bản thân mình, họ mới cảm thấy mình được thanh thản. Đó chính là trường hợp của Linton – một nạn nhân của Mark Ransom, hay của chính Terri khi cô thú nhận mình từng bị cưỡng hiếp bởi chính giáo sư thời đại học. Sự dũng cảm của họ đã tiên phong cho làn sóng đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục và giúp dư luận kết tội Mark Ransom ngay cả khi hắn ta đã chết. Giờ đây, 25 năm sau ngày tác phẩm ra đời, phong trào #MeToo đang một lần nữa tố cáo bộ mặt thật của những kẻ đồi bại, cho thấy một góc khuất của xã hội chưa bao giờ biến mất.

Tác phẩm mang cái nhìn trực diện và cấp tiến về góc khuất trong xã hội

Bên cạnh đó, Cấp độ tội phạm còn được nhớ tới nhờ các chi tiết lấy cảm hứng từ nhân vật và sự kiện có thật. Câu chuyện được cho là ngầm phê phán sự kiện đầy tai tiếng tại Mỹ năm 1991, khi giáo sư Đại học Oklahoma Anita Hill tố cáo cấp trên cũ của mình là Clarence Thomas đã quấy rối tình dục cô. Đáng nói là cáo buộc xảy ra ngay sau khi Clarence được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao, điều này dẫn tới việc bà Hill bị công luận chỉ trích dữ dội. Những mô tả chi tiết về góc khuất của minh tinh điện ảnh Laura Chase và những cuộc tình với các chính trị gia cũng ít nhiều làm người ta liên tưởng tới huyền thoại Mariryn Monroe và anh em nhà Kennedy. Chính những dấu ấn như vậy khiến Cấp độ tội phạm mang lại hơi thở gần gũi hơn, đương đại hơn với độc giả.

Nhận được nhiều lời khen có cánh từ giới phê bình, tác phẩm là bệ phóng đưa Richard North Patterson thăng hạng ngôi sao trong văn đàn Mỹ và cũng là cuốn sách yêu thích của nhiều luật sư, nhắc nhở họ luôn tỉnh táo trước ranh giới đúng – sai giữa bộn bề muôn mặt của cuộc sống.

Vân Anh

Tags: