Cần thêm NHIỀU GIẢI THƯỞNG cho sách
Cần thêm NHIỀU GIẢI THƯỞNG cho sách
Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng được quan tâm. Ngành xuất bản cần nhiều hơn nữa những giải thưởng như vậy để thúc đẩy nền tri thức của dân tộc.

Sau bốn lần tổ chức, Giải thưởng Sách quốc gia đang ngày càng được dư luận, xã hội quan tâm, chú ý, có tác động đến giới xuất bản cùng độc giả.

 Là người làm việc trong ngành xuất bản lâu năm, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT công ty Alpha Books - chia sẻ một số suy nghĩ của mình về Giải thưởng Sách quốc gia và xa hơn, những gì có thể làm để phát triển nền xuất bản lớn mạnh, bền vững.

Hình ảnh tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Ảnh: Việt Linh,

Đề xuất giải "Thành tựu trọn đời"

Để khích lệ những tinh thần sáng tạo, đột phá, Giải thưởng Sách quốc gia nên có một vài giải thưởng nhỏ, như Giải thưởng Triển vọng, Giải thưởng Sáng tạo, để trao tặng cho các tác giả có triển vọng hoặc cho những cuốn sách có ý tưởng đột phá, sáng tạo, mới mẻ.

Các hiệp hội cũng nên tự phát triển giải thưởng sách cho mình, như gần đây, tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã vinh danh 100 cuốn sách kinh doanh tiêu biểu, cùng sự chung tay, đồng hành của những doanh nhân, nhà xuất bản, đơn vị làm sách để đưa các tác phẩm của mình đến với nhiều độc giả, cộng đồng doanh nghiệp.

Xa hơn, nền xuất bản cần có thêm nhiều giải thưởng khác nữa không chỉ cho các nhà xuất bản, công ty sách mà cho cả những người đã góp phần nuôi dưỡng, khích lệ, hỗ trợ phát triển ngành xuất bản.

Cần có giải thưởng “Thành tựu trọn đời” cho những người không hề đứng tên trên cuốn sách nào, nhưng có những đóng góp rất lớn cho quá trình xuất bản. Có thể kể đến một số cá nhân như người sáng lập nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn xưa.

Gần gũi hơn, nhưng vai trò cũng không hề bé nhỏ, là những người như bà Mão ở Đinh Lễ - người mở ra một phố sách ở Hà Nội để sách trở nên gần gũi, thân thiết với hàng triệu độc giả thủ đô suốt hai ba thập kỷ nay.

Hoặc những cá nhân như ông Đoàn Tử Huyến - người sáng lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, có công mang lại nhiều tác phẩm giá trị ở những ngày đầu tiên của thời kỳ Đổi mới… Còn nhiều người hơn nữa, đó là những người âm thầm và có những đóng góp lớn lao cho ngành xuất bản.

Chúng ta cũng nên tham khảo hệ thống giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ và một số giải thưởng tiêu biểu khác trên thế giới để kiện toàn thêm cho Giải thưởng Sách quốc gia.

Về phía độc giả, chuyên gia, nên dành thời gian sáng tạo, thành lập, huy động tiền và công sức cho việc hình thành những giải thưởng mới hơn là nhằm vào những thứ đang có để góp ý. Nên xây dựng nhiều ngôi nhà hơn là ngồi từ xa bình phẩm nét vôi quét không đẹp, viên gạch ghép chưa khít...

Sách Lịch sử đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba. Ảnh: Ngọc Hiền.

Hướng độc giả tìm đến sách đoạt giải

Khi thêm các giải thưởng sẽ khiến chi phí tặng thưởng phát sinh. Đây là khó khăn khiến đơn vị tổ chức phải cân nhắc nếu đưa thêm ra các giải thưởng khác. Ở phương Tây, hầu hết giải thưởng sách không có giá trị quá cao về tiền mặt, mà chỉ giá trị tinh thần, vinh danh là chủ yếu.

Những giải thưởng danh giá như Pulitzer cũng chỉ có phần thưởng hiện kim là 15.000 USD, còn Giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ là 10.000 USD, đó không phải là một con số quá lớn. Nhưng tất cả sách được giải thưởng này đều có giá trị và uy tín. Trước tiên, nó giúp cho tác giả, nhà xuất bản có vinh dự, tiếp đó nó thúc đẩy việc bán hàng và kinh doanh cũng như định hướng người đọc.

Nhờ việc đoạt giải mà tác giả được nhiều người biết đến. Báo chí và truyền thông sẽ phỏng vấn, nói về họ. Xã hội và giới xuất bản bình luận, thậm chí có thể phản đối, chỉ trích nhưng tất cả điều đó càng khiến độc giả tìm kiếm, đọc sách.

Nhiều cuốn sách vì được giải thưởng mà bán thêm hàng chục, hàng trăm nghìn bản. Nhờ việc được trao giải thưởng mà tác giả và nhà xuất bản có nhuận bút, doanh số lớn hơn nhiều lần.

Thông thường, một cuốn sách được giải thưởng Putlizer chỉ được nhận 15.000 USD nhưng khi bán được hàng chục, hàng trăm nghìn bản, tác giả có thể được nhận nhuận bút tới cả triệu USD, cùng lời mời đến nói chuyện tại các sự kiện, hội thảo... Nhờ đó, tác giả cũng được vinh danh thêm.

Chúng ta cũng nên tiếp cận theo hướng này. Tức là không nhằm đến việc tạo ra những giải thưởng có giá trị lớn về tiền bạc, mà hướng đến giá trị vinh danh, qua đó thúc đẩy độc giả tìm kiếm cuốn sách để đọc, thúc đẩy văn hóa đọc.

Lợi ích của giải thưởng không chỉ là vinh danh một dịch giả, một tác giả. Lợi ích của các Giải thưởng sách là khuyến khích những người viết, khuyến khích những đơn vị xuất bản có nhiều tác phẩm hay, phần nào đó định hướng văn hóa đọc cho công chúng, kích thích việc đọc sách của xã hội. Vì thế, chúng ta cần nhiều hơn nữa giải thưởng sách. Đó chính là cách bền vững và tốt đẹp để thúc đẩy nền tri thức quốc gia và dân tộc.

Theo Zing News

Tags: