Cải thiện trí nhớ: Nguyên tắc và phương pháp ghi nhớ (Phần 2)
Cải thiện trí nhớ: Nguyên tắc và phương pháp ghi nhớ (Phần 2)
Chúng ta tiếp tục đi tìm các nguyên tắc và phương pháp ghi nhớ trong phần 2 của cải thiện trí nhớ.

Sau phần tìm hiểu về trí nhớ và sự suy giảm trí nhớ, ở phần 2 này Trạm đọc giới thiệu đến bạn các nguyên tắc và phương pháp ghi nhớ vô cùng hiệu quả dưới đây.

>> Xem thêm: Cải thiện trí nhớ: Trí nhớ và sự suy giảm trí nhớ (Phần 1)

III. Các nguyên tắc nghi nhớ

  1. Lặp lại

Việc lặp lại sẽ giúp bạn ghi nhớ. Một trong những cách dễ nhất để ghi nhớ bất kỳ điều gì là thông qua sự lặp lại.  Hãy nghĩ về một bài thơ. Làm thế nào để nhớ được lời?  Chẳng hạn tôi nói tên một bài thơ bạn đã được học từ rất lâu rồi, thời tiểu học chẳng hạn, và đã rất lâu rồi bạn không đọc bài thơ đó nữa, nhưng bạn vẫn nhớ những vần thơ trong đó. Làm thế nào để được như vậy? Hoàn toàn là do lặp lại.  Khi đi học, rất có thể bạn đã lặp đi lặp lại bài thơ đó nhiều lần, và học thuộc lòng được cả bài thơ. Rất ít người có thể chỉ đọc một lần mà nhớ được luôn. Bạn có nhớ khi đi học, các thầy cô giáo hay yêu cầu: Nhắc lại theo cô...? 

Vậy làm sao chúng ta có thể tận dụng tối đa phương pháp này đối với việc ghi nhớ trong khi học? Trước tiên, nếu muốn ghi nhớ bài giảng, ta nên ghi chú đầy đủ thông tin. Đây là lần lặp lại đầu tiên. Ngay sau buổi học hoặc thời điểm thuận tiện gần nhất, ta xem lại, chỉnh sửa, bổ sung cho phần ghi chú bài giảng của mình nếu cần thiết. Đây là sự lặp lại lần thứ hai. Lần lặp lại này sẽ giúp chúng ta có được sự chú tâm đầy đủ vào những thông tin mình đã ghi lại, từ đó liên kết chúng với những thông tin trước đó và thường xuyên xem lại chúng để củng cố vững chắc hơn kiến thức của bạn theo thời gian.

Nếu cảm thấy không an tâm, chúng ta có thể truy bài cùng bạn bè trước mỗi kỳ thi. Hãy lặp lại bất kỳ kiến thức quan trọng nào.

 

 

Để tăng thêm hiệu quả ghi nhớ, bạn nên đưa chúng vào ngữ cảnh phù hợp. Hình ảnh càng cụ thể, ta càng nhớ nhanh. “Gatto” trong tiếng Italia nghĩa là con mèo. Bạn có thể nói: “Tôi đang xem phim trong phòng thì thấy tiếng động, hóa ra con mèo “gatto” nhà tôi đang ăn vụng chiếc bánh ga-tô trên bàn bếp”.

  1. Nhớ tích cực

Nếu bạn giới hạn niềm tin của mình rằng “trí nhớ của tôi kém lắm” hay “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thì chẳng mấy chốc, trí nhớ của bạn sẽ kém đi như vậy. Nó ngăn cản, quấy rầy mỗi khi bạn cố gắng ghi nhớ học hỏi điều gì. Mỗi khi học hỏi một điều mới, những suy nghĩ tiêu cực lại chạy đến lôi kéo bạn: “Mình chẳng nhớ được đâu mà, có học cũng vô ích. Tốt nhất là thôi kệ”. Nó khiến bạn nản chí không muốn thu nhận bất cứ điều gì.

Chính vì vậy, muốn gia tăng trí nhớ của mình, bạn phải có niềm tin. Bạn phải thay đổi suy nghĩ từ “trí nhớ của tôi kém lắm” thành “trí nhớ của mình đâu thua gì Eran Katz”, từ “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thành “chuyện nhỏ! Cái này chắc mất vài giây thôi”. 

Để giúp gia tăng trí nhớ của mình một cách hoàn chỉnh, 10 gợi ý dưới đây bạn nên nghĩ đến trong đầu:

  • Mình có một trí nhớ tuyệt vời
  • Mình có thể nhớ bất cứ thứ gì mình thấy
  • Mọi nơi, mọi lúc trí nhớ mình luôn tăng lên
  • Mình nhớ tên, khuôn mặt, địa điểm, sự kiện, ngày tháng… một cách dễ dàng và hiệu quả
  • Mình có thể nhớ thông tin nhanh chóng
  • Đầu óc mình dễ dàng chỉnh sửa các thông tin đã ghi nhớ nếu cần
  • Trí nhớ cung cấp cho mình tất cả thông tin mình cần
  • Mình nhớ ngay lập tức những thông tin quan trọng
  • Mình luôn trả lời được mọi câu hỏi khi cần
  • Trí nhớ của mình luôn luôn tốt trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
  1. Liên tưởng

Khi tôi nhắc đến từ “Hải Yến”, bạn nghĩ về điều gì trước tiên? Đó có thể là tên một người bạn quen biết, hoặc tên một cơn bão. Dù thế nào, trong tâm trí bạn, từ Hải Yến cũng có liên quan đến một điều gì đó, hoặc nhiều thứ. Liên tưởng là một nguyên tắc ghi nhớ rất hữu dụng. Đó là một trong những cách để chúng ta học mọi thứ. Nếu bạn không liên hệ thông tin mới với thứ gì đó bạn đã biết, rất khó để nhớ điều mới đó.

Có bốn quy luật hình thành liên tưởng:

  • Luật tương tự: các sự vật tương tự về tính chất, đặc trưng dễ gợi liên tưởng đến nhau. Như nhắc đến sắt thép ta liên tưởng đến sự cứng rắn, mùa thu ta liên tưởng tới lá vàng rơi, …
  • Luật tương phản: Các sự vật có những đặc điểm tương phản có thể hình thành liên tưởng, như: sáng – tối, nóng – lạnh, xa – gần, khóc – cười, …
  • Luật gần nhau: các sự vật gần nhau về thời gian hay không gian cũng hình thành liên tưởng. Như thấy hoa thì có thể liên tưởng đến ong, bướm, thấy cá thì có thể liên tưởng đến nước…
  • Luật quan hệ: Hình thành liên tưởng do mối quan hệ giữa các sự vật. Như: nhìn trời mưa ta nghĩ đến mây, từ mây ta lại liên tưởng đến gió, ao hồ v.v…

Bằng cách tự tạo ra sự liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin mới và lưu giữ chúng nhanh chóng, chính xác. Càng liên tưởng nhiều, bạn càng dễ ghi nhớ.

Bài tập:

  • Với mỗi từ tiếng Anh học được, bạn hãy cố gắng tìm ít nhất một từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nó.
  • Gắn tên các danh nhân bạn đã gặp trong chương trình học với những hình ảnh quen thuộc với bạn.
  • Liên tưởng để ghi nhớ bảng mã màu ghi trên các điện trở: Đen, Nâu, Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Tím, Xám, Trắng.
  • Ghi nhớ các tiên đề, định lý, định nghĩa mà bạn đã được học bằng phương pháp này.
  • Phân nhóm: Phân nhóm là phương pháp chuyển những thông tin dài thành các mẩu nhỏ để dễ nhận biết.

Từ bé, chúng ta đã bắt đầu biết phân loại những đồ vật xung quanh mình. Đi chơi biết phải vào đâu để lấy mũ, lấy kính, biết “giữ của” – đây là điện thoại của ba, kia là xe của mẹ, đồ chơi thì không ăn được còn bánh kẹo để trong tủ riêng.

Tương tự như vậy, các cuốn sách bạn học đều được phân chia thành các chương, mục, ý và luận điểm. Việc phân chia này sẽ giúp bạn phân loại và ghi nhớ theo nhóm thông tin và kiến thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.

Việc phân nhóm sẽ “sắp xếp” thông tin theo từng nhóm nhỏ vào các ngăn lưu trữ khác nhau trong não bộ. Từ đó não bộ sẽ liên kết giữa các ngăn lưu trữ với nhau để tạo thành một hệ thống thông tin đầy đủ về sự vật hoặc hiện tượng.

Bài tập:

Thử phân nhóm và ghi nhớ (nếu có thể) những thông tin mà bạn thường gặp hàng ngày.

Bạn đi siêu thị mua cà chua, bí đỏ, thịt gà, sữa tươi, táo, dầu ăn, hạt nêm, muối, bột giặt, kem đánh răng, nước rửa chén, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da.

3.142; 6.626; 2,718; 2.998; 6.022; 9.807; 1.618; 8.314; 2.413

1914; 209; 1407; 1993; 407; 1939; 1945; 1967; 1995;  1206.

1; 2; 3; 4; 5; 8; 9; 13; 16; 21; 25; 34; 36; 49; 55; 64; 81; 89

Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng Sĩ, Truyện Kiều, Con Rồng Tre, Nhật Ký Trong Tù, Quốc Âm Thi Tập, Binh Thư Yếu Lược.

Phân nhóm các vật dụng trong nhà bạn.

  1. Tưởng tượng

Kỹ thuật tưởng tượng có sức mạnh to lớn giúp bạn ghi nhớ các sự vật hiện tượng nhanh chóng và dễ dàng. Bạn “chụp ảnh” các thông tin muốn ghi nhớ và sau đó tham khảo những hình ảnh này để gợi nhớ những chi tiết quan trọng.

Thực tế, tất cả các phương pháp và kỹ thuật ghi nhớ đều dựa trên nền tảng liên tưởng và tưởng tượng. Nói một cách khác, nếu muốn ghi nhớ bất cứ điều gì, bạn phải liên tưởng chúng với những gì bạn đã biết. Và tưởng tượng là công cụ để bạn thực hiện điều đó.

Trước tiên bạn cần phải rèn luyện cho mình một kỹ năng quan sát tốt. Nó sẽ giúp bạn tập trung vào các chi tiết chính của sự vật hiện tượng để liên tưởng chúng với những gì quen thuộc trong trí não của bạn.

Bài tập

  • Lấy một trang giấy trắng (cỡ giấy A4), ghi lần lượt các số tự nhiên từ 1 đến 100 vào một vị trí bất kỳ trên mảnh giấy. Trong vòng 3 phút thử tìm theo thứ tự 100 số đó bằng cách khoanh tròn (nghĩa là bạn phải tìm ra số 1 trước khi tìm ra số 2).
  • Cũng trò chơi trên nhưng chơi với nhiều người. Các bạn thi xem ai tìm được nhiều số hơn. Sau đó nâng lên thành 200 số, 300 số …

IV. Các phương pháp ghi nhớ

1. Sử dụng Âm thanh

Một người nghệ sĩ không cần nhìn vào giấy vẫn có thể tấu những bản nhạc một cách chính xác. Những người khiếm thị nhận biết được người quen thông qua giọng nói. Một thợ sửa xe lành nghề chỉ cần nghe tiếng động cơ nổ cũng có thể bắt bệnh được chiếc xe. Họ là những chuyên gia nắm bắt các sắc thái âm thanh và nhịp điệu giọng nói.

Để thực hành phương pháp này, trước hết bạn hãy nhắm mắt lại, lắng nghe mọi chuyển động xung quanh. Bạn cảm nhận được những gì? Tiếng gió thổi, tiếng trò chuyện, tiếng chân người qua lại hay tiếng ồn ào của các phương tiện giao thông?

Bạn có thể luyện tập sự chú tâm này bằng cách lắng nghe và ghi lại những gì bạn nghe được. Lắng nghe bài giảng của giáo viên và ghi chép theo cách thức của riêng mình. Lắng nghe các thông tin trên truyền hình hoặc radio và ghi lại những thông tin quan trọng.

Mỗi ngày luyện tập một vài phút, bạn sẽ gia tăng khả năng chú tâm của mình. Bạn sẽ nghe được nhiều hơn, chính xác hơn và nhớ tốt hơn.

  1. Hòa trộn

Hình ảnh và âm thanh

Ở buổi học trước, chúng ta biết đến vai trò của hình ảnh và âm thanh riêng lẻ trong quá trình ghi nhớ thông tin. Tuy nhiên, trong buổi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách thức kết hợp hai phương pháp này để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình ghi nhớ.

Một ví dụ điển hình cho phương pháp kết hợp này là học tên và từ mới. Bạn có thể nhìn thấy cách viết của mỗi từ và nghe được phát âm của từ. Sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh sẽ giúp bạn “in đậm” thông tin đó vào trong trí não hơn. Càng nhiều liên kết, khả năng ghi nhớ của bạn càng mạnh mẽ hơn.

 

 

Hơn nữa, khi bạn vừa xem tin tức trên tivi, bạn muốn nhớ tên của diễn viên hành động kiêm chính khách người Mỹ, Arnold Schwarzenegger. Để nhớ tên của diễn viên này, bạn hãy tách chúng thành: “Ar” và “nold” cộng với “Sch”, “war” “ze”, “neg” “ger”. Sau đó cố gắng phát âm từng cụm từ ở trên. Tiếp tục nhìn vào từng nhóm và phát âm chúng. Sau đó quay trở lại tên ban đầu, quan sát chúng và đọc lại.  Thực hiện điều này một vài lần cho đến khi bạn ghi nhớ.

Một tác dụng khác của việc kết nối hình ảnh và âm thanh xuất phát từ thực tế rằng một số người ghi nhớ âm thanh tốt hơn hình ảnh hoặc ngược lại. Điều này sẽ ngăn cản họ ghi nhớ các thông tin sở đoản của mình. Chính vì vậy việc kết hợp âm thanh và hình ảnh sẽ giúp họ phát huy khả năng ghi nhớ.

Nếu bạn là người nhanh nhạy với hình ảnh và đang nghe thầy cô giảng bài, hãy tập trung, vẽ ra giấy những hình ảnh minh họa thông tin bạn nghe được.

Nếu là người cảm nhận âm thanh tốt nhưng lại nghèo nàn về hình ảnh, trong khi bạn phải xử lý một số môn học liên quan đến nhiều biểu đồ, mô hình, có một cách đơn giản để giải quyết vấn đề này là thêm những bình luận, nhận xét của mình vào từng phần của bài học. Không cần thiết phải nói lớn, bạn chỉ cần tự nhủ trong đầu là đủ.

  1. Ghi chú

Ghi chú là việc ghi lại bất cứ thông tin nào bạn muốn nhớ. Chúng ta có thể ghi chú ở bất cứ đâu, vào sách, vở, giấy nhớ, điện thoại di động, máy vi tính cho đến tường, tủ lạnh hay bàn ghế.

Ghi chú là một phương thức ghi nhớ hữu hiệu. Bạn có thể sao chép các thông tin bằng bất kỳ công cụ nào ở trên miễn là đúng, có thể áp dụng chúng bất cứ đâu hay bất cứ khi nào bạn cần và bao nhiêu lần tùy ý.

Một khi đã ghi chú, bạn không cần phải nhớ quá nhiều trong đầu. Bạn chỉ việc nhìn vào đó là có được thông tin mình cần. Thông tin được ghi chú sẽ không bao giờ bị mai một hay mất đi trừ khi bạn xóa, vứt bỏ hoặc làm hư hỏng nơi lưu giữ chúng.

Tuy nhiên có một vấn đề là bạn không thể mang theo tất cả những mẩu giấy nhớ bên cạnh mọi lúc mọi nơi. Nếu cần mang những thông tin quan trọng bên mình, bạn có thể lúc nào cũng phải mang theo cả núi giấy tờ tài liệu hay một bộ nhớ máy tính. Bạn cũng phải sắp xếp lượng thông tin ghi chú phù hợp để truy xuất chúng dễ dàng mỗi khi cần.

Đó là lý do tại sao ghi chú chỉ là phương pháp giúp bạn ghi nhớ hiệu quả và dễ dàng gợi bạn nhớ đến những thông tin cần thiết mà bạn không cần phải mang một “bộ nhớ máy tính di động” đi cùng.

Ngoài ra, ghi chú cũng là một cách thức hữu hiệu trong việc “kiểm tra chất lượng” trí nhớ của bạn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người thường có thói quen ghi chú từ bài giảng, bài thuyết trình, sách hay thậm chí là danh sách việc làm sẽ hiểu và nhớ nội dung của nó lâu hơn và tốt hơn. Hoạt động ghi chú đòi hỏi bạn phải suy nghĩ về tài liệu, buộc kiến thức phải đi qua miền nhớ lâu dài.

Bạn cũng phải xem lại những mẩu giấy nhớ này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đọc lại chúng củng cố thêm tài liệu và cải thiện định hướng. Thực tế, bạn càng ôn luyện sớm bao nhiêu sau khi ghi chú thì càng tốt bấy nhiêu.

  1. Sử dụng các thiết bị ghi nhớ

Dùng các thiết bị là một kỹ thuật ghi nhớ giúp bạn nắm bắt và nhớ được thông tin nhanh. Thiết bị ghi nhớ có thể thể hiện dưới nhiều định dạng. Đó có thể là từ viết tắt, từ có vần điệu, cụm từ dễ nhớ, các bài hát và thậm chí là các hình thức trực quan. Chẳng hạn, để ghi nhớ số ngày trong mỗi tháng, bạn có thể sử dụng cách đếm các điểm gồ lên của ngón tay là bạn sẽ biết được số ngày trong từng tháng. Điểm gồ lên là tháng Một, điểm lõm là tháng Hai, gồ lên là tháng Ba... Cứ tiếp tục như vậy cho đến tháng Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Mười một, Mười hai (đếm hết ngón thì vòng ngược lại). Điểm gồ lên là tháng có 31 ngày, lõm là 30 ngày. Tháng Bảy và tháng Tám đều gồ lên, tức là có 31 ngày. Tháng Hai có 28 ngày, nếu là năm chia hết cho 4 là năm nhuận thì tháng Hai có 29 ngày (chẳng hạn năm 2008 chia hết cho 4 nên 2008 là năm nhuận, tháng Hai có 29 ngày).

 Trạm đọc | Nguồn ảnh sưu tầm

Tags: