"Các loài chim Việt Nam": nguồn tư liệu quý giá với 731 bức ảnh độc đáo
Cuốn sách chính là cuốn cẩm nang hoàn chỉnh nhất về các loài chim Việt Nam từ trước tới nay. Với các tấm ảnh quý giá do các tác giả chụp thực địa trên khắp mọi miền đất nước, với sự bổ sung, cập nhật, phân loại lại do các nhà Điểu học hàng đầu trên thế giới tư vấn, "Các loài chim Việt Nam" còn là một giáo trình xách tay đáng tin cậy, có thể hỗ trợ cho cả chuyên gia trong ngành lẫn người xem chim nghiệp dư một mình một ống nhòm lững thững vào rừng...

Tối 15/1, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Nhã Nam tổ chức buổi ra mắt cuốn sách Các loài chim Việt Nam.

Cuốn sách "Các loài chim Việt Nam"
Có lẽ các loài chim Việt Nam gắn bó với chúng ta gần hơn mức ta tưởng: từ con cò bay lả bay la trong lời ru từ thủa nằm nôi, tới con chim "bắt cô trói cột" khiến lữ khách có thể ngơ ngẩn ở một homestay nào đó nơi rừng xanh núi đỏ, tới bầy sáo đậu trên lưng trâu nơi bến đò miền quê, tới những chú hoạ mi luôn được các chàng trai sơn cước dành cho một sự say mê đặc biệt, tới những con phượng hoàng đất mà ở Tràng An cổ người dân sẽ ngại nói đến với những lời suồng sã... Các loài chim Việt Nam, tưởng xa, nhưng lại rất gần là vậy.
 
Tuy nhiên, việc tìm hiểu hệ chim Việt Nam luôn chịu đựng một sự thiếu hụt căn bản về tư liệu, đặc biệt là tư liệu ảnh, gây khó khăn cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, khảo sát... Kể từ hai tập sách Chim Việt Nam của Giáo sư Võ Quý, in hình vẽ đen trắng với những mô tả sơ lược từ những năm 1975 đến nay, suốt hàng chục năm, chưa một công trình khảo cứu nào bao quát được hệ chim chóc đa dạng gần 1000 loài của đất nước.

Sách Các loài chim Việt Nam – Birds of Vietnam là bộ tư liệu hoàn thiện nhất cho đến nay, giới thiệu 731 loài chim thuộc 22 bộ 93 họ ghi nhận tại Việt Nam thông qua 1.205 bức ảnh trong đó có 10 loài đặc hữu, 64 loài hiện đang bị và sẽ bị đe doạ được ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN (2020), 40 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007).

Ảnh được các tác giả chụp tại các sinh cảnh khác nhau, trên mọi vùng miền của Tổ quốc từ đỉnh Fan Si Pan (VQG Hoàng Liên), Chư Yang Sin (VQG Chư Yang Sin), Bidoup (VQG Bidoup Núi Bà) đến tận cùng phía Nam (VQG Đất Mũi, Phú Quốc), các đảo phía Đông của Tổ quốc (VQG Côn Đảo).

Cuốn sách cũng xây dựng, cập nhật danh lục và hiện trạng phân bố của các loài chim Việt Nam theo hệ thống phân loại mới của Hội Nghiên cứu Chim Thế giới với tổng số 918 loài thuộc 24 bộ và 101 họ.

Quang cảnh buổi Lễ ra mắt cuốn sách

Các tác giả của cuốn sách đến từ các ngành nghề khác nhau, từ nhà nghiên cứu điểu học đến nhà quản lý bảo tồn thiên nhiên, doanh nghiệp lữ hành bảo tồn các loài chim đến các doanh nhân yêu thích thiên nhiên hoang dã. Các tác giả mong muốn cuốn sách không chỉ bổ sung, cập nhật các thông tin khoa học về loài mà còn thông qua các bức ảnh góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tăng A Pẩu, người đã chụp được hơn 500 loài chim trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam chia sẻ: “Mỗi cá nhân không ai có thể chụp cho được hết gần 920 loài chim của rừng Việt Nam. Mỗi người có khi chỉ cần trong đời có được vài tấm ảnh chim "độc", quí hiếm là đã đủ tạo nên kì tích. Các hình ảnh sử dụng trong cuốn sách được chụp tại Việt Nam 100%, tuyệt đối không sử dụng ảnh chim chụp từ các quốc gia lân cận dù cùng loài để tránh những ngộ nhận đáng tiếc về mặt khoa học.”

Trạm Đọc tổng hợp / theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường, Nhã Nam

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

[Trạm Nghiền Ngẫm] Put yourself in someone’s shoes: Đã tới lúc ngừng tích cực độc hại

Nhà văn Y Ban: Tôi thuộc tuýp người sống rồi mới viết

Alpha Books khai trương nhà sách chi nhánh Vinh và tổ chức sự kiện tọa đàm "Nghệ An trong lịch sử"

NSND Đặng Thái Sơn về nước thực hiện tọa đàm về sách, tranh của người cha quá cố

Nhã Nam tổ chức tọa đàm ra mắt sách tại thư viện Viện Pháp

 

Tags: