Búp bê Barbie và cuộc chiến chống lại chuẩn mực quyến rũ
Búp bê Barbie và cuộc chiến chống lại chuẩn mực quyến rũ
Ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước, Barbie đã và vẫn tiếp tục là chuẩn mực lý tưởng cho vẻ đẹp quyến rũ của nữ giới. Mái tóc vàng óng, vóc dáng gợi cảm tới từng milimet và nụ cười ngọt ngào sáng chói của Barbie đã biến Mattel trở thành một trong những đế chế quyền lực nhất trong thế giới đồ chơi, nhưng cũng trở thành áp lực trên vai mọi bé gái có cơ hội đặt tay vào chúng.

 

 

Mối lo về một sự hoàn hảo không tưởng

 

 

Tôi được sinh ra trong những năm 1980, một thời kỳ có thể nói là thịnh vượng của nước Mỹ khi kinh tế đi lên nhanh chóng và xã hội phát triển ở mức đáng ngạc nhiên. Ý tôi ở đây là người ta có vẻ dè chừng mọi thứ quá mức: ma túy, bạo lực, chất kích thích và sex. Vào thời kỳ đó, tôi vẫn còn nhớ dư luận dấy lên làn sóng dữ dội đòi tẩy chay những cô búp bê Barbie xinh đẹp. Eo của chúng còn nhỏ hơn cả đầu! Bàn chân tí hon vô lý ấy không thể nào đỡ nổi cơ thể chúng! - Các bậc phụ huynh và nhiều nhà tâm lý học lo lắng rằng chuẩn mực ngoại hình mà nền công nghiệp đồ chơi áp đặt lên Barbie có thể đã ngấm ngầm biến đổi tiềm thức của trẻ thơ trong suốt hàng thập kỷ.

 

Ngực to, mông nở nhưng eo lại phải bé tí!

 

Cha tôi vẫn thường thích thú khi nhắc về một kỷ niệm từ thời tôi còn bé. Khi ấy cả nhà tôi đang cùng nhau xem một bản tin thời sự xoay quanh những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của búp bê Barbie. Tôi lập tức càu nhàu: “Nhưng Barbie đâu có thật, chỉ là giả vờ thôi mà!”. Tôi tin rằng nhiều đứa trẻ thời đó cũng sẽ có quan điểm giống mình. Nhiều năm trôi qua, và mọi chuyện có vẻ chẳng có gì thay đổi. Cứ độ vài năm, một dòng búp bê mới sẽ lại ra mắt và thêm vào đó những chi tiết đẹp đẽ. Chúng chắc chắn sẽ chịu chút dò xét và hoài nghi, nhưng rồi tất cả mọi người sẽ lại lao tới mua ầm ầm mỗi dịp giáng sinh về.

Trong suốt nhiều năm, tôi khá bàng quan khi theo dõi những cuộc tranh cãi đó. Đối với tôi, sự lo ngại này có phần viển vông: Dù lớn lên cùng với cô nàng Barbie sành điệu, tôi vẫn là một kẻ mọt sách lập dị. Barbie không khiến tôi ăn mặc sexy, bỏ bê việc học ở trường hay phải điên cuồng giảm cân để sở hữu dáng người không tưởng. Thật tình mà nói, khi nhìn chúng nằm sóng xoài trên thảm mà không có mảnh vải che thân (khi tôi đột ngột cần bộ váy cho một con búp bê khác), tôi không khát khao một vòng eo thắt đáy lưng ong hay đôi chân dài miên man như thế. Barbie với tôi thậm chí còn chẳng giống một con người. Một chú lính chì giới tính nữ thì hợp lý hơn.

 

Hình dung của tôi về Barbie ngày ấy

 

Dĩ nhiên quan điểm này của tôi không thể đại diện cho tất cả trẻ em trên thế giới. Một phần vì chính ngoại hình mà tôi đang sở hữu: Mái tóc vàng dài, làn da trắng, với vóc dáng cao và thanh mảnh. Bạn sẽ nhìn thấy những cô nàng Barbie với ngoại hình giống y hệt nhau như vậy ngoài siêu thị, trong đủ thứ trang phục khác nhau: từ luật sư, bác sỹ, người mẫu hay tiếp viên hàng không. Nếu sự đa dạng trong thân phận của cô nàng như đang chuyền tải một thông điệp rằng “Barbie có thể làm được tất cả mọi thứ”; thì những gì đọng lại trong đầu trẻ em sẽ chỉ là hình ảnh “Những cô nàng da trắng - tóc vàng có thể làm được mọi thứ”. Vì lẽ đó, tôi thực sự phân vân, khi nghĩ về cảm xúc của những cô bé phải lớn lên với áp lực phải xinh đẹp như Barbie. Đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này chỉ ra thực trạng nhiều trẻ em - đặc biệt là trẻ em da màu - cảm thấy tự ti khi không sở hữu ngoại hình “lý tưởng” như những con búp bê trong tủ kính.

 

 

Xinh đẹp và Gợi dục

 

 

Và mối lo ngại của các bậc phụ huynh không chỉ nằm ở mỗi Barbie tóc vàng, mà còn cả đối thủ lớn nhất của chính cô nàng - Bratz, ra đời từ năm 2001. Nếu như ngoại hình Barbie chỉ làm dư luận phải lo ngại, thì những con búp bê cá tính đến từ công ty MGA lại khiến người ta phải vội vã bấm còi báo động. Dù là búp bê cho trẻ em, nhưng Bratz lại sở hữu vẻ ngoài “chị đại” khá ấn tượng với đôi mắt trang điểm nặng nề, đôi môi thâm và biểu cảm gương mặt mà nhiều người lớn cho là quá “gợi tình”. Bất chấp những phản ứng trái chiều, những con búp bê Bratz vẫn được hưởng ứng và nhanh chóng chiếm tới một nửa thị phần mà Barbie đang chiếm giữ.

 

1 - 0 cho Bratz!

 

Thành công của Bratz đến từ nhiều lý do. Thứ nhất, MGA kiên quyết không đi theo chiến dịch quảng bá kiểu “Barbie và những người bạn”. Khi Teresa tóc nâu và Christie da ngăm chỉ xuất hiện như những cái bóng mờ để làm nền cho cô bạn thân sang chảnh của họ là Barbie, bốn nhân vật của Bratz luôn được khắc họa như một nhóm bạn hòa đồng thân thiết.

 

Barbie có vẻ không khác mấy với nhân vật Regina George của Mean Girls

 

Thứ hai, cả bốn mẫu búp bê này đều sở hữu ngoại hình và màu da khác nhau. Sự đa dạng này giúp thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn rất nhiều.

Thứ ba, Britz đã thổi một làn gió mới vào phong cách thời trang của đồ chơi búp bê. Không nhàm chán như Barbie khi chỉ biết tối ngày lượn quanh với váy ngắn màu hồng trong suốt nhiều thập kỷ, các cô nàng Britz trông thật phóng khoáng với những bộ trang phục hip-hop sành điệu. Tựu chung lại, Britz đã phá vỡ nhiều chuẩn mực mà ngành công nghiệp đồ chơi đã áp đặt lên những cô búp bê của họ trước đó, và đây chính là lý do khiến dòng sản phẩm này trở nên ăn khách.

 

Trông đã thấy chẳng liên quan!

 

Nhưng bên cạnh những điểm cộng đó, Bratz vẫn có sự tương đồng với Barbie ở đôi môi dày phụng phịu và đôi mắt nai như đang gào thét: “Chiếm lấy em đi”. Nhiều người lo ngại rằng Barbie, hay Bratz trông quá gợi cảm so với một món đồ chơi dành cho con nít và có thể gây ra những suy nghĩ giới tính lệch lạc. Nhưng gợi cảm thì luôn ăn khách, và những kiến nghị đó tiếp tục bị tảng lờ. Mọi chuyện chỉ lên đến đỉnh điểm khi Mattel (công ty mẹ của Barbie) cho ra đời mẫu búp bê mới - Monster High - vào năm 2010. Các nhân vật trong dòng sản phẩm này được mô tả là những ái nữ mới lớn của “các ác quỷ ở Hollywood”. Chúng cùng sở hữu ngoại hình siêu mỏng, trang điểm đậm, vận những đôi giày cao chót vót và những chiếc váy ngắn cũn cỡn vừa đủ che mông.

Dù cá nhân không cảm thấy e ngại trước những tiêu chuẩn ngoại hình của búp bê, tôi không loại trừ quan điểm búp bê có thể là một thứ công cụ ngầm của những người mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhằm áp đặt vai trò giới và cổ súy cho tư tưởng “tình dục hóa” phái nữ. Tôi tin rằng sự gợi cảm dục tính là một quyền lựa chọn của nữ giới, nó không đáng phải chịu bất kỳ phán xét hay định kiến gì từ những tác nhân xung quanh. Cũng như nữ quyền không đồng nghĩa với việc ghét sex. Nữ quyền thậm chí còn chẳng kỳ thị sự gợi cảm. Quyến rũ hãy không, đó không phải là vấn đề. Chính sự kỳ thị và mỉa mai từ trong tâm tưởng của người ta về nó mới là điều cần phải loại bỏ.

 

Sai lầm không nằm ở bộ áo quần của người thiếu nữ, mà nằm trong con mắt của những kẻ nông cạn

 

Chúng ta đã cài cắm vào đầu của hàng chục thế hệ nữ giới rằng bạn sẽ được yêu mến, ngưỡng mộ và có nhiều cơ hội nếu sở hữu vẻ ngoài gợi cảm, nhưng sẽ ngay lập tức dán mác ăn mặc “rẻ tiền” nếu như cô ta làm theo điều đó. Chúng ta phán xét những nạn nhân của nạn tấn công tình dục qua bộ đồ của họ. Chúng ta tôn sùng sự gợi cảm và biến nó trở thành tiêu chí tối thượng đối với mỗi người phụ nữ. Và khi cô ta đã thực sự đạt được điều đó? Mọi thứ còn lại không còn quan trọng nữa. Sexy sells.

Một người phụ nữ có quyền được sexy, vì cô ấy là một người trưởng thành với đầy đủ nhận thức. Cô ấy sở hữu một cơ thể đã phát triển hoàn thiện cả về vóc dáng lẫn cơ chế sinh học. Nhưng trẻ em thì không như vậy. Trong mỗi đứa trẻ là một hạt mầm mà sau này sẽ nảy nở thành bản năng tình dục của chúng. Hạt mầm ấy đôi khi sẽ bộc lộ ra ngoài khi trẻ nhỏ bắt đầu biết đặt câu hỏi về mọi thứ. Những nhà sản xuất đồ chơi thường biện minh rằng chỉ có người lớn mới thấy búp bê quyến rũ một cách gợi dục, trong khi trẻ con chỉ thấy rằng chúng trông thật xinh đẹp. Tôi khá đồng ý với lập luận này. Vấn đề chính là ở đây: Trẻ em cảm nhận mọi thứ, nhưng không thể giải mã hết những điều đó.

Tôi không nghĩ việc chơi búp bê Bratz hay Monster High lâu ngày sẽ khiến các bé gái thích ăn vận như một vũ nữ thoát y, với áo độn ngực và tất lưới. Hoặc sâu xa hơn là thức tỉnh sớm bản năng tình dục. Nhưng tôi cho rằng những con búp bê ấy có thể đang khiến trẻ em đánh đồng hai khái niệm khác biệt: “gợi cảm” và “xinh đẹp”. Chúng sẽ không nhận ra điều đó. Dẫu vậy, mọi thứ đã thay đổi. Từ một bản năng giới đáng lẽ sẽ tự phát triển và thể hiện từ bên trong mỗi người, vẻ đẹp của nữ giới giờ như một chiếc áo khoác bóng bẩy người ta muốn mặc lên để tạo sự chú ý trước thế giới. Điều đó thực sự, thực sự rất tệ.

 

Sự gợi cảm không phải là thứ cần phô bày để làm hài lòng người khác

 

Nhưng một lần nữa, đó chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi. Còn các nhà tâm lý học cũng có quan điểm riêng của họ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn cho các bé gái lựa chọn một hình mẫu “lý tưởng” giữa hàng loạt búp bê mặc đồ khác nhau, tỉ lệ các bé gái lựa chọn búp bê mặc những bộ đồ khiêu khích luôn chiếm phần áp đảo. Kết quả này là một biểu hiện của hội chứng “vật hóa bản thân”, trong đó con người nói chung (chứ không chỉ nữ giới) luôn cảm thấy tự ti khi mặc một bộ đồ thiếu vải, đến mức nó ảnh hưởng tới khả năng tư duy của họ.



 

Sau vẻ ngoài bóng bẩy, Barbie còn lại gì?

 

 

Trong trường hợp bạn thắc mắc, tôi cũng mua búp bê Barbie cho con gái mình khi nó còn nhỏ. Nhưng điều khác biệt ở đây là tôi chỉ chọn những con Barbie siêu anh hùng. Bạn biết đấy, kiểu Barbie làm Batgirl, Supergirl… Khi con bé tỏ vẻ thích thú về những món đồ chơi thời 90, tôi còn lùng mua cho nó một con búp bê X-Men đúng điệu. Quyết định trung-thành-với-Barbie-siêu-anh-hùng của tôi, đến từ chính vòng ngực của chúng. Trước khi Mattel làm một cuộc “phẫu thuật” giảm cỡ cho Barbie vào năm 1998, bộ ngực đồ sộ không tưởng của chúng là một trong những lý do khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Có bao nhiêu tín đồ của Barbie sẽ nhìn nhận những kích cỡ đó là lý tưởng, chỉ để lớn lên và nhận ra mình sẽ không bao giờ có được bộ ngực như vậy?

 

Ngoại hình lý tưởng có định hình được con người bạn?

 

Tôi là một trường hợp hoàn toàn ngược lại. Dậy thì từ năm lên 9 và nhanh chóng sở hữu bộ ngực cúp C chỉ trong ba năm sau đó, bạn hẳn sẽ nghĩ tôi là một con khốn may mắn. Nhưng thay vì trở thành hot girl của trường với bộ ngực đồ sộ như trong mấy bộ phim teen, tôi dành cả thanh xuân tự ti với ngoại hình của mình. Bộ ngực to có thể khiến tôi trông nóng bỏng trong mắt ai đó, tuy vậy cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ không bao giờ có được thân hình mong manh và yêu kiều như Gwyneth Paltrow hay Audrey Hepburn. Bất chấp việc sống trong một thời đại mà truyền thông đua nhau tôn vinh các cô nàng phồn thực, tôi vẫn thấy không hài lòng, dù sở hữu một ngoại hình đúng-chuẩn-Barbie.

Bỏ đi những lớp áo quần bóng bẩy, Barbie thực sự là ai?

 

Sau này khi lớn lên, tôi đúc kết ra một thực tế đau lòng rằng: Áp lực ngoại hình tồi tệ nhất đối với phái nữ không nằm ở việc phải phấn đấu để sở hữu một vóc dáng đúng chuẩn, mà ở việc phải xuất hiện luôn-luôn-hoàn-hảo. Nó khiến ta phải đặt ngoại hình lên trên hết thảy những giá trị khác của bản thân. Áp lực đó sẽ luôn bám theo bạn, thuyết phục bạn rằng mình đang có vấn đề và phải thay đổi một thứ gì đó. Chân quá to, ngực quá bé, miệng quá rộng, mũi quá tẹt.

Đó cũng là lý do tại sao tôi chỉ chọn mua những búp bê siêu anh hùng cho con gái mình. Chúng là hiện thân của những nhân vật được định hình bằng những câu chuyện và hành động thực sự, chứ không chỉ bằng bộ trang phục chúng đang vận trên người và vài lời quảng cáo in sau bao bì. Barbie làm phi công! Barbie bên bờ biển! Barbie trong buổi tiệc disco! Những slogan sáo rỗng ấy chỉ gói gọn trong niềm yêu thích của Barbie với những bộ trang phục thời thượng và đôi giày cao chót vót. Nếu con gái tôi thực sự có hứng thú với những điều ấy, nó có thể mượn chúng từ tôi. Không phải từ Barbie.

 

Theo Medium

Vân Anh (biên dịch)

Tags: