Bước đường khoa học đầu tiên của Alfred Nobel
Bước đường khoa học đầu tiên của Alfred Nobel
Trong quá trình làm việc và hướng dẫn con, ông Immanuel phát hiện khả năng cảm thụ và sự nhanh nhạy tuyệt vời của Alfred Nobel.

Giờ đây, sức khỏe của Nobel đã hồi phục rất nhanh. Nobel đã trở thành một chàng trai hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Immanuel rất mừng, vì từ trước ông đã tin vào sự thông minh khác thường của Nobel, chỉ vì cậu yếu đau luôn nên ông chưa hướng cậu đi vào sự nghiệp của mình.

Nay thấy Nobel khỏe mạnh, ông không bỏ lỡ những lời động viên khuyên nhủ con. Ông nói với Nobel rằng yêu văn chương cũng tốt, nhưng khoa học sẽ giúp cho con người ta làm được những điều không tưởng; rằng hiện giờ công việc của ông ở nhà máy rất bận, rất cần có Nobel giúp đỡ; rằng với sự thông minh nhanh nhạy của Nobel, ông tin rằng cậu sẽ làm rạng rỡ cho dòng họ Nobel như mẹ cậu thường hay nói…

Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng ông cũng đã thuyết phục được Nobel. Cậu đồng ý đến làm việc ở nhà máy của ông.

Bốn bố con mỗi người một việc. Ông Immanuel giao cho hai cậu con lớn làm trợ lí quản lí nhà máy. Còn đối với Nobel, ông cho tiếp cận với công việc của ông hàng ngày để học tập.

Ông chỉ ra công dụng và hướng dẫn cụ thể cho Nobel về cách pha chế các loại chất nổ. Nói tỉ mỉ cho cậu nghe về con đường phát triển và khả năng ứng dụng của thứ vũ khí lợi hại này. Tất cả điều ông làm là mong muốn sau này Nobel sẽ là người kế tục sự nghiệp của ông.

Trong quá trình làm việc và hướng dẫn con, ông Immanuel phát hiện ra khả năng cảm thụ và sự nhanh nhạy tuyệt vời của Nobel. Nó càng khơi cho ông khát vọng cháy bỏng rằng con mình sẽ làm nên nghiệp lớn.

Ông nghĩ rằng nếu Nobel được đào tạo ở một môi trường kỹ thuật tiên tiến hơn, khả năng của cậu sẽ được phát triển một cách đầy đủ nhất.

Cái ý nghĩ muốn cho con đi học ở nước ngoài chợt hiện ra trong đầu ông. Nhưng đối với vợ ông, Nobel chính là vật báu, nếu bây giờ cho nó đi xa, cái tính cả lo của bà có chịu để yên hay không. Sau nhiều đêm nung nấu, ông quyết định nói với vợ ý định của mình.

Đã từ lâu, bà Karolina chỉ toàn tâm, toàn ý với công việc trong nhà. Sau khi sinh Emil rồi mang thai lần nữa không thành, sức khỏe của bà không còn được dẻo dai như trước. Nỗi mất mát của bà được bù đắp phần nào bằng việc cậu con trai thứ ba mà bà nhất mực yêu thương đã khỏe khoắn hẳn ra, đã say mê với ước mơ, hoài bão của tương lai.

Tình cảm bố con giữa cậu với ông Immanuel cũng đã được cải thiện rõ rệt. Tối nay, bà thấy chồng cứ đi đi lại lại, khác hẳn mọi ngày, xong bữa là ông lại ngồi bàn luận về công việc ở nhà máy với các con, bà Karolina sốt sắng hỏi:

- Mình có điều gì không ổn à?

Ông Immanuel cất giọng:

- Em hãy ngồi đây một lát. Công việc ở dưới đó đã có người giúp việc rồi. Bao lâu rồi mà em vẫn không quên được nếp sống cũ. Cứ tự làm khổ mình. […]

Trầm ngâm một lát, ông Immanuel cất giọng trịnh trọng như có việc gì quan trọng lắm:

- Anh muốn cho Nobel đi học ở phương Tây, em nghĩ thế nào?

Mười mấy năm về trước, ông cũng nói với bà bằng vẻ mặt trầm ngâm như hôm nay, rồi ông ra đi biền biệt mấy năm trời không có tin tức gì, có lúc ở nhà, bà đã nghĩ là ông không về nữa.

Nay nghe ông nói đến việc cho cậu con trai ốm yếu từ trước đến nay đi ra nước ngoài học, bà thật sự cảm thấy sợ hãi. Bà nói với ông đầy vẻ thảng thốt:

- Trời ơi! Mình nghĩ thế nào mà lại định cho Nobel đi học ở nước ngoài. Tuy nó đã khỏe mạnh hơn trước, điều đó chưa hẳn là nó đã chịu đựng được cuộc sống xa nhà, không có ai nương tựa. Em sợ…

Bà chưa kịp nói hết câu thì ông đã cắt lời:

- Nobel đã mười bảy tuổi rồi mà em cứ xem nó như mới lên ba, lên bốn thế ư? Phải để cho con va chạm với cuộc đời, rồi nó mới lớn lên được em à!

- Tại sao anh không để cho Robert hay Ludvig đi. Dù sao từ trước chúng cũng khỏe mạnh hơn Nobel, cho chúng đi, em cảm thấy đỡ lo lắng hơn - bà Karolina nói mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

- Anh biết là em đặc biệt quan tâm đến Nobel, nhưng không phải cứ giữ con ở bên cạnh mình là tốt cho nó. Hơn nữa, Nobel thông minh, lanh lợi thật sự.

Anh muốn cho con sang Mỹ học tập một thời gian, đồng thời để nó làm đại diện cho nhà máy chuyên mua sắm công cụ, nguyên liệu hiện đại từ nước ngoài.

Chỉ có Nobel mới đủ sự tin tưởng để anh giao phó công việc quan trọng này. Hơn nữa, con cũng thông thạo tiếng Anh nên ra nước ngoài sẽ dễ dàng hơn các anh nó. […]

- Thế anh đã nói chuyện này với Nobel chưa?

- Chưa, anh sợ em không đồng ý nên phải làm công tác tư tưởng trước, kẻo em lại bảo anh là độc đoán, gia trưởng.

Bà Karolina im lặng, nở một nụ cười trìu mến. Nụ cười của bà đã nói lên sự đồng ý của mình. Điều đó khiến ông Immanuel rất vui.

Trích dẫn từ cuốn Alfred Nobel và Bản di chúc bất hủ

 

Tags: