Bức thư ngoài 300 năm tuổi được đọc mà không cần mở niêm phong
Bức thư ngoài 300 năm tuổi được đọc mà không cần mở niêm phong
Thành công trong phương pháp mở thư "ảo" được xem là một bước đột phá trong việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử, khi bức thư chưa từng được mở từ năm 1697 được đọc lần đầu tiên bằng công nghệ tia X.

Trong thế giới mà công nghệ và kỹ thuật ngày càng được ưu tiên trong việc nghiên cứu những tài liệu lịch sử, một lá thư chưa mở được viết từ năm 1697 đã được các nhà nghiên cứu đọc mà không cần phá vỡ niêm phong. 

Bức thư, được gửi đi vào ngày 31 tháng 7 năm 1697 từ thương gia người Pháp Jacques Sennacques ở Lille cho người anh họ Pierre Le Pers ở The Hague, đã được đóng lại bằng cách sử dụng "khóa thư" (letterlocking), một phương pháp niêm thư cổ: bức thư được gấp lại để trở thành phong bì của chính nó nhằm giữ sự riêng tư. Đây là một phần nhỏ của bộ sưu tập khoảng 2.600 lá thư chưa từng đến tay người nhận được gửi từ khắp châu Âu đến The Hague từ năm 1689 đến 1706, với 600 lá trong số đó chưa bao giờ được mở ra. 

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ các trường đại học bao gồm MIT, King's College London, Queen Mary University London, Utrecht và Leiden đã làm việc với các bản quét vi mô bằng tia X của bức thư, sử dụng tia này để xem bên trong tài liệu theo từng lát một, từ đó tạo nên hình ảnh 3D. Các thuật toán làm phẳng cũng được áp dụng vào các bản quét, từ đó cho phép nhóm nghiên cứu "mở" bức thư mà không cần thực sự tách niêm phong của nó. Qua đó, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, trong lá thư, Sennacques đã yêu cầu từ anh họ của mình một bản sao có chứng thực cho một giấy báo tử của một người tên Daniel Le Pers.

Trình tự mở ra  của một bức thư được niêm phong. Ảnh: Nhóm nghiên cứu Unlocking History

Nhóm nghiên cứu mang tên Mở Khoá Lịch Sử, bao gồm các nhà sử học, nhà bảo tồn và nhà khoa học, đã công bố phát hiện của họ vào thứ Ba vừa qua (ngày 2 tháng Ba) trong một bài báo trên Nature Communications. Họ cho biết đây là lần đầu tiên một bức thư chưa mở từ Châu Âu thời Phục hưng được đọc khi niêm phong không bị phá dỡ, lá thư không bị hỏng, rách hay thay đổi theo bất kỳ hướng nào. Đây là một bước đột phá đối với việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử, bởi chỉ các nếp gấp, đường xếp và khe hở của tờ giấy cũng có thể cung cấp những bằng chứng có giá trị cho các nhà sử học và nhà bảo quản.

Bài báo công bố nghiên cứu, do Jana Dambrogio và Amanda Ghassaei cung cấp thông tin, cho biết: "Thuật toán này đưa chúng ta đi một đường thẳng vào những nội dung ẩn trong một bức thư đã khoá kín. Đôi khi quá khứ chống lại sự gỡ mở và đào sâu của chúng ta. Chúng tôi có thể chỉ cần đơn giản là xé mở những bức thư ấy ra, nhưng thay vào đó, chúng tôi dành thời gian để nghiên cứu chúng vì những giá trị tiềm ẩn, kỳ bí và khó tiếp cận của những lá thư ấy. Chúng tôi đã học được rằng, khi không được mở ra, các bức thư có thể hé lộ nhiều hơn rất nhiều. Sử dụng phép "mở thư ảo" để đọc một câu chuyện thân mật chưa từng được trải ra dưới ánh sáng buổi mai - và thậm chí chưa bao giờ đến được tay người nhận - thực sự là một điều phi thường."

Những lá thư chưa tới tay người nhận vào thế kỷ 17

Các bức thư dùng trong nghiên cứu đã được bảo quản bởi các trưởng bưu điện tại The Hague, Simon de Brienne và Marie Germain và được tặng cho bảo tàng bưu điện vào năm 1926. Vào thế kỷ 17 và 18, khi những bức thư không thể được chuyển đi, chúng được các nhân viên giữ lại, bởi người nhận, thay vì người gửi, đã chi trả cho quá trình vận chuyển chúng. Những bức thư chưa được gửi có thể một ngày sẽ mang lại giá trị gì đó, nếu có một ai đó đến nhận chúng.

Các bức thư trong bộ sưu tập Brienne, theo bình luận của các nhà nghiên cứu, "làm chứng cho sự mong manh của các đường dây liên lạc vào thời điểm châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và sự khác biệt tôn giáo", khi "mọi người di chuyển thường xuyên, đôi khi đột ngột và vội vã, không để lại địa chỉ chuyển tiếp, bởi không có hoặc không có quyền tiết lộ nó."

Các nhà nghiên cứu tin rằng tác động của thành công này sẽ không chỉ dừng lại ở bộ sưu tập Brienne, bởi hẵng còn rất nhiều bộ sưu tập trên khắp thế giới chứa các tài liệu chưa được mở.

Hơn 2.600 bức thư từ thế kỷ 17, trong đó có 600 lá thư chưa bao giờ được mở ra, tìm thấy trong một chiếc hòm da, được tặng cho một bảo tàng bưu điện ở La Hay vào năm 1926. Ảnh: Bảo tàng Voor Communicatie, La Hay

“Một ví dụ quan trọng là hàng trăm vật phẩm chưa được mở trong số 160.000 lá thư chưa được gửi trong Prize Papers, một kho lưu trữ các tài liệu bị người Anh tịch thu từ tàu địch giữa thế kỷ 17 và 19”, bài báo có tựa đề Mở khóa lịch sử thông qua tự động Giải nén ảo các tài liệu đã niêm phong được chụp bằng phương pháp chụp vi thể tia X cho biết. "Nếu chúng có thể được đọc mà không cần mở về mặt vật lý, sẽ có thêm nhiều dữ liệu hiếm có đã bị khoá có thể được lưu giữ."

Trạm Đọc / theo The Guardian

Tags: