Bận rộn: Cái cớ giết chết tư duy
Bận rộn: Cái cớ giết chết tư duy
Dường như ta đang ở trong một xã hội nghiện ngập đến mức sự bận rộn độc hại trở thành lẽ thường. Mọi người cứ cho là suy nghĩ và cảm xúc sẽ kìm hãm họ nhưng hoàn toàn ngược lại.

Một trong những lời phàn nàn được nghe thấy thường xuyên nhất trong xã hội hiện đại là về việc quá bận, quá nhiều trách nhiệm và quá mệt mỏi. Thử hỏi bất kỳ ai xem họ đang thế nào rồi, và câu trả lời phổ biến nhất sẽ là: bận sấp mặt, bận đến phát điên lên được. Chẳng còn ai chỉ “cũng bình thường” nữa.

Khi không bận điên đầu vì công việc, họ lại bận tập thể thao, bận giải trí hoặc bận đưa con đi học thêm ngoại ngữ. Hoặc họ bận chơi đá bóng, bận nghiên cứu gia phả nhà mình hay bận nướng bánh.

Và nếu còn lại một chút khoảnh khắc để suy nghĩ, cứ cho là lúc đứng đợi thanh toán hay tắc đường – thì lúc này chúng ta lại dán mắt vào màn hình điện thoại. Vì thế, tôi muốn nhắc đến một nghiên cứu được công bố cách đây không lâu trên tờ báo khoa học, nói về việc mọi người tránh đối mặt với những suy nghĩ từ nội tâm của chính mình. 

 

 

“Chúng tôi nhận thấy dường như chúng ta đang quá phụ thuộc vào công nghệ và mọi người thường bao biện cho việc bận rộn của mình bằng mọi giá”, Timothy Wilson, giáo sư tâm lý học tại đại học Virgina, đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, “Chưa từng có ai tiến hành nghiên một cứu đơn giản trong đó người tham gia có thời gian tách biệt để tự suy nghĩ.”

Kết quả nghiên cứu đã khiến ông ấy ngạc nhiên và tạo ra tranh cãi cộng đồng tâm lý học và thần kinh học. Trong 11 thí nghiệm với 700 người tham dự, phần lớn đều báo cáo rằng họ cảm thấy không thoải mái khi phải suy nghĩ một mình trong một căn phòng chỉ trong khoảng 6-15 phút.

 

 

 Hơn nữa, trong một thí nghiệm khác, 64% đàn ông và 15% phụ nữ bắt đầu tự chích điện khi họ phải suy nghĩ một mình. Chính những người này trước đó còn nói rằng họ thà bị mất tiền còn hơn bị chích điện.

Không quan trọng nếu những người này đang chú tâm vào làm việc tại nhà hay văn phòng, hay kể cả khi họ được gợi ý một chủ đề để nghĩ, họ vẫn không thích việc phải tự suy nghĩ một mình.

Lý do có thể là vì khi phải ở một mình, loài người có xu hướng tự vấn về những vấn đề trong đời. Chúng ta đã tiến hóa trở thành những người luôn phải giải quyết vấn đề và gán ý nghĩa cho mọi sự việc. Thứ săn đuổi tâm trí của chúng ta khi ngừng cập nhất Facebook hay quay cuồng với công việc – là những điều ta chưa tìm thấy lời giải: vấp váp trong tình yêu, thất bại trong sự nghiệp và cuộc sống, gánh nặng tài chính, vấn đề sức khỏe, vân vân. Cho đến khi có giải pháp, hoặc ít nhất được chấp nhận hay thấu hiểu, những suy nghĩ này cứ liên tục dội lại trong đầu ta. Và ta trở nên trầm ngâm, thậm chí đôi khi mất ngủ.

Một lý giải cho việc những người luôn bận rộn thà tự chích điện chứ không chịu nhàn rỗi đó là họ đang cố né tránh cảm xúc tiêu cực trên, Ethan Kross, giám đốc phòng nghiên cứu cảm xúc và tự chủ của Đại học Michigan cho rằng, “Nhàn nhã không hề dễ chịu nếu anh không thật sự biết cách nhìn nhận chính mình.”

Có một đoạn chia sẻ của diễn viên hài Louis C. K đã đạt 8 triệu lượt xem trên YouTube về cảm giác khó chịu này. “Đôi lúc mọi điều xung quanh như biến mất, bạn nhìn vào vô định, hay khi đang lái xe và bạn có cảm giác ôi thôi chết, tôi đang ở một mình, và nỗi buồn bắt đầu xuất hiện. Đó là lý do nhiều người vừa lái xe vừa nhắn tin. Người ta sẵn sàng chấp nhận nguy cơ hại chết người khác và chính bản thân họ chỉ vì không muốn ở một mình. Vì điều này thật khó khăn.”

 

 

Nhưng bạn không thể giải quyết hay thoát khỏi vấn đề nếu không cho bản thân thời gian nghĩ về nó. Đây là một nhiệm vụ đã bị nền văn hóa của chúng ta phớt lờ, nền văn hóa coi trọng hành động hơn tư duy và cho rằng câu trả lời nằm ở đôi bàn tay chứ không phải trong đầu.

Stephanie Brown, một nhà tâm lý học tại Sillicon Valley và tác giả của cuốn Speed: Facing Our Addiction to Fast and Faster — and Overcoming Our Fear of Slowing Down cho rằng: ”Dường như ta đang ở trong một xã hội nghiện ngập đến mức sự bận rộn độc hại trở thành lẽ thường. Mọi người cứ cho là suy nghĩ và cảm xúc sẽ kìm hãm họ nhưng hoàn toàn ngược lại.”

Trốn tránh cảm xúc tiêu cực chỉ khiến mớ cảm xúc này hung bạo hơn, xâm nhập vào suy nghĩ của ta, khiến mọi người càng thêm bận rộn trong việc tảng lờ chúng đi. Sức ép liên tục từ việc trốn tránh cảm xúc là nền tảng của hàng loạt vấn đề tâm lý, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), bất an, trầm cảm, hoảng loạn, chưa kể đến những chứng nghiện. Đây cũng là nhân tố liên quan đến nhiều bệnh như eczema, hội chứng ruột kích thích, viêm, suy giảm miễn dịch và nhức đầu.

 

 

Những nghiên cứu sâu hơn cho biết, việc không cho bản thân thời gian tự vấn sẽ làm suy yếu khả năng cảm thông với người khác. “Càng gần gũi với cảm xúc và trải nghiệm của chính mình, tôi càng có khả năng suy đoán cảm nhận của người khác chính xác hơn.” – Giancarlo Dimaggio, nhà tâm thần học tại Trung tâm liệu pháp giao tiếp siêu nhận thức tại Rome đã nghiên cứu sự tương tác của việc tự vấn và đồng cảm.

 

“Cảm nhận là một khả năng sẽ tiêu giảm nếu bạn không thực hành.”

 

Nghiên cứu cũng phát hiện một bộ óc nhàn rỗi sẽ có nhiều khả năng sáng tạo hơn. Một số nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng nghĩ ra nhiều công dụng sáng tạo hơn cho những đồ vật thông thường sau khi hoàn thành nhiệm vụ không bắt họ phải nghĩ quá nhiều, so với sau khi phải làm một công việc tốn não.

“Trạng thái nhàn rỗi tâm hồn khuyến khích óc sáng tạo và óc giải quyết vấn đề vì những vấn đề trong tưởng tượng không hề giống với thực tế.” – nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học York, Jonathan Smallwood tại Anh nhận xét. “Sử dụng trí tưởng tượng thật ra là việc bạn đang nhìn vấn đề theo cách khác.”

Trạm Đọc

Theo The NYTimes

 

Tags: