Bạn muốn trở thành nhà văn? Vậy đừng quan tâm đến kĩ thuật viết nữa!
Bạn muốn trở thành nhà văn? Vậy đừng quan tâm đến kĩ thuật viết nữa!
Đừng nghĩ rằng viết văn thì phải kĩ thuật thế này thế kia, hãy để Ryan Holiday tôi chỉ cho mà biết!
Ryan Holiday là nhà văn người Mỹ đã có hai cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam là Trộm lấy cơ may từ vận rủi và Tin tôi đi, tôi đang nói dối đấy. Ngoài ra, anh còn là chiến lược gia, cựu Giám đốc Truyền thông của công ty thời trang American Apparel và chủ mục kiêm tổng biên tập của tờ New York Observer. 

Theo quan sát của nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer có hai kiểu nhà văn: những người viết vì họ muốn nói ra điều gì đó và những người viết chỉ để viết.

Nếu bạn vẫn còn trẻ và bạn nghĩ bạn muốn trở thành một nhà văn, rất có thể là bạn thuộc nhóm thứ hai. Tất cả những lời khuyên bạn nhận được từ mọi người về việc viết chỉ càng thêm dầu vào lửa cho sự bốc đồng khủng khiếp này. Họ sẽ nói với bạn, hãy viết mọi lúc mọi nơi. Viết cho tờ báo trường bạn. Lấy chứng chỉ viết. Tham gia các nhóm tác giả. Viết thư cho các công ty quảng cáo.

Vậy có điều gì họ không bao giờ nói không? Hãy cùng khám phá.

Tôi thực sự may mắn khi hiểu được lời khuyên này. Kết hợp lời khuyên đó với sự thật là tôi tỉnh rụi nói với mọi người rằng tôi muốn trở thành một nhà văn, tôi đã trở thành một nhà văn trong âm thầm lặng lẽ. Không phải là tôi đang khoe rằng mình xuất sắc như thế nào, nhưng tôi đang là một tác giả ăn khách ở tuổi 26. Tôi là chủ mục một tờ báo lớn. Tôi kiếm sống bằng nghề viết.

Một số những người thích viết email tôi hỏi han làm thế nào để trở thành một nhà văn. Tôi thường đưa ra một câu trả lời trăm lần như một:

 

Muốn trở thành một “nhà văn” là sai lầm đầu tiên của bạn.

 

Vấn đề ở đây là cái danh “nhà văn”. Mặc dù xếp chữ là một hoạt động sáng tạo độc lập, nhưng thực tế thì không phải. Câu chữ là một phương tiện để ta đi đến đích. Đích đến đó thể hiện một điều gì đó, nói một vài sự thật hay tiếp cận ai đó.

Tĩnh tâm, và lấy ra một bài văn hay mà bạn thấy có ích với bạn. Tại sao nó lại hay? Vì nội dung nó truyền tải. Vì cách tác giả trò chuyện với những độc giả như bạn. Vì những gì nằm trong đó, như không phải là cách người viết viết ra.

Chẳng ai từng đọc một thứ gì đó và nói: “Ồ, tôi chả rút ra được cái gì và không biết nó nói về cái gì nhưng kĩ thuật viết thì kinh đấy!” Nhưng họ lại nói ngược lại, họ nói: “Mẹ ơi, hay thế” về những thứ đầy lỗi chính tả, ngữ pháp dở và cách hành văn đơn giản.

Kĩ thuật viết tốt cũng chả có nghĩa lý gì mấy. Mặt khác, một thông điệp sâu sắc, hấp dẫn và ấn tượng có thể mở đường cho một tác giả vật vã mãi mới có thể viết trọn một câu.

Vậy nên nếu bạn muốn trở thành một tác giả, cứ để kĩ thuật viết lại phía sau. Khi bạn tìm thấy thứ gì đó mới và khác biệt và bạn cảm thấy không thể không chia sẻ với cả thế giới ngay, bạn sẽ lụi cụi gõ bàn phím cho đến khi bạn diễn giải nó ra ở dạng này hay dạng khác.

Những điểm sáng trong văn tôi đến từ những sự kiện tôi trải nghiệm ngoài trường học. Ví dụ như một năm ngủ trên sàn nhà tác giả - diễn giả Tucker Max. Hay là làm trợ lý cho tác giả Robert Greene. Rồi thì làm việc ở công ty thời trang American Apparel, quan sát các chiêu trò và học cách hoàn thành mọi việc.  Nữa là tôi bỏ học hồi 19 tuổi. Chẳng hạn nữa là tôi nhận lời tham gia mọi cuộc họp và giới thiệu nào tôi biết, và hối hả đến tham gia. Hoặc là đọc một đống sách trong một tháng.

Tất cả đã trở thành giải pháp cho vấn đề. Tôi đã trải qua những cuộc thảo luận không dứt. Tôi kết bạn với những người giỏi hơn mình. Tôi đi du lịch. Tôi sống một thời gian ngắn tại khu của người da đen. Tôi có thể viết về mặt trái của truyền thông vì tôi đã đặt mình vào vị trí có thể quan sát tất cả.

Những thứ đó cho tôi tư liệu để nói. Chúng cho tôi một quan điểm, cho tôi một phong cách viết khiến cho mọi người đọc cái là biết ai viết và cho tôi những ý kiến có thể làm người khác phát điên hoặc phát ngán, đồng thời cũng cho tôi tiền và kinh nghiệm marketing để các dự án có thể đi đến thành công.

Tôi không biết muốn viết tốt thì phải làm gì đầu tiên (như các bạn có thể thấy trong bài này). Tôi gật đầu và giả vờ như là tôi biết “chủ ngữ”, “vị ngữ”, “câu bị động” thực sự mang ý nghĩa gì. Ý tôi là tôi nghĩ mình biết, nhưng điều đó không ghìm bước chân tôi. Xin trích lại một câu nữa của Schopenhauer:

 

Có gì đó để nói tự nó đã là điều kiện đủ để có một phong cách viết tốt.

 

Một phần những gì tôi đã nói là ý kiến cá nhân. Có nhiều cách khác để bạn có thể trở thành một nhà văn và dù cách của tôi có hiệu quả với tôi, nhưng bạn có thể đi theo một hướng khác hoàn toàn. Vì vậy bạn có thể nghe tôi hoặc là bỏ qua phần này. Nhưng có một phần khác nói lên sự thay đổi không thể phủ nhận của việc viết.

Trước đây, để được xuất bản một cuốn sách rất khó khăn. Bạn phải vượt qua vài cửa ải và người gác cửa sẽ là một nhân viên hay một biên tập viên của tạp chí, của một trang tin hay một nhà xuất bản. (Về cơ bản họ đều là những nhà văn đã được đào tạo).

Hiện nay, có vô số nơi có thể giúp bạn đăng tải tác phẩm của mình. Nhưng cho dù bạn bung bài ở chỗ nào, bạn cũng phải lôi kéo độc giả bằng mọi cách.

Được xuất bản thì dễ như bỡn nhưng được quan tâm? Ồ, lại là một nhiệm vụ khó nhằn khác.

Việc quan trọng nhất giờ là bạn cần nói những điều khác biệt, thế mới thú vị, thế mới kích thích độc giả phản hồi. Bạn chỉ có thể làm điều này nếu bạn có đủ vốn sống để viết. Tốt hơn hết, bạn cần tích lũy những gì bạn không thể không nói, hãy để những gì bạn viết ra là một điều bắt buộc phải thế chứ không phải là phương tiện để bạn thể hiện mình tài giỏi xuất sắc nhường nào.

Hãy nghĩ kĩ thêm lần nữa. Đó là những gì bạn muốn khi trở thành nhà văn? Hay bạn muốn nói ra những điều trong nội tâm mà bạn rất rất muốn chia sẻ cùng người khác và viết là cách tốt nhất để làm điều đó?

Ngày mà bạn trả lời được câu hỏi đó chính là ngày bạn trở thành một nhà văn.

Trạm Đọc

Theo Ryan Holiday

Tags: