Bạn có phải là một nghệ sĩ trong bóng tối?
Bạn có phải là một nghệ sĩ trong bóng tối?
Một trong những nhu cầu chủ yếu của chúng ta với tư cách là các sinh vật sáng tạo đó là được ủng hộ. Thật không may, điều này khó có được. Lý tưởng mà nói, sự nuôi dưỡng và khích lệ mà chúng ta nhận được từ gia đình, bạn bè, giáo viên và những người ủng hộ sẽ ngày càng mở rộng. Là những nghệ sĩ trẻ, chúng ta cần và muốn được công nhận cho những cố gắng, nỗ lực cũng như thành tựu và chiến thắng của chúng ta. Thật không may, nhiều nghệ sĩ chưa bao giờ nhận được sự khích lệ vô cùng quan rất trọng n
The Artist's Way: Đánh Thức Bản Ngã Nghệ Sĩ
(24 lượt)

Các bậc cha mẹ hiếm khi đáp “Thử xem thế nào” với những khao khát nghệ thuật của con cái. Họ thường có xu hướng đưa ra những lời khuyên thận trọng, trong khi sự ủng hộ có thể đi thẳng vào vấn đề hơn. Sự dè dặt của cha mẹ cộng thêm với nỗi sợ của bản thân thường khiến các nghệ sĩ trẻ buộc phải từ bỏ giấc mơ cháy bỏng của mình, bước vào cái thế giới chạng vạng của những tiếc nuối. Ở đó, mắc kẹt giữa khao khát hành động và nỗ sợ bị thất bại, các nghệ sĩ bóng tối ra đời.

Ở đây tôi đang nghĩ đến Edwin, một thương gia triệu phú khốn khổ, với niềm vui sống đến từ thú sưu tầm nghệ thuật. Với năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật thị giác, từ nhỏ anh ta đã bị hướng theo ngành tài chính. Cha anh ta đã mua một ghế ở thị trường chứng khoán dành tặng con trai nhân dịp sinh nhật lần thứ 20. Anh ta trở thành thương gia từ đó. Bây giờ khi ở độ tuổi 30, anh ta rất giàu và cũng rất nghèo. Tiền không thể mua về cho anh ta niềm hạnh phúc vì được sáng tạo.

Khi xung quanh là những nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật, anh ta giống như đứa trẻ dán mũi vào cửa kính của cửa hàng kẹo. Anh ta muốn sáng tạo hơn nhưng lại tin rằng đó là đặc quyền của người khác, anh ta chẳng thể khao khát cái gì cho riêng mình. Là một người hào phóng, gần đây anh ta đã tặng một họa sĩ một năm chi phí sinh hoạt để cô ta có thể theo đuổi giấc mơ của mình. Được dạy dỗ để tin rằng khái niệm “nghệ sĩ” không phải dành cho mình, nên anh ta không thể tặng món quà đó cho chính mình.

Edwin không phải là trường hợp ngoại lệ. Có rất nhiều đứa trẻ mang trong mình khao khát nghệ thuật nhưng lại bị phớt lờ hoặc đè nén. Các bậc cha mẹ cố gắng nuôi dưỡng một cái tôi khác, lý trí hơn cho con mình. “Đừng có mơ hão nữa!”, “Con sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu đầu óc cứ treo ngược cành cây như thế” là những lời cảnh báo thường được nghe nhiều nhất.

 

Những đứa trẻ nghệ sĩ thường bị ép suy nghĩ và hành xử như thể bác sĩ hay luật sư nhí. Rất hiếm gia đình chủ động bảo con mình thử sức trong nghệ thuật. Thay vào đó, nếu có được khuyến khích đi chăng nữa, bọn trẻ cũng được khuyên là nên nghĩ về nghệ thuật như một sở thích, một thú tiêu khiển sáng tạo bám vào bên lề cuộc sống thực.

Với nhiều gia đình, sự nghiệp nghệ thuật tồn tại bên ngoài thực tế xã hội và kinh tế của họ: “Nghệ thuật sẽ không trả được hóa đơn tiền điện.” Kết quả là nếu con họ được khuyến khích coi nghệ thuật là một nghề thì nó phải nhìn nhận nó “một cách lý trí”.

Erin, một chuyên gia tâm lý cho trẻ tài năng, khoảng 35 tuổi trước khi bắt đầu trải qua một sự bất mãn ám ảnh trong công việc. Không biết phải đi hướng nào, cô bắt đầu chuyển thể sách thiếu nhi cho phim truyện. Trước khi trở thành chuyên gia tâm lý, cô từng là một sinh viên nghệ thuật tài năng. Trong hai thập kỷ, cô đã kìm nén khao khát sáng tạo của mình, dồn hết khả năng sáng tạo vào việc giúp đỡ người khác. Giờ đây, khi gần 40ntuổi, cô lại khao khát được giúp đỡ chính mình.

Câu chuyện của Erin thực sự rất phổ biến. Những người nghệ sĩ non nớt có thể được khuyến khích làm giáo viên nghệ thuật hoặc làm đồ thủ công với người tàn tật. Các nhà văn trẻ có thể bị ép làm luật sư hoặc đi học y vì họ rất thông minh. Và vì thế, một đứa trẻ có năng khiếu viết truyện có thể bị biến thành một chuyên gia tâm lý tài năng, người chỉ được nghe các câu chuyện một cách gián tiếp.

Quá sợ để trở thành nghệ sĩ, thường đánh giá quá thấp giá trị bản thân dẫn đến không nhận ra rằng mình có một giấc mơ nghệ thuật nên những người này dần trở thành nghệ sĩ trong bóng tối. Tuy là nghệ sĩ song lại không hiểu biết gì về bản sắc đích thực của mình, những nghệ sĩ bóng tối phải bám theo những nghệ sĩ công khai. Không thể nhận ra rằng bản thân họ cũng có thể sở hữu khả năng sáng tạo mà những người kia rất ngưỡng mộ, họ thường hẹn hò hoặc kết hôn với những người tích cực theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật mà họ bí mật khát khao. 

Khi vẫn còn là một nghệ sĩ bế tắc, Jerry bắt đầu hẹn hò với Lisa, một nghệ sĩ tự do tài năng song khánh kiệt. “Anh là người hâm mộ lớn nhất của em”, anh thường nói với Lisa. Điều anh không nói với cô đó là bản thân anh mơ ước trở thành nhà làm phim. Trên thực tế, Jerry có cả một thư viện sách điện ảnh và đọc ngấu nghiến các tạp chí chuyên ngành điện ảnh. Nhưng anh sợ hành động để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Thay vào đó, anh dành hết thời gian và sự chú ý cho Lisa và sự nghiệp nghệ thuật của cô. Dưới sự hướng dẫn của

anh, sự nghiệp của Lisa dần thăng hoa. Cô thoát khỏi nợ nần và ngày càng nổi tiếng. Trong khi đó, Jerry vẫn không biết làm cách nào để giúp mình. Khi Lisa gợi ý anh tham gia một khóa học làm phim, anh nói với Lisa và với chính anh nữa: “Không phải ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ.”

Nghệ sĩ bóng tối yêu những nghệ sĩ khác. Nghệ sĩ bóng tối đi về phía giới nghề của họ, nhưng vẫn chưa thể tuyên bố những quyền cơ bản của họ. Thường thì sự can đảm (chứ không phải tài năng) sẽ biến một người trở thành nghệ sĩ còn người khác trở thành một nghệ sĩ bóng tối – họ trốn trong bóng tối, không dám bước ra ngoài để mang giấc mơ ra ánh sáng, sợ rằng giấc mơ sẽ tan biến khi ánh sáng chạm vào.

Nghệ sĩ bóng tối thường chọn giấu sự nghiệp trong bóng tối, ở một vị trí gần với môn nghệ thuật mà họ ao ước, thậm chí song song với nó, nhưng không phải loại hình nghệ thuật đó. Khi để ý đến sự độc địa của các Nhà phê bình, François Truffaut cho rằng họ là những đạo diễn bị bế tắc, giống như ông thời còn là Nhà phê bình. Có thể ông đúng. Những người muốn trở thành nhà văn thường làm nghề báo hoặc quảng cáo, nơi họ có thể sử dụng tài năng của mình mà không cần phải dấn thân vào sự nghiệp viết lách mà họ mơ ước. Những người muốn trở thành nghệ sĩ có thể trở thành người quản lý cho các nghệ sĩ và lấy việc phụng sự giấc mơ của họ làm niềm vui thứ yếu.

Carolyn là một nhiếp ảnh gia tài ba, có một sự nghiệp thành công nhưng không hạnh phúc trên cương vị người đại diện nhiếp ảnh. Jean, người khao khát viết kịch bản phim truyện nhưng phải viết nội dung cho các đoạn quảng cáo 30 giây. Kelly, người muốn trở thành nhà văn nhưng sợ phải làm công việc sáng tạo một cách nghiêm túc, cô hái ra tiền khi làm đại diện cho những người sáng tạo “thực sự”. Là những người nghệ sĩ bóng tối, họ cần phải đặt bản thân và những giấc mơ của mình lên chính giữa sân khấu. Họ biết điều này nhưng lại không dám. Họ đã tự đặt mình trong vị trí của người nghệ sĩ bóng tối và cần phải làm việc có chủ ý để bước ra khỏi vị trí đó. 

Cần phải có một cái tôi rất mạnh mẽ để nói với một người cha hoặc một người mẹ có ý tốt nhưng thích kiểm soát rằng: “Đợi một chút! Con cũng là nghệ sĩ!” Câu trả lời đáng sợ có thể lạ: “Làm sao con biết?” Và tất nhiên, người nghệ sĩ non trẻ không biết. Họ chỉ có giấc mơ này, cảm giác này, sự thúc giục này và nỗi khát khao này. Hiếm khi có bằng chứng thực sự, nhưng giấc mơ thì sống mãi.

Theo kinh nghiệm của tôi, nghệ sĩ bóng tối thường phán xét, dằn vặt bản thân hàng năm trời vì đã không làm gì để hiện thực hóa ước mơ của mình. Sự tàn bạo này chỉ càng củng cố thêm vị trí nghệ sĩ bóng tối trong họ. Nên nhớ, chúng ta cần phải được nuôi dưỡng mới trở thành nghệ sĩ. Các nghệ sĩ bóng tối không được nuôi dưỡng đầy đủ. Họ trách cứ bản thân vì đã không đủ can đảm để hành động.

Trong một phiên bản méo mó của định luận Darwin, chúng ta tự nhủ những người nghệ sĩ đích thực có thể sống sót trong những môi trường khắc nghiệt nhất và có thể tìm thấy khao khát đích thực. Thật ngớ ngẩn. Nhiều nghệ sĩ thực thụ sinh con đẻ cái quá sớm, quá nghèo hoặc có quá ít cơ hội về mặt văn hóa hoặc tiền bạc để trở thành người nghệ sĩ như đúng con người họ. Những người nghệ sĩ này nghe thấy tiếng gọi từ xa của giấc mơ nhưng không thể tìm đường qua ma trận văn hóa, tiền tài để tìm thấy nó.

Với những người nghệ sĩ bóng tối, cuộc sống có thể là một trải nghiệm bất mãn, họ bị nhấn chìm trong cảm giác không đạt được mục đích và không thực hiện được lời hứa. Họ muốn viết. Họ muốn vẽ. Họ muốn đóng phim, viết nhạc, múa... nhưng họ sợ phải nghiêm túc với chính mình.

Để đi từ lãnh địa của bóng tối ra ánh sáng của sự sáng tạo, người nghệ sĩ bóng tối phải học cách nghiêm túc với chính mình. Với những nỗ lực nhẹ nhàng và có chủ ý, họ phải nuôi dưỡng đứa trẻ nghệ sĩ trong họ. Sáng tạo là chơi đùa, nhưng với những người nghệ sĩ bóng tối, học cách cho phép mình chơi đùa thực sự là một công việc khó khăn.

- Trích dẫn từ cuốn sách "The Artist's Way: Đánh thức bản ngã nghệ sĩ" - 

Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: