Người Châu Á Có Biết Tư Duy? - Lời cảnh báo về tính tự phụ ở phương Tây
Người Châu Á Có Biết Tư Duy? - Lời cảnh báo về tính tự phụ ở phương Tây
Thế giới càng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về việc chúng ta sắp bước vào kỷ nguyên lịch sử mới khi các xã hội châu Á khôi phục vũ đài trung tâm mà họ đã chiếm giữ hàng thiên niên kỷ. Điều này diễn ra lúc này là vì tư duy của người châu Á đã thức tỉnh trở lại. Và họ đang đặt ra nhiều câu hỏi mới.
Người Châu Á Có Biết Tư Duy?
(28 lượt)
Tựa sách có vẻ như đang khiêu khích phương Đông này, thực chất lại là lời chỉ dẫn cho cho chúng ta giải quyết câu hỏi về tương lai của mình, đồng thời là lời cảnh báo về tính tự phụ ở phương Tây.

Không phải từ góc nhìn của Phương Tây

Trước tiên, để hiểu được tiêu đề này ta phải nói đến thời điểm xuất bản của cuốn sách là vào năm 1998. Trong những năm của thập niên 90 đó, phương Tây vẫn được xem là nhà kho chứa những tài sản lớn nhất và những thành tựu của văn minh nhân loại. Còn phương Đông (ngoại trừ Nhật Bản) đều đang khá chật vật để bắt kịp phương Tây, mà theo cách họ nói, là vẫn “thụt lùi hàng nghìn năm so với châu Âu”.

Trong bối cảnh như vậy, thật bất ngờ khi giáo sư Kishore Mahbubani - một nhà ngoại giao Singapore, đã nói lên những suy nghĩ có vẻ dị thường của mình: “Thế giới càng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về việc chúng ta sắp bước vào kỷ nguyên lịch sử mới khi các xã hội châu Á khôi phục vũ đài trung tâm mà họ đã chiếm giữ hàng thiên niên kỷ. Điều này diễn ra lúc này là vì tư duy của người châu Á đã thức tỉnh trở lại. Và họ đang đặt ra nhiều câu hỏi mới.

Tác giả Kishore Mahbubani (Ảnh: Wang Zhuangfei/China Daily)

Như vậy, “Người châu Á có biết tư duy?” không phải là một thái độ khinh khỉnh từ những người châu Âu nhìn về châu Á, mà đó là câu hỏi của chính người châu Á trong cuộc tìm kiếm một lối đi cho riêng mình, thay vì phải sao chép rập khuôn theo nền văn minh phương Tây.

Tiêu đề được lựa chọn cho tuyển tập bài viết – “Người châu Á Có biết tư duy?” – không phải được lựa chọn ngẫu nhiên. Nó đại diện cho hai câu hỏi quan trọng được gộp chung vào một. Với những người châu Á như Mahbubani, câu hỏi đầu tiên là “Bạn có biết tư duy? Nếu Có, tại sao xã hội châu Á lại thua thiệt hàng nghìn năm và thụt lùi so với xã hội châu Âu đã tiến xa từ bước ngoặt thiên niên kỷ trước?” Đây là câu hỏi khó mà phần đầu của cuốn sách cố tìm cách trả lời. Và xin nói trước, đó là một câu trả lời vừa khôn khéo vừa dứt khoát từ tác giả, thẳng thắn như cách ông đã đặt tiêu đề.

>> Phương Tây vượt trội hơn phương Đông là do người châu Âu hiện đại kế thừa được nguồn gen thượng đẳng?

Câu hỏi thứ hai, chủ yếu dành cho những học giả phương Tây, rằng “Người châu Á có biết nghĩ cho bản thân họ không?” Làm sao để tư duy của người phương Tây không còn là tư duy một chiều từ Tây sang Đông? Có lẽ nhiều học giả phương Tây vẫn tin rằng tâm trí và văn hóa của họ rộng mở, tự phê bình. Trái ngược với tư duy thâm căn cố đế của người châu Á, họ cho rằng mình không có “con bò thần”, tức không có thành trì nào gọi là bất khả xâm phạm. Nhưng Mahbubani tin rằng “con bò thần” cũng tồn tại trong tư duy phương Tây. Đặc biệt là trong suốt giai đoạn hân hoan chiến thắng của người phương Tây sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tinh thần tự phụ đã bao trùm toàn bộ giới trí thức phương Tây.

Theo Mahbubani, nhiều giá trị phương Tây có thể giải thích cho tiến bộ phi thường của loài người: niềm tin vào tìm tòi khoa học, nghiên cứu ra các giải pháp có lý, và tinh thần sẵn sàng thách thức các giả thuyết. Nhưng niềm tin về một xã hội hoàn toàn tiến bộ có thể dẫn đến một sự mù quáng có một không hai: không nhận ra được rằng một số giá trị đi kèm bộ giá trị này có thể gây hại. Giá trị phương Tây về cơ bản cũng có điều hay, có điều dở. Nhưng người ta phải đứng ngoài thế giới phương Tây mới nhận ra và nhìn thấy phương Tây đã tự chuốc lấy những suy thoái khá nghiêm trọng cho mình như thế nào.

Độc giả thận trọng sẽ phát hiện ra là, tập bài luận này không dựa trên thế giới quan phương Tây vẫn phổ biến trên toàn cầu khi đó. Ngay từ đầu, Mahbubani đã khẳng định: “Cái tự cao tự đại lớn nhất trong đầu nhiều học giả phương Tây chính là việc họ tin rằng khi các xã hội khác hiện đại hóa, họ sẽ trở thành nhân bản của phương Tây, cả về tri thức và đạo đức. Rõ ràng là điều này sẽ không xảy ra.”

Những dự đoán về châu á và thế kỷ 21

Dù một số nội dung của những bài viết này (đặc biệt là số liệu thống kê) có vẻ hơi lạc hậu, nhưng về mặt lập luận vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí là hơn nếu chúng ta đối chiếu với thực tế và biết được nhiều dự đoán của Mahbubani đã và đang diễn ra. 

Cuốn sách được Omega+ xuất bản ở Việt Nam (Ảnh: Thanh Trần)

Thực chất khi đặt ra câu hỏi này, ông không hướng tới tương lai gần mà là cả một thế kỷ và thiên niên kỷ tiếp theo - một thiên niên kỷ sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của châu Á. “Việc văn minh châu Á đạt đến mức độ phát triển ngang bằng với văn minh phương Tây chỉ là vấn đề thời gian, nghĩa là chắc chắn khi nào, chứ không phải là nếu.” 

Vào thời điểm Mahbubani khơi ra câu hỏi về tư duy của châu Á trong Hội thảo Quốc tế về Tư duy năm 1997, ông đã nhận lại sự thất vọng vì chủ đề này chưa tạo được cuộc tranh luận giữa những người châu Á. Nhưng ông biết một khi các xã hội châu Á bắt đầu phát triển thành công trở lại, những cuộc tranh luận mới sẽ nổi lên giữa Đông và Tây. Khi cuộc tranh luận này bắt đầu, người sẽ nhìn lại cuộc tranh luận về các giá trị châu Á của những năm 1990 và xem nó như là khởi đầu của cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ. Chúng ta chưa biết chắc là khi nào, nhưng ít nhất thì sau 23 năm xuất bản, cuốn sách này vẫn được chào đón nồng nhiệt trên khắp thế giới, và có lẽ nó sẽ còn chứng minh giá trị tư tưởng của mình qua những biến động của thế giới trong thế kỷ 21.

 

“Việc văn minh châu Á đạt đến mức độ phát triển ngang bằng với văn minh phương Tây chỉ là vấn đề thời gian, nghĩa là chắc chắn khi nào, chứ không phải là nếu.”

 

Chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu các quốc gia châu Á có thể bước vào thế giới hiện đại với tư cách xã hội châu Á chứ không phải bản sao của xã hội phương Tây hay không. Vào thời đại của Mahbubani thì còn quá sớm để đưa rõ nhận định về việc này. Hiện tại có lẽ chúng ta đã có nhiều manh mối hơn sau khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc, Ấn Độ và sắp tới có thể là từ khu vực Đông Nam Á. Nhưng Mahbubani cũng cảnh báo: “Đừng nghĩ rằng bạn đã về đích. Nhìn lại có thể thấy, tiến bộ kinh tế nhanh chóng mà một số xã hội Đông Á đạt được chỉ mới là phần dễ. Thay thế chiều cạnh xã hội, chính trị và triết lý của xã hội mới là phần thử thách khó hơn.” Thử thách này đã xuất hiện, dù không phải ai cũng nhận ra.

Rõ ràng, thế kỷ 21 và cả thiên niên kỷ này sẽ rất thách thức đối với các xã hội châu Á. Trong gần 500 năm qua, chúng ta đã tụt sau xã hội châu Âu trên nhiều phương diện. Chúng ta khao khát muốn bắt kịp, và nếu làm được thế thì chúng ta sẽ có câu trả lời thực sự cho câu hỏi “Người châu Á có biết tư duy”. Thế nên, chỉ chúng ta mới trả lời được câu hỏi này. Không ai khác có thể. 

Tất nhiên, trong quá trình này chúng ta vẫn cần học hỏi rất nhiều từ phương Tây, không chỉ ở “phần cứng” của khoa học - công nghệ mà còn ở “phần mềm” của các xã hội phương Tây. Việc đúc rút bài học đúng đắn ngày càng trở nên quan trọng bởi tốc độ thay đổi đang tăng nhanh. Những xã hội có lợi thế cạnh tranh hợp lý sẽ nhảy về phía trước với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn nữa. Những bài học này, và gợi ý nên học như thế nào cũng được nhắc đến nhiều trong cuốn sách này với tinh thần: “Để chuẩn bị cho thế giới mới, chúng ta buộc phải loại bỏ kiến thức xưa, đập bỏ các mô hình tư duy thông thường và bắt đầu suy nghĩ theo hành lang tinh thần mới.

Có lẽ thế kỷ 21 thực sự bắt đầu vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, báo động cho một thế kỷ với nhiều mối lo toàn cầu. Toàn cầu hóa đưa tất cả chúng ta lên chung một con tàu, nhưng cơ cấu quản trị hiện hành lại chỉ giúp chúng ta chăm sóc khoang riêng của mình trên con tàu đó - điều mà chúng ta có thể kiểm chứng qua cách các quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Sau cùng, một trong những tư tưởng tiến bộ của Mahbubani mà độc giả sẽ bắt gặp trong cuốn sách, đó là khi châu Á trở mình, lịch sử của “sự va chạm giữa các nền văn minh” sẽ không tái diễn, mà thay vào đó sẽ là sự hợp nhất giữa các nền văn minh phương Đông và phương Tây để cùng nhau giải quyết những vấn đề trong khu vực và toàn cầu. 

VỀ TÁC GIẢ

Tác giả Kishore Mahbubani là một nhà ngoại giao, học giả uy tín người Singapore gốc Ấn. Với cơ hội di chuyển giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, từ những trải nghiệm bản thân, ông nảy sinh những mối quan tâm về châu Á của quá khứ, đương thời, và viễn cảnh châu Á trong thiên niên kỷ mới.

Mahbubani nghiên cứu triết học và lịch sử, đã để lại dấu ấn trong vai trò tri thức công chúng toàn cầu. Năm 2005, ông được tờ Foreign Policy và Prospect đưa vào danh sách 100 trí thức của công chúng trên thế giới.


Thanh Trần

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Thiếu linh hoạt, người trẻ sẽ cô đơn

Lòng kiêu hãnh như là vẻ đẹp của nhân cách sống

 

Hai trong một - Bước chậm lại giữa dòng đời vội vã

Tags: