99% những thứ bạn nghĩ trong đầu là vô nghĩa: Làm thế nào để làm chủ tư duy?
99% những thứ bạn nghĩ trong đầu là vô nghĩa: Làm thế nào để làm chủ tư duy?
Bạn đã sử dụng sai bộ não mình như thế nào?
Tư duy như một kẻ lập dị
(48 lượt)

Tôi biết vài điều về bạn mà không cần phải biết bạn là ai. Tôi cá là bạn đã dành RẤT NHIỀU thời gian cho những thứ ở trong đầu.

Đó là suy nghĩ, lo lắng, áp lực, hoảng sợ hay bạn muốn gọi nó là gì cũng được. Nhưng tôi gọi nó là một tâm trí vướng bận. Và điều đó có nghĩa là gì?

99% suy nghĩ trong đầu bạn là vô nghĩa. Như William James đã khẳng định: 

Rất nhiều người nghĩ rằng họ đang suy nghĩ trong khi họ chỉ đơn thuần là sắp xếp lại những định kiến của chính mình.

Suốt cả cuộc đời, tôi đã ám ảnh với những thứ gọi là thực dụng. Triết học thực dụng, kiến thức thực dụng, sách hướng dẫn thực dụng, công việc thực dụng và lời khuyên thực dụng.

Chủ nghĩa thực dụng, một chủ nghĩa triết học bắt nguồn từ thế kỷ 19 tại Mỹ là khởi đầu những thứ trên. Giáo sư đại học Harvard, Charles Sanders Peirce, được coi là cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng.

Nhưng chính William James, một người học vật lý trở thành nhà triết gia, mới thực sự là người định nghĩa triết học là gì.

Vũ khí lợi hại nhất chống lại stress chính là khả năng chọn rằng mình sẽ nghĩ cái này hơn là nghĩ cái khác. 

Chủ nghĩa thực dụng tin rằng tâm trí chính là một công cụ. Tâm trí bạn nên hoạt động để giúp bạn chứ không phải chống lại bạn. Còn những người mà không trân trọng tâm trí mình thì không tin vào điều đó.

Họ nói rằng: “Tôi không thể ngừng nghĩ về những điều đó.”

Chà, bạn hoàn toàn có thể nếu như thực hành đủ nhiều. Nó là một kỹ năng.

Nói cách khác:

 

Bạn có khả năng quyết định điều bạn nghĩ. Hay bạn có thể chọn KHÔNG nghĩ.

 

Và đây là một trong những điều quan trọng và thực tế nhất mà bạn có thể học được trong đời. Trước khi tôi học được kỹ năng đó, tôi đã dành không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ ở trong đầu mình.

Thử nghĩ xem bạn đã nghĩ nhiều như thế nào:

  • "Không biết sếp đang nghĩ gì nhỉ?"
  • "Nếu mình xoắn hết lên và bỏ việc thì sao?"
  • "Cô ấy có yêu mình không?"
  • "Mình nghĩ anh ấy chẳng quan tâm đến mình."
  • "Mình là kẻ thua cuộc."
  • "Sao đời mình khốn nạn thế?"
  • "Sao đời mình tuyệt cú mèo thế mà đời người ta chán-như-con-gián?"
  • "Lỡ mình bị ung thư thì sao?"
  • "Mình đếch thèm quan tâm đến công việc. Thế là mình bị làm sao đây?"
  • "Mình chẳng thể làm xong được việc gì. Mình bị sao thế này?"

Và danh sách này cứ tiếp tục dài thêm. Và tất cả chúng thì đều thật VỚ VẨN. Đó là những thứ nhảm nhí mà người ta cứ nói với tôi mỗi khi tôi hỏi họ đang lo lắng về điều gì.

Bạn biết những suy nghĩ đó làm ảnh hưởng đến bạn thế nào không? Tội lỗi, tức giận, khốn khổ.

 

Tôi có một câu hỏi dành cho bạn: Những suy nghĩ của bạn có ý nghĩa thực tế nào không?

 

Nào, tôi vẫn đang đợi đây. Vẫn không có câu trả lời à? Đúng rồi đấy.

Những suy nghĩ này chẳng có ích gì cả. Đến 99% số ấy là như vậy.

Thế suy nghĩ nào thì có ích?

  1. Nghĩ về cách làm thế nào có thể giải quyết vấn đề. Một vấn đề chỉ đơn giản là một câu hỏi chưa được trả lời. Hãy thúc não bạn suy nghĩ về cách giải quyết chúng ấy. Có đầy những vấn đề như thế trên trái đất này.
  2. Hiểu về những kiến thức xung quanh. Điều này có nghĩa là: Cố gắng tiếp thu kiến thức và nghĩ cách sử dụng những kiến thức ấy vào việc cải thiện đời sống, sự nghiệp, công việc, các mối quan hệ, hay nhiều thứ khác.

Đấy. Giờ thì bạn có thể lờ những suy nghĩ khác đi.

Còn nếu bạn cứ nghĩ mãi rằng bạn vẫn chưa luyện tập tâm trí mình cho những ý nghĩ có ích. Vậy thì bạn PHẢI ra khỏi đầu mình ngay .

Nếu không thì đến bác sĩ tâm lý đi. Người ta ai mà chẳng thế. Chẳng có ngoại lệ nào.

Có thể bạn vẫn còn nghĩ quá nhiều rằng đời bạn nhạt như nước ốc. Thế bạn có thèm để ý tới ánh nắng mặt trời mỗi sáng khi bạn thức dậy không? Hay tiếng mưa rơi? Hay có để ý mùi cà phê thơm phức? Bạn có cảm thấy vị ngũ cốc trong miệng không?

Nếu câu trả lời là KHÔNG thì nhất định bạn cần thoát ra khỏi đầu mình ngay. Ngừng nghĩ đi và hãy bắt đầu cảm nhận.

 

Giờ thì bạn có thể nghĩ: “Làm thế nào để tôi rèn luyện bản thân không nghĩ những ý nghĩ vô ích?”

 

Nhận thức.

Đó là nơi nó bắt đầu. Mỗi khi bạn bắt đầu bị cuốn đi bởi cơn lũ suy nghĩ, thì hãy nhận thức nó. Chỉ cần quan sát bộ não của bạn. Đứng dẹp sang một bên và chỉ quan sát một đống nhảm nhí vừa đi qua đầu bạn.

Đừng đánh giá chúng. Đừng nghĩ bạn ngu ngốc. Nếu bạn thực sự cho là thế thì hãy nghĩ lại đi.

Không, điều mà bạn muốn nói với bản thân mình là: “À, thật là một suy nghĩ đáng yêu. Nào quay lại thực tế thôi.”

“Nếu bạn có thể thay đổi tâm trí mình thì bạn cũng có thể thay đổi cuộc đời mình.”

- William James.

Thế giờ bạn đã quay lại thực tại chưa? Bạn có cảm thấy mắt mình đang dõi theo những con chữ trên màn hình? Bạn có thấy điện thoại trên tay? Hay bạn đang nghĩ về việc làm thế nào nạp hết thứ thông tin kia vào cuộc đời mình?

Tuyệt cú mèo. Bạn đang SỬ DỤNG tâm trí mình đấy, mà chẳng cần vòng vo theo bất kỳ cách nào khác. Và cứ tiếp tục dùng bộ não ấy đi.

Bởi vì tôi sẽ nói cho bạn điều này: Đây chính là công cụ quyền năng nhất trên thế giới đấy.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Darius Foroux