7 biểu tượng trong những câu chuyện lạ kỳ của Robin Sharma
7 biểu tượng trong những câu chuyện lạ kỳ của Robin Sharma
"Con người chỉ thực sự sống khi nghĩ về chiều sâu của biểu tượng cũng như nghĩ về giá trị cuộc đời mình và những điều đẹp đẽ nhất". Trạm Đọc xin giới thiệu bài viết chia sẻ về hai quyển sách Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari và Thuật lãnh đạo từ vị tu sĩ bán chiếc Ferrari của tác giả Robin Sharma.

Tôi xem cuốn sách này là một bộ phim.

Tính biểu tượng luôn được xem như đền thờ của ngôn ngữ điện ảnh. Những biểu tượng xuất hiện, chuyển hóa, biến mất luôn song hành với tuyến tính của phim để tạo ra chiều thứ tư cho điện ảnh: những ẩn dụ về sự nhân văn, giá trị cuộc đời.

Mùa Oscar năm 2018, ở cả hai bộ phim đình đám Three billboards outside ebbing Missouri và Phantom Thread đều có sự đan cài chặt chẽ những biểu tượng (symbol) trong từng cao trào của phim. Có thể hiểu nôm na, nếu diễn xuất, góc quay… được xem là ngôn ngữ phẳng, trực diện thì tính biểu tượng là “Đại ngôn”, mà bằng sự suy nghiệm chặt chẽ, khán giả mới nắm bắt được.

Tính biểu tượng không phải là vật thiêng của riêng điện ảnh mà còn hiện diện trong tôn giáo với các biểu tượng trái cấm, con rắn, đài sen… hoặc trong các tổ chức hội kín như con mắt của Hội Tam Điểm hay bộ áo choàng trắng của tổ chức Ku Klux Klan. Tuy nhiên, chính điện ảnh mới làm nên bản chất thực sự của một biểu tượng: kín kẽ, thoắt ẩn thoắt hiện, sự phát triển – tan vỡ của biểu tượng phụ thuộc vào quá trình thay đổi của con người.

Giống như những lời thì thầm của thành viên các hội kín rằng ai nắm được ý nghĩa của biểu tượng sẽ là thành viên của hội và được tiếp cận những thuật huyền bí chỉ trao truyền nội bộ, tôi cho rằng việc thẩm thấu biểu tượng của một bộ phim có thể giúp người xem được quyện vào cái tinh thần của tác phẩm ở mức cao nhất.

Mặc cho tầm quan trọng của các biểu tượng, không nhiều bộ phim có thể xây dựng được một kết cấu dung hòa giữa biểu tượng và diễn tiến phim mà thay vào đó họ đơn giản hóa nó bằng việc lôi kéo khán giả đi theo cảm xúc nhân vật. Vậy nên, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp tính biểu tượng được xây dựng chặt chẽ trong Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, lạ lùng thay, là một cuốn sách chứ không phải một bộ phim.

Cuốn sách này lồng ghép 7 biểu tượng vào trong một câu chuyện lạ kỳ: Ở một khu vườn xanh ngát có đủ hoa thơm cỏ lạ, vị võ sĩ sumo, chỉ vận chiếc khố bằng dây cáp màu hồng, bước ra từ ngọn hải đăng cao sáu tầng. Anh di chuyển quanh khu vườn và nhặt được một chiếc đồng hồ bấm giờ bằng vàng. Vị võ sĩ bất ngờ ngã gục xuống nền đất khi đeo chiếc đồng hồ vào người. Một lúc sau khi gượng dậy được, anh ngửi thấy mùi hương ngào ngạt của những bông hoa hồng vàng và tình cờ phát hiện con đường trải kim cương ở ngay trước mắt, vị võ sĩ bước đi trên con đường ấy để tìm hạnh phúc vĩnh cửu của mình.

Với một kỹ thuật giống như cách sử dụng biểu tượng trong điện ảnh, Robin Sharma - tác giả cuốn sách, đã quây một lớp màn bí ẩn quanh câu chuyện và chậm rãi lần giở những ẩn ý của chúng qua từng trang giấy. Cuộc hành trình giải mã các biểu tượng này cũng là hành trình đối thoại giữa hai nhân vật trong sách: một Julian Mantle – người đã vứt bỏ sự nghiệp luật sư đầy danh vọng để lao vào những núi tuyết Hymalaya hòng tìm kiếm bí quyết đạt được sự thông tuệ của các tu sĩ Tây Tạng – và Peter John, người bạn cũ của Julian đang vướng vào một cuộc sống không lối thoát, bị hút vào mê cung của công việc và bắt đầu đổ xuống con dốc cuộc đời. 

Cả 7 biểu tượng trong cuốn sách (khu vườn, ngọn hải đăng, võ sĩ, chiếc khố, đồng hồ bấm giờ, những bông hoa ngát hương, con đường kim cương) cứ cuốn đi theo từng cuộc trò chuyện của Julian và Peter. Những lời khuyên của Julian, những nghi ngờ của Peter cài cắm vào nhau làm tôi liên tưởng nhiều đến phim The Man From Earth của đạo diễn Richard Schenkman. Trọn 90 phút của bộ phim là cuộc đối thoại, tranh luận gay gắt của những vị giáo sư về sự bất tử của nhân vật John Oldman. Phim kết thúc khi chẳng có sự thật nào ngã ngũ nhưng để lại cho người xem những trăn trở về giới hạn của con người. 

Tương tự, cuộc trò chuyện của Julian và Peter trong Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari cũng mang đến độc giả những suy tư về những gì thực sự quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Tác giả Robin Sharma đã dần hoán chuyển 7 biểu tượng thành 7 nguyên tắc để chúng ta có thể tri nhận về một cuộc đời đáng sống: Làm chủ tâm trí, theo đuổi mục đích đời mình, liên tục cải thiện bản thân, sống có kỷ luật, quý trọng thời gian, phục vụ mọi người một cách không vị kỷ và trân trọng hiện tại.

Bản thân các biểu tượng luôn là sự vượt qua ngôn từ, vươn lên trên cả những hình ảnh thuần túy giúp nó hiện diện. 7 biểu tượng trong cuốn sách này cũng như vậy, nếu một khu vườn chỉ là một khu vườn, chúng ta sẽ sớm quên đi tầm quan trọng của việc làm chủ tâm trí để có tìm ra được những gì ta yêu; nếu ngọn hải đăng chỉ đơn thuần là ngọn hải đăng, liệu chúng ta có hiểu được tầm quan trọng của chuyện xác định mục tiêu đời mình?...

Như tôi có nhắc đến ở trên, một trong những đặc trưng của biểu tượng là “Sự phát triển – tan vỡ của nó phụ thuộc vào quá trình thay đổi của con người”, biểu tượng chỉ thật sự sống khi có con người, và ngược lại, con người chỉ thực sự sống khi nghĩ về chiều sâu của biểu tượng cũng như nghĩ về giá trị cuộc đời mình và những điều đẹp đẽ nhất.

Sơn Tùng

Tags: