Làm sao để sống khôn ngoan hơn: 5 câu hỏi giúp sinh viên đi tìm ý nghĩa cuộc đời từ giáo sư Harvard
Làm sao để sống khôn ngoan hơn: 5 câu hỏi giúp sinh viên đi tìm ý nghĩa cuộc đời từ giáo sư Harvard
Giá như tôi biết những điều này khi còn là tân sinh viên

Thử tưởng tượng bạn sẽ làm Trưởng khoa trong một ngày và có quyền thực thi một cải cách. Bạn sẽ thay đổi điều gì để cải thiện trải nghiệm của sinh viên trong trường?

Tôi đã hỏi sinh viên của mình câu hỏi này trong nhiều năm. Những câu trả lời đã làm tôi mở rộng tầm mắt. Mấy năm gần đây, yêu cầu của sinh viên không còn là “tinh chỉnh lại tiết học lịch sử” hay “sắp xếp lại phòng thí nghiệm”. Một nhận định khác đã xuất hiện, về việc học cách sống cho khôn ngoan.

Thế nào là sống một cuộc đời tử tế? Một cuộc đời hiệu quả? Hay thế nào là sống hạnh phúc? Trong trường tôi đang giảng dạy, Harvard, có một nhóm giáo sư và trưởng khoa đã mở một seminar không tính tín chỉ có tên “Chiêm nghiệm về cuộc đời mình”. Cấu trúc của lớp học rất đơn giản: 3 buổi thảo luận, mỗi buổi 90 phút với mỗi nhóm 12 sinh viên năm nhất, được dẫn dắt bởi các giảng viên, cố vấn hay trưởng khoa. Có khoảng một trăm sinh viên tham gia lớp học này mỗi năm.

Sau đây tôi sẽ giới thiệu 5 bài tập mà sinh viên đặc biệt yêu thích. Mỗi bài được thiết kế để giúp tân sinh viên xác định mục tiêu và nhìn nhận những khía cạnh đa dạng trong cuộc sống của họ một cách hệ thống, và kết nỗi những gì họ đã khám phá với những việc họ phải làm khi ở trên giảng đường.

 

1. Sử dụng thời gian

 

 

Trong bài tập đầu tiên, chúng tôi yêu cầu sinh viên viết ra cách họ muốn dành thời gian khi học đại học. Với họ, điều gì quan trọng? Đó có thể là đến lớp, học, quẩy với 500 anh em thân thiết, hay có thể làm tình nguyện cho một tổ chức ngoài trường, đọc sách mà không phải sách giáo trình. Sau đó, sinh viên sẽ phải viết ra danh sách những việc họ thật sự dành thời gian, trung bình mỗi ngày bao lâu trong một tuần gần nhất, và cùng kiểm tra cả hai danh sách.

Cuối cùng, chúng tôi đặt ra câu hỏi: Những gì bạn đang làm phù hợp với mục tiêu của bạn như thế nào?

Một vài người sẽ có hai bản danh sách gần như trùng khít. Nhưng đa số thì không. Họ choáng váng và thất vọng khi nhận ra mình đã dành quá nhiều thời gian quý giá vào những việc vô nghĩa. Thách thức bây giờ là làm thế nào để căn chỉnh lại cách bạn sử dụng thời gian để đạt được những mục tiêu của mình.

 

 

2. Lựa chọn ngành học

 

 

Việc chọn ngành học là một quyết định cực kỳ khó khăn. Một sinh viên trong nhóm của chúng tôi phân vân mãi vẫn không thể lựa chọn giữa chính trị và khoa học. Hãy cùng xem cách cô ấy sử dụng thời gian của mình? Đây là một thành viên nổi bật của Viện Chính trị, tổ chức cuộc họp Mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN) và thường xuyên viết bài cho tờ báo chính trị trong trường. Trưởng nhóm thảo luận nhận ra rằng cô ấy chưa hề nhắc tới từ “thí nghiệm” trong tường trình của mình. “Làm thí nghiệm á?”, cô ấy do dự đáp lại. “Tại sao tôi lại nhắc tới việc thí nghiệm trong quỹ thời gian của mình?”. Nửa tiếng sau khi thảo luận, trưởng nhóm nhận được email cảm ơn vì cách đặt câu hỏi đặc biệt ấy.

 

 

3. Phát triển theo chiều rộng hay chiều ngang?

 

 

Tôi gọi đây là bài tập Mở rộng hay Đào sâu. Bạn sẽ chọn trở thành đặc biệt giỏi ở chỉ một lĩnh vực hay kha khá trong nhiều lĩnh vực? Chúng tôi giúp sinh viên nghĩ về cách sắp xếp thời gian học đại học để theo đuổi con đường họ lựa chọn với mục đích rõ ràng.

 

 

4. Nhận biết giá trị cốt lõi

 

 

Trong bài tập Nhận biết giá trị cốt lõi, sinh viên được phát cho một tờ giấy viết khoảng 25 từ trên đó. Trong đó có những từ như “đức hạnh, tình yêu, danh vọng, gia đình, xuất chúng, của cải và trí tuệ”. Sinh viên được yêu cầu khoanh tròn năm từ miêu tả chính xác nhất giá trị lõi của mình. Rồi chúng tôi hỏi họ sẽ giải quyết mâu thuẫn giữa các giá trị cốt lõi như thế nào. Các sinh viên thường gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi này. Có một sinh viên đã kể ra câu chuyện tiến thoái lưỡng nan của mình. Cậu ấy muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật, nhưng cũng muốn có một gia đình yên ấm. Vì vậy lõi giá trị của cậu này gồm từ “hữu ích” và “gia đình”. Cậu ấy nói rằng mình rất lo lắng liệu có thể vừa trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi và vừa làm một người chồng, người cha tốt hay không. Những sinh viên của tôi không ngừng thảo luận về ví dụ này, vì rất nhiều người cũng cảm thấy mình đang có vấn đề tương tự.

 

 

5. Lựa chọn cách sống đời mình

 

 

Bài tập này đưa ra một dụ ngôn về một ông lão đánh cá hạnh phúc với một cuộc đời giản dị trên một hòn đảo nhỏ. Lão đánh cá vài giờ mỗi ngày. Bắt vài con cá, bán cho vài người bạn và dành thời gian còn lại trong ngày nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình. Lão ta không hề nghĩ đến việc thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống thảnh thơi và dễ dàng của mình.



Hãy điều chỉnh câu chuyện này một chút: Một vị thạc sĩ quản trị kinh doanh đi du lịch tới hòn đảo và nhanh chóng nhìn ra cách lão đánh cá có thể phát tài. Lão chỉ cần bắt thêm nhiều cá, khởi nghiệp, tạo ra thị trường cá, mở một xưởng đóng hộp rồi thậm chí cổ phần hóa công ty. Cuối cùng, lão sẽ trở nên thật sự thành công. Lão có thể quyên góp một phần tiền của mình cho trẻ em nghèo trên thế giới và có thể cứu sống nhiều sinh mệnh.

“Sau đó thì sao?” – Lão đánh cá hỏi.

“Rồi ông bạn sẽ lại có thể dành rất nhiều thời gian cho gia đình mình”, vị khách trả lời. “Nhưng ông sẽ tạo ra thay đổi trên thế giới này. Ông sẽ không bỏ phí khả năng của mình, cứu được những đứa trẻ nghèo đói thay vì nằm dài cả ngày.”

Chúng tôi yêu cầu sinh viên suy nghĩ cách áp dụng dụ ngôn này vào chính cuộc sống của họ. Liệu bạn muốn có an phận với một cuộc đời bé nhỏ nhưng thanh thản và hạnh phúc bên mái ấm gia đình? Hay bạn muốn làm việc chăm chỉ, có thể khởi nghiệp, hay thậm chí muốn cải thiện thế giới này?

Thường thì dụ ngôn đơn giản này sẽ tạo ra kha khá ý kiến trái chiều. Những cuộc thảo luận như vậy khuyến khích tân sinh viên nghĩ về những gì họ thật sự coi trọng và những gì mỗi người cảm thấy mình đang mắc nợ, hoặc không mắc nợ, với cộng đồng rộng lớn. Sau đó sinh viên có thể suy nghĩ về điều này trong suốt thời gian đi học của mình.

Cuối khóa học, tôi nói với nhóm sinh viên của mình: “Hãy kể cho thầy nghe về một thay đổi trong suy nghĩ của em năm nay?” và nhiều câu trả lời cho thấy nội tâm sâu sắc của các em. Ba năm sau, khi chúng tôi kiếm tra lại với các học viên, gần như tất cả đều báo cáo rằng khóa học rất giá trị, như là bước đệm hoàn thiện trải nghiệm đại học của các em – để đại học trở thành một bước ngoặt đúng nghĩa.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo NYTimes