5 cách vượt qua tình trạng đắm chìm trong quá nhiều ý tưởng nhưng cái nào cũng dở dang
5 cách vượt qua tình trạng đắm chìm trong quá nhiều ý tưởng nhưng cái nào cũng dở dang
Bạn thường làm gì khi bạn đang choáng ngợp trước quá nhiều ý tưởng? Bạn sẽ từ bỏ chúng hay sẽ cố gắng hoàn thành tất cả các dự định đó?

Bạn giả bộ viết lách, đọc sách nhiều hơn hay thức dậy sớm hơn nhưng rồi cuối cùng tính trì hoãn vẫn ngự trị trong các hoạt động thường ngày của bạn. Chẳng có bất kỳ ý tưởng nào trở thành hiện thực cả.

“Tôi có quá nhiều ý tưởng cho cuộc đời này.” - Taylor Wilson –

Vào năm 2003, Sheena Iyengar, Nhà tâm lý học đồng thời là Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia đã tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 800.000 nhân viên để xem xét các yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định đầu tư, tạo ra tiền tiết kiệm cho lúc về già của những người tham gia.

Khi cuộc điều tra kết thúc, các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều thông tin bổ ích và đưa ra lời đáp cho câu hỏi: liệu có phải mọi người “đua nhau” lên kế hoạch tiết kiệm cho tuổi già là vì mỗi sáng thức dậy, họ lại có thêm biết bao lựa chọn đầu tư mới?

Một số người dự đoán câu trả lời là có. Nhưng liệu các nhà nghiên cứu có đưa ra kết luận giống với những suy nghĩ của bạn không?

Theo sơ đồ trên, cứ 10 quỹ được đưa vào khay lựa chọn thì tỷ lệ những người tham gia lại giảm 2%. Như vậy, trên thực tế, đối với mỗi người, khi đứng trước càng nhiều lựa chọn, họ lại có xu hướng thu mình lại và không muốn chi tiền vào quỹ nào cả.

Nghịch lý của lựa chọn nằm ở chỗ: càng nhiều lựa chọn thì hành động lại càng ít hơn. Chúng ta càng có nhiều ý tưởng và mục tiêu thì khả năng theo đuổi đến cùng một trong những ý tưởng đó lại càng thấp và ngược lại.

Chúng ta có nhiều lý do khác nhau để giải thích cho việc vì sao chúng ta lại không hoàn thành những dự định ban đầu. Thiếu thời gian, sợ thất bại, chìm ngập trong quá nhiều lựa chọn khiến ta tiêu hao năng lượng và giảm phấn khích sau khi bắt đầu một dự án mới là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì hoãn mãn tính của chúng ta.

Khi rơi vào trạng thái bế tắc, thay vì cố gắng hành động, chúng ta lại tiêu tốn thời gian và năng lượng cho những nỗ lực mà chẳng đem lại mấy kết quả.

Dưới đây là 5 cách khác nhau để thoát khỏi hội chứng chìm ngập trong quá nhiều ý tưởng hay mục tiêu, giúp bạn bắt đầu lại từ đầu và tiếp tục theo đuổi các ý tưởng.

 

 

Tạo ra các hạn cuối hoàn thành công việc

 

 

Bạn càng dành nhiều thời gian để làm một nhiệm vụ nào đó, bạn càng dễ trở thành nạn nhân của “Luật Parkinson”.

Chẳng hạn, nếu bạn có một tuần để hoàn thành nhiệm vụ mà lẽ ra chỉ cần 3 tiếng là đủ, theo luật Parkinson, nhiệm vụ này sẽ làm tăng sự phức tạp và kéo dài thời gian thực hiện đến cả tuần. Cách tốt nhất để chống lại vấn đề này là tạo ra các hạn nhỏ cho việc hoàn thành công việc. Điều này sẽ thúc đẩy bạn hoàn thành nhiệm vụ trong khung thời gian ngắn nhất.

Hành động: Xây dựng một danh sách các nhiệm vụ phải làm trong ngày và chú thích thời gian hoàn thành từng việc. Về sau, bạn có thể rút ngắn thời gian thực hiện công việc xuống một nửa và cố gắng luôn hoàn thành nhiệm vụ trước hạn cuối.

 

 

Sử dụng nguyên tắc 80/20

 

 

Trong thuật ngữ của những người không chuyên nghiệp, quy tắc 80/20 có nội dung như sau: 20% những việc bạn làm sẽ đóng góp đến 80% kết quả bạn nhận được. Mỗi nhiệm vụ có thể chia nhỏ thành các hoạt động thuộc nhóm 20% hoặc 80%.

Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là tập thể dục nhiều hơn và giảm cân thì bạn có thể chia các bài tập thành hai loại như sau: 20% bài tập là chạy nước rút cường độ cao, bài tập kiểu này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhất ao ước giảm cân của bạn, 80% còn lại là các bài tập nhẹ nhàng.

Điều quan trọng là bạn nên thử nghiệm, khám phá và dành thời gian, năng lượng vào 20% hoạt động mang lại những thành quả đáng kể nhất. Với cách làm này, bạn có thể đạt được mục tiêu đề ra mà không tốn quá nhiều thời gian.

 

 

Tin vào trực giác của mình

 

 

Đôi khi bạn do dự khi phải lên kế hoạch và thực hiện các ý tưởng nào đó bởi vì bạn e sợ thất bại, bị từ chối và tự hoài nghi. Bạn đã dành vô số giờ đồng hồ để nghiên cứu, lên kế hoạch cho hành động nhưng đến lúc thực hiện, chúng ta lại không làm theo những gì mình đã vạch ra.

Trong sách âm thanh (audiobook) mang nhan đề: “Blink: The Power of Thinking Without Thinking”, tác giả đồng thời là nhà báo nổi tiếng thế giới Malcolm Gladwell đã đưa ra một ví dụ minh hoạ như sau: những phán quyết chớp nhoáng được đưa ra trong vòng vài giây thường có kết quả tốt hơn các kế hoạch được vạch ra một cách thận trọng.

Nếu trong lần tới, bạn không chắc về những gì mình phải làm hay nên làm ra sao thì bạn hãy tin vào trực giác của mình và hành động theo suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn và rất có thể, bạn sẽ đi đúng hướng.

 

 

Tập thói quen hoàn tất công việc một cách chu đáo

 

 

Nhiều người rất thành thạo khi khởi đầu nhưng hiếm người có thể xây dựng thói quen hoàn thành công việc đến cùng. Bắt đầu bao giờ cũng dễ hơn kết thúc nhưng phần lớn kết quả lại nằm ở vạch đích.

Quá trình xây dựng thói quen hoàn thành công việc cũng giống như bất kỳ các thói quen khác. Đầu tiên, bạn hãy tập làm những việc nhỏ rồi tăng dần cường độ với mong muốn hành động này sẽ tạo ra thói quen.

Sau đó, bạn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ trong môi trường để khiến công việc sớm đi đến đích hơn.

 

 

Tập thói quen từ bỏ

 

 

Trái với suy nghĩ phổ biến, những người thành công và làm việc năng suất nhất lại luôn rời bỏ mục tiêu họ đề ra bất cứ lúc nào. Họ biết phải từ bỏ điều gì và khi nào nên làm như vậy.

Mặt tích cực của việc rời bỏ là bạn chuyển số thời gian và năng lượng uổng phí dành cho các ý tưởng hoặc mục tiêu không hợp lý sang ý tưởng đem lại kết quả tốt hơn.

Chẳng hạn, nếu chi phí theo đuổi một ý tưởng nào đó cao hơn kết quả nó mang lại thì bạn nên cân nhắc loại bỏ những việc làm vô ích. Mặc dù lúc đầu điều này có thể khiến bạn mang một tâm trạng không thoải mái nhưng bạn sẽ có thời gian dành cho những ý tưởng mang lại kết quả tốt hơn.

Theo The Medium

Ảnh: Medium và Unsplash

Minh Phương

Tags: