3 kỹ năng sống quan trọng chưa ai dạy bạn
3 kỹ năng sống quan trọng chưa ai dạy bạn
Cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc, tất cả chỉ phụ thuộc vào cách bạn sống mà thôi.

Hãy tưởng tượng rằng tôi là ba của các bạn. Tôi biết điều này nghe thật là kì cục nhưng mà cứ đóng kịch với tôi một vài phút thôi, hãy thử gọi tôi là “bố”.

Nào bây giờ hãy giả vờ như hai bố con ta đang ngồi cạnh nhau ở ngoài hiên, giữa những tiếng dế râm ran xa gần. Trên cao kia mặt trăng lững lờ trôi.

Chúng ta vừa hớp từng ngụm bia, vừa buôn vài câu chuyện phiếm bâng quơ, có thể là về bộ phim mình vừa mới xem, hoặc nhắc về tuổi thơ của con với bao trò nghịch ngợm. Chắc do có chút men, ông bố vốn thường ít nói của con bỗng nhiên mở lòng hơn. Bố hướng mắt về phía con, đứa trẻ mà ba sẵn lòng thương yêu vô điều kiện, và nhẹ nhàng chia sẻ với con 3 kĩ năng quan trọng trong cuộc sống mà chưa từng ai khuyên con trước đây. 3 kĩ năng đó rút ra được từ chính những chiêm nghiệm của cuộc đời bố.

Và rồi con nhướng mày đầy vẻ ngạc nhiên “Cái gì vậy bố? Sao tự dưng ba trở nên nghiêm túc quá vậy?”

Và bố thì “Um thì…” và rồi nhảy thẳng vào chia sẻ luôn, đằng nào thì con cũng là con bố, và con phải lắng nghe điều này dù muốn hay không.

 

Kĩ năng sống quan trọng số 1: Đừng vơ mọi thứ vào mình

 

Con biết không, chính vì việc não bộ cho phép con ý thức được sự việc xung quanh mình mà tất cả mọi điều con trải qua đều sẽ một phần nào đó ảnh hưởng đến con. Mới sáng ra đường đã bị kẹt xe, con thấy điên máu làm sao. Chương trình con xem tối hôm qua chỉ tổ khiến con bực mình thêm. Công ty của con làm ăn phát đạt nên con được nhận được nhiều tiền lương hơn.

Thành thử, chúng ta có xu hướng tin rằng tất cả những gì xảy ra đều sẽ dính dáng đến mình.

Nhưng thực tế thì: nếu chỉ vì con đang phải trải qua chuyện gì, nếu chỉ vì việc đó tạo nên những cảm xúc trong con, nếu chỉ vì con quan tâm đến điều đó, thì nó cũng không liên quan đến con.

Bố biết con đang tận hưởng cảm giác sung sướng khi ngắm nhìn hoàng hôn từ đỉnh núi, nhưng mà thật ra thì, điều này cũng không hoàn toàn liên quan đến con.

Bố biết điều này rất khó để làm được. Không chỉ bởi vì nó gắn chặt với cấu trúc của não bộ và cơ thể, mà còn bởi vì khi con nghĩ rằng mọi việc đều dính đến mình, con tự cảm thấy bản thân mình ghê gớm hơn trong một khoảng thời gian ngắn.

Tại sao ư? Vì “gieo nhân nào gặt quả nấy”, thế nên khi mọi việc tốt đẹp xảy đến trong cuộc đời mình thì cũng có nghĩa là do mình tốt bụng và tuyệt vời. Nhưng con biết không, chính cái lối suy nghĩ này cũng đồng nghĩa với việc những điều tồi tệ mà con trải qua cũng xuất phát từ những xấu xa trong con.

Thành thử, con đang tự đặt lòng tự tôn của bản thân mình lên trên chiếc tàu lượn siêu tốc. Khi con gặp điều tốt đẹp, niềm vui hạnh phúc của con vút cao. Nhưng khi điều bất như ý xảy đến, con mất toàn bộ tự tin và thu mình vào vỏ ốc. Khi mọi việc đang ổn, con tự cho mình là món quà của thượng đế trao cho trái đất, vậy nên con xứng đáng được công nhận và tán dương. Nhưng khi mọi việc xấu đi, con trở thành nạn nhân của thói tự mãn, con đã bị lầm đường lạc lối và xứng đáng được trao cho cơ hội để làm lại từ đầu.

Điều mấu chốt ở đây chính là cảm giác xứng đáng. Chính cảm giác này đã biến con thành nô lệ của cảm xúc, một hố đen vũ trụ chỉ chực ngấu nghiến lấy năng lượng và tình thương từ những người xung quanh mà không thèm đền đáp gì lại. OK bố biết là bố hơi làm quá lên vụ này, nhưng con hiểu là bố chỉ muốn con có 1 cái nhìn cụ thể nhất thôi.

Khi người ta chỉ trích con, từ chối con, nó thuộc về chính bản thân họ nhiều hơn – giá trị của họ, thứ tự ưu tiên của họ, về đời sống của họ – hơn là chính con. Bố ghét khi phải nói với con sự thật rằng, người ta đơn giản chả thèm quan tâm để ý đến con nhiều như con nghĩ (họ còn đang bận tin rằng mọi thứ đều có liên quan đến họ con ơi). Khi con mắc lầm lỗi, nó không có nghĩa rằng con là một kẻ thất bại, nó chỉ đơn giản rằng con là một con người với những lúc thành bại trong cuộc sống.

Khi một việc gì đó vô cùng tồi tệ xảy ra khiến con vô cùng đau đớn, đến mức con tin rằng việc ra nông nỗi này tất cả đều do mình, thì hãy nhớ rằng khó khăn là một phần của cuộc sống và chính cái chết đã tạo nên những ý nghĩa cho cuộc đời. Chúng ta đau đớn hay vui vẻ không phải vì chúng ta xứng đáng. Nỗi đau này không phản ánh bất cứ định kiến nào về bản thân cả, chúng ta chỉ đang cảm thấy nỗi buồn trong lòng mà thôi.

 

Kĩ năng sống quan trọng số 2: Lắng nghe, chấp nhận và thay đổi quan điểm cá nhân

 

Khi niềm tin của chúng ta gặp phải những bất đồng, chúng ta thường khư khư giữ lấy nó như người chết đuối vớ được phao cứu sinh. Nhưng con biết không, thực ra thì niềm tin của chúng ta, của cha con mình, vốn đã như con tàu đang sắp chìm đến nơi.

Trong hầu hết trường hợp, niềm tin là cái mà chúng ta dùng để định hình nên con người mình. Và việc bị chất vấn niềm tin cũng đồng nghĩa với việc chất vấn chúng ta là ai,… mà điều này thì bố biết, nó đau vô cùng. Thế nên, thường thì chúng ta bỏ ngoài tai mọi câu hỏi mọi lời đàm tiếu về niềm tin của bản thân. Chúng ta thà tin rằng những lập luận mà họ đưa ra đều vớ vẩn, đều nhảm nhí, đều vô căn cứ.

Bố thử lấy ví dụ cho con dễ hiểu nhé. Con còn nhớ cái anh chàng cứ cãi cố với con về việc biến đổi khí hậu không thể nào xảy ra không? Họ không hề ngu đâu con ạ, họ hoàn toàn đủ năng lực để hiểu tất cả những gì mà nhà khoa học nói, họ hiểu hết những bằng chứng mà con đưa ra. Nhưng mà, họ nghĩ rằng nếu họ thừa nhận niềm tin của mình sai, thì họ cũng đang chối bỏ chính bản thân mình. Và con biết đấy, một khi con người đã đi vào vùng cấm địa ấy, sẽ rất khó để con có thể đưa họ ra khỏi suy nghĩ này.

Nhưng việc khư khư ôm lấy niềm tin không chỉ gói gọn trong phạm vi khoa học và chính trị, bố đã thấy nó ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống hàng ngày.

Bố đã gặp hàng tá thằng trẻ trâu cứ mãi giữ cái niềm tin vớ vẩn từ thời trung học rằng phụ nữ thì không thích đám mọt sách, và để chiếm được trái tim của phái yếu thì đấng mày râu chúng ta phải rủng rỉnh tiền trong túi và có xe hơi hàng hiệu khi đi hẹn hò. Có thể niềm tin ấy đúng ở tuổi 16, nhưng ở tuổi 32, ngộ nhận này sẽ phá nát các cuộc hẹn.

Con sẽ gặp rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Nhưng chính nhờ việc mở lòng để học và sẵn lòng thay đổi niềm tin sai lầm của cá nhân sẽ đưa con đến thành công.

Con có thể thắc mắc rằng “Làm cách nào để con làm được vậy hả bố?” Không có “cách nào” đâu con ạ. Tất cả đều nằm trong cái đầu nhỏ xinh của con đấy. Việc con phải làm chính là cho phép mình được trải nghiệm những góc nhìn mới và không ngừng hỏi bản thân “Liệu điều này [điều đi ngược lại với niềm tin của con] có thực sự đúng không? Điều này có nghĩa là gì?” rồi xem xét câu trả lời.

Điều này sẽ khá khó vào lúc đầu. Não bộ của con sẽ không ngừng chối bỏ nó. Nhưng dĩ nhiên điều này cần thời gian để rèn luyện.

Hãy thử điều này: Viết xuống 20 điều mà con nghĩ là mình có thể đã sai trong ngay hôm nay. Dĩ nhiên, đó không hẳn chỉ thuần về yếu tố vật chất. Bố biết là hiểu biết của bố về khoa học còn rất nhiều hạn chế và sai sót nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất mà bố cần phải thay đổi.

Điều bố muốn ở đây là con đưa đưa ra những câu hỏi về những ngộ nhận về bản thân con – mình không phải là người thu hút, mình vẫn còn lười lắm, mình chưa biết cách nói chuyện với người khác, mình sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn mắc két trong suy nghĩ của chính mình, …
Khi những nhận định đó kèm theo vô vàn cơn sóng cảm xúc, nó chính là điều mà con cần viết xuống và đối mặt.

Sau khi đã đạt được con số 20, hãy đọc lại và viết xuống nếu nhận định này sai, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào.

Điều nó có vẻ rất đáng sợ, có rất nhiều nhận định con thậm chí còn không dám đặt câu hỏi về nó. Nhưng hãy nhìn theo hướng này: nếu con không bao giờ dám thử thách những nhận định này, nếu con không dám nhìn vào mặt đối lập của sự việc, làm sao con có thể tự tin vào chính niềm tin của mình? Bố muốn con phát triển khả năng dám nhìn vào “mặt đối lập của sự việc”.

 

Kĩ năng sống quan trọng số 3: Hành động không đợi kết quả

 

Xuyên suốt trong cuộc sống, hầu hết mọi việc chúng ta làm đều đưa ra kết quả rõ ràng. Tại trường, con viết bài luận bởi vì giáo viên yêu cầu con làm vậy. Ở nhà, con dọn phòng bởi vì mẹ nhắc con phải làm. Khi đi làm, con làm theo yêu cầu mà sếp con bảo vì nó sẽ khiến con có lương. Không có bất kì lưỡng lự gì ở đâu. Con chỉ việc hành động. Giáo viên muốn bài luận, nên con viết nó. Mẹ muốn căn phòng sạch sẽ thơm tho, nên con dọn nó.

Nhưng con biết không, cuộc sống thực tế không vận hành như vậy. Khi con quyết định nhảy việc, không ai có thể nói cho con biết ngành nghề nào phù họp với con. Khi con quyết định gắn bó lâu dài với một ai, không ai có thể nói cho biết liệu mối quan hệ này có nên cơm nên cháo gì không. Khi con quyết định khởi nghiệp hoặc chuyển qua sống ở đất nước mới hoặc ăn bánh waffles cho bữa sáng thay vì pancake, không cách nào để con biết chắc chắn được rằng hành động này có “đúng” hay không.

Thế là con người lẩn tránh việc đưa ra quyết định. Chúng ta lẩn tránh việc hành động mà không biết được kết quả. Và chính vì sự yếu hèn này, cuộc sống của chúng ta là chuỗi ngày an toàn và lặp lại.

Bố nhận được hàng tá thư hỏi về việc cách làm thế nào để tìm được ý nghĩa cuộc sống, cách làm thế nào để biết được mối quan hệ này có đúng hay không, cách làm thế nào để biết chúng ta đưa ra được quyết định đúng đắn.

Và bố chả thèm trả lời lại vì làm thế quái nào mà bố có thể biết được cơ chứ.

Bố chỉ biết một điều duy nhất rằng: không ai có thể quyết định được điều này có đúng với con hay không ngoại trừ chính con. Tai hại ở chỗ, việc con tìm kiếm gã nào đó trên mạng (hoặc tìm trong sách hay bất cứ nguồn nào đó) là một phần của vấn đề – con đang tìm kiếm kết quả trước khi thực sự hành động. Có 1 cảnh bố rất thích trong bộ phim The Dark Knight, nhân vật Joker nói lên triết lý sống của cuộc đời mình: “Ta chỉ hành động”. 

Bố biết bố biết hành động của Joker không được tốt đẹp cho lắm, và chúng ta sẽ không bàn đến ở đây, nhưng gã ta thực sự đã chỉ ra một điểm mấu chốt.

“Người ta cứ không ngừng cố kiểm soát cái thế giới nhỏ bé của mình …” Sự thật ra: thỉnh thoảng trong cuộc sống con chỉ phải hành động dù không có bất cứ lý do nào cả. Con làm vì con có thể. Bởi con đang sống, bởi vì nó đang tồn tại. Như George Mallory đã từng trả lời cho câu hỏi tại sao ông lại quyết định leo lên núi Everest “Bởi vì nó ở đó nên tôi phải leo.”

Hãy tập phát triển khả năng hành động mà không lo lắng về lý do. Hãy làm vì con tò mò và thích thú. Hãy dấn thân vì con không có gì để làm cả, đó thực sự là khả năng tuyệt vời để hành động mà không mong đợi kết quả hay sự tán thưởng. Chính điều này sẽ giúp con sẵn sàng để đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời mình.
Có thể nó sẽ dẫn con đền hàng ngàn những thất bại nho nhỏ trong cuộc sống, nhưng đồng thời lối nó sẽ dẫn con đến thành công lớn nhất trong cuộc đời.

Hãy bắt đầu bằng cái gì đó nhỏ. Thử lên meetup.com và tham dự một số hoạt động vui vui nào đó mà con thích. Hãy lên Udemy hoặc Khan Academy và đăng ký một vài khóa học nào đó, chả cần phải vì mục đích gì đâu, chỉ cần con thấy nó cool cool là chuẩn rồi. Hãy thử gọi cho bạn bè con và bảo “Cho tao xem cái gì độc độc đi tụi bay”.

Nhưng có một cái bẫy ở đây đấy con yêu.

Nếu con đi ra ngoài kia và nghĩ “Bố bảo mình phải bắt đầu hành động nhiều hơn một cách tùy hứng để sau này mình có thể đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời mà không cần phải do dự. Vậy thì để xem nào, cái gì mình có thể lên kế hoạch và thực hiện được ngay hôm nay nhỉ?”

Con đã thất bại.

Thậm chí ngay trước khi bắt đầu, con đã thất bại rồi. Không có tiến trình nào ở đây cả. Hãy dừng ngay việc cố gắng làm bất cứ mọi điều chỉ để đạt được cái mục tiêu nào đó.

Nói cách khác: hãy tiêu tốn thời gian của con bằng những cách không thể ngờ tới.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Tâm lý học tội phạm

Bài gốc: Mark Manson