23/01/2018: Trên sân cỏ của bạn, trái bóng Hạnh Phúc đã vào lưới chưa?
23/01/2018: Trên sân cỏ của bạn, trái bóng Hạnh Phúc đã vào lưới chưa?
Bao lâu rồi không có thứ gì khiến bạn cảm động? Bao lâu rồi bạn đóng chặt tâm hồn mình trước sự đề phòng xã hội hiểm nguy và nhức nhối, và bạn cần đọc cái gì đấy giật gân để chửi rủa mỗi ngày chỉ để tạm quên đi cái sự nhạt nhẽo đến nhức nhối bên trong mình vì mình đã không còn tin yêu nhiều thứ trên đời nữa?

Năm nay tôi 24 tuổi, tôi không hiểu về bóng đá. Chỉ có điều, trong hơn 23 năm sống trên đời, tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng nào đẹp hơn hôm nay, khi các lá cờ Việt Nam tràn ngập những con đường y như ngày vui mừng kháng chiến đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.

Hôm nay, chúng ta cười với người lạ trên đường – trong khi bình thường ta vẫn lướt qua nhau như những đường thẳng song song không khi nào tìm thấy một giao điểm. Hôm nay, mọi người túm tụm trong một phòng bảo vệ công viên, người đứng kẻ ngồi lô nhô nhìn vào cái màn hình TV y như những năm 90 cả xóm tụ lại xem phim vì một cái TV màu – trong khi bình thường ai cũng có ít nhất một thiết bị nghe nhìn đủ cho tự do cá nhân để ta không bao giờ phải giành kênh với kẻ khác.

Hôm nay, những người đàn ông hiện nguyên hình là những đứa trẻ nhiều tuổi ham vui mải chơi và nghịch ngợm, họ nhảy múa phấn khích và ca hát – hôm nay anh ngưng gánh vác thế giới trên vai, ngưng cứu thế giới, anh chỉ hồn nhiên. Hôm nay, những đoạn đường tắc không còn mệt mỏi, không gắt gỏng chen nhau từng mét đường khi mà cùng đi trên một con đường nhưng việc của ta quan trọng hơn việc của kẻ khác, đường cho ta quan trọng hơn phần đường cho kẻ khác, thời gian của ta quý báu hơn thời gian của kẻ khác, vì hôm nay chỉ cần ai đó hô “Viêt Nam” thì đám đông sẽ đồng thanh “Vô địch”, hôm nay không có khái niệm “ta” và “kẻ khác” – chúng ta là một, là “người Việt Nam”.

Đâu phải trước chiến thắng này tất cả chúng ta không cùng là người Việt Nam? Những lá cờ đỏ như máu chảy thành dòng qua những con đường, máu chúng ta cũng đang chảy gấp gáp hơn qua huyết mạch. Một cảm giác yêu quá lớn đến mức ngạt thở.

Hôm nay, anh công nhân chạy xe trên đường vắng một mình cũng hét lên Việt Nam vô địch, mặt rạng rỡ, có lẽ anh đang tạm quên mười mấy tiếng nhốt mình trong cái hộp nhà máy, như một cái máy. Con người thì khác cái máy ở đâu? Chúng ta biết yêu. Hôm nay, những doanh nhân mạnh tay khuyến mãi, người ta mạnh tay tiêu tiền, người ta cho mình quyền được dừng lại đã để vui chơi, bất chấp ta là ai, xinh đẹp lồng lộn hay nhan sắc tầm thường, có bao nhiêu tỉ trong ngân hàng hay ăn bữa nay lo bữa mai như vụ mùa giáp hạt, giỏi giang tanh tưởi hay chỉ vật lộn mưu sinh. Hôm nay, cả trên mạng lẫn ngoài đời, ta không có một nỗi buồn chung, nối bức xúc chung để cần phải chung tay lên án chửi rủa và thất vọng cùng nhau, về “cái đất nước này”. Hôm nay ta có một niềm vui chung, cho cả những kẻ biết hay không biết về bóng đá, nhưng ai cũng hiểu thế nào là “Vào !!! ”. Hôm nay, ta không lạc trôi về quá khứ hay tương lai, ta sống chính xác trong hiện tại. Cả bảng tin facebook chung một nội dung như là chúng ta không còn là những cá nhân khác nhau, độc lập và không liên quan đến nhau. Hôm nay, người ta đặt xuống gánh nặng mưu sinh và bao lo toan thường nhật, kể cả trong quần Âu áo vest hay áo đồng phục nhà máy, họ vẫn nhún nhảy trong điệu nhạc bất tận của chiến thắng.


Tôi gần như cảm động khi lâu lắm rồi mới nhìn thấy những gương mặt cử chỉ sống động như vậy. Bình thường ta vẫn sống, chỉ có điều ta không “động” mà thôi. Sống động nghĩa là gì, là sống thì nên động, động tay động chân, động não và cảm động. Động tay động chân à, bình thường mọi người lười vận động lắm, hoặc giả như nếu có, cũng chỉ là những hình mẫu giống nhau lặp đi lặp lại như phản xạ đi đứng nằm ngồi cho đến vặn mình yoga hay nâng tạ trong phòng tập – nó không bao giờ có hồn và đa sắc được như cái cách đám đông phấn khích nhảy múa trước màn hình hôm nay. Động não à, việc này con người hiện đại làm quá tốt rồi, cả động não lẫn nghĩ quẩn, vậy nên “ngưng suy nghĩ” là một thách thức to như con khủng long.

Ta không thể ngưng nghĩ, giải quyết vấn đề, phân tích suy luận, không thể đơn giản là hiện diện trong giây phút này. Não chúng ta quá tải và bị lạm dụng. Hôm nay, ta được cất não đi một lúc, chỉ để hiện diện thôi, để hồn nhiên, cảm giác đó tuyệt chứ? Còn cảm động ư? Bao lâu rồi không có thứ gì khiến bạn cảm động? Bao lâu rồi bạn đóng chặt tâm hồn mình trước sự đề phòng xã hội hiểm nguy và nhức nhối, và bạn cần đọc cái gì đấy giật gân để chửi rủa mỗi ngày chỉ để tạm quên đi cái sự nhạt nhẽo đến nhức nhối bên trong mình vì mình đã không còn tin yêu nhiều thứ trên đời nữa?

Trong lúc ngồi trên chuyến bay Vietnam Airlines, tôi đã xem hết bốn bộ phim: Hà Nội mùa chim làm tổ, Trăng nơi đáy giếng, Dạ cổ hoài lang, Cánh đồng bất tận. Thật kì lạ là mấy bộ phim này cho tôi xuyên Việt: Hà Nội mùa chim làm tổ lấy bối cảnh miền Bắc, cụ thể là Hà Nội những năm tháng khó khăn sau chiến tranh; Trăng nơi đáy giếng quay ở Huế nói về thân phận người phụ nữ Việt điển hình đến ám ảnh; Dạ cổ hoài lang là kí ức miền Tây sông nước trong lòng hai người con xa xứ; Cánh đồng bất tận là bức tranh đẹp ám ảnh và buồn ám ảnh về thân phận con người nơi sông nước, nhỏ bé côi cút với nỗi buồn mênh mang nhòa đi thấm đẫm cùng cái nền những cánh đồng bất tận, như thể cả đời người, sinh ra và đợi được chết đi trong những cánh đồng, dù đi đâu cũng chỉ loanh quanh trong sự bủa vây lẫn ấp ôm của ruộng lúa. Nước mắt tôi chảy ra tự nhiên, tôi khóc ròng mấy tiếng đồng hồ, có lúc tôi khóc thành tiếng, bất chấp sự tò mò của những hành khách xung quanh, những thước phim du hành thời gian và không gian khiến tôi chưa bao giờ thấy đất nước mình đẹp và buồn như vậy.

Tôi không thích mấy đồ ăn của chuyến bay, tôi chán ngấy thịt nguội giăm bông khoai tây ô liu dưa chuột muối bơ phết bánh mì, tôi chỉ ăn cho vui chứ tôi lớn lên bằng lúa gạo, tôi lớn lên ở nơi được coi là bếp ăn của thế giới cơ mà. Văn hóa của chúng tôi là đồ ăn tươi trong ngày, lá gia vị thảo mộc của miền nhiệt đới. Tôi ăn phở và biết mình đang ở Hà Nội, tôi ăn mì Quảng và biết mình đang ở Hội An, tôi ăn bánh canh và biết mình đang ở Khánh Hòa, tôi ăn nui và cơm tấm để biết mình đang ở Sài Gòn. Tôi nhận ra mình đang ở đâu trên bản đồ bằng cách ăn, không muốn đổi lấy sự tiện lợi của việc đến thành phố nào cũng chỉ ăn gà rán khoai tây chiên và uống nước ngọt trong các chuỗi cửa hàng mát lạnh đẹp đẽ giống nhau và không bản sắc.

Khi đất nước còn chiến tranh, thanh niên sinh ra đã được thời đại tặng cho lí tưởng cứu nước. Họ biết mình sống vì điều gì, chết vì điều gì. Người dân nơi đâu cũng cưu mang bộ đội, không cần biết anh tên gì là ai từ đâu đến, tất cả thương nhau và cùng thương đất nước. Giữa thời bình ngày một đủ đầy đến thừa mứa, ta có những ngôi nhà riêng lớn hơn và trong ngôi nhà lại có những phòng riêng, những chiếc cửa và tường đủ cao, khóa đủ tinh vi và hiện đại để không còn có chuyện ngó đầu qua tường hàng xóm nói dăm ba câu chuyện.

Ta có xe riêng, đường rất đông nhưng mỗi người đều có lộ trình riêng. Ta có điện thoại riêng thậm chí TV riêng, để một mình một thế giới ảo.Sự cá nhân hóa càng cao, ta càng tự do nhưng cũng lại càng cô độc. Nhưng có lẽ cái cô độc nhất là ta không còn biết mình sống vì điều gì hay chết vì điều gì, như thời chiến, ta thậm chí cũng không biết điều đó ở người khác. Chúng ta chỉ quan sát nhau lặng lẽ, nén những tiếng thở dài, vì sợ nếu ai cũng bung tỏa ra hết những hoang hoải bên trong, bầu không khí sẽ nặng nề đến mức không thể thở nổi.

Hôm nay, trong sự vỡ òa này, tôi nhận ra lâu lắm rồi chúng ta mới lại có một tình yêu lớn, lâu lắm rồi ta mới cảm thấy yêu thứ gì lớn lao hơn chính mình, chính cuộc sống bé mọn lo toan của mình. Cái gì đã làm cho chúng ta đầy sức sống như vậy nếu không phải là tình yêu? Hãy nghĩ về sự khác biệt của ngày hôm nay, nghĩ về sự khác biệt mà chỉ tình yêu mới làm được, chứ không phải là tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.

Hôm nay, tôi vẫn biết đất nước méo mó chỗ này và chỗ khác. Hôm nay, tôi vẫn biết đã có hơn một lần mình chỉ muốn bỏ đi. Hôm nay, tôi vẫn biết vài ngày nữa thôi chúng ta lại khó chịu vì những chuyện vặt vãnh lẫn to to như cũ. Y như với những người ta thương, ta vẫn biết họ méo mó điểm này và điểm khác, ta vẫn biết có lúc ta muốn bỏ đi, ta vẫn biết ta khó chịu với nhau từ chuyện vặt đến chuyện lơn lớn. Nhưng điều đó cũng chẳng mâu thuẫn gì với sự thật ta thương họ, không dừng lại được. Tôi cũng thương đất nước mình như thế, điều đó tựa hồ một dòng sông, gặp đá vẫn chảy, gặp địa hình dốc thì thành thác. Nước thích nghi với địa hình chứ không ngừng chảy, tình yêu cũng như thế. Tôi vốn không thể chọn nơi mình sinh ra, cũng không thể sống được mà lại ghét nơi mình sinh ra; cả một đời người, cuộc tình dài rộng nhất từ khi lọt lòng đến lúc nhắm mắt là với quê hương, vậy thì tôi nên yêu nó. Tôi không hiểu gì về bóng đá, vẫn vui mừng đầy đủ, ngày hôm nay tình yêu đã không còn biên giới nữa rồi.

Trận bóng này qua đi, mong những đôi mắt vẫn biết cười có đuôi – điều đấy chỉ xảy ra khi niềm vui bên trong cần tìm một lối thoát chứ không phải sự gượng ép của cơ miệng. Mong chúng ta vẫn cho phép mình hồn nhiên, quyền dừng lại để vui chơi, quyền ngưng làm người lớn nghiêm túc. Mong ta vẫn sống động chứ không phải bước qua bước lại như những cái xác không hồn. Mong ta được sống trong tình yêu lớn hơn vài mối quan hệ và đam mê của mình.

 

Trên sân cỏ của bạn, trái bóng hạnh phúc đã vào lưới chưa?

 

Trang XTD
Trạm Đọc.

Tags: