05 bài học cho ba mẹ từ bộ sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”
05 bài học cho ba mẹ từ bộ sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”
Việc nuôi nấng và chăm lo cho con trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, và “đâu là phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ hiệu quả?” luôn là vấn đề nóng được bàn luận trên toàn thế giới.
Combo Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương
(2 lượt)

Trên thực tế, đáp án cho câu hỏi trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến văn hoá, lịch sử của từng vùng miền và dòng chảy phát triển của xã hội. Đúc kết từ kinh nghiệm nuôi dạy con xuyên quốc gia từ Châu Á đến Trung Đông, tác giả Sara Imas đã mang đến cho độc giả bộ sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” chứa đựng những tinh tuý về cách mà bà nuôi nấng 3 người con của mình trở thành triệu phú. 

Bộ sách bao gồm 4 cuốn, tập trung vào 4 vấn đề lớn. Trong tập sách đầu tiên, Sara Imas đã mang đến góc nhìn mới mẻ về những nguyên tắc giáo dục cơ bản: phương pháp dạy con biết cách mưu sinh, biết cố gắng theo đuổi mục tiêu của mình và đồng thời biết hưởng thụ cảm giác hạnh phúc sau khi đạt được mục tiêu đó.

Trong cuốn sách thứ 2, Sara Imas viết về phương pháp tạo dựng văn hoá và truyền thống gia đình, đồng thời qua đó làm nổi bật sự đối lập trong cách dạy dỗ con trẻ của người Trung Quốc và Israel.

Khác với 2 cuốn đầu tiên, cuốn sách thứ 3 tập trung nhiều hơn vào vai trò của người bố trong gia đình. Qua những câu chuyện kể hấp dẫn về năm tháng ấu thơ và khi trưởng thành sống bên người cha yêu dấu của mình, tác giả khẳng định tầm quan trọng của sự đồng hành và tình yêu của ông dành cho con cái.

Còn trong cuốn mới nhất của bộ sách, cuốn thứ 4, Sara Imas xem việc giáo dục con cái là một “dự án có hệ thống” và việc giáo dục tài chính là một phần trong đó. Từ đó giúp trẻ có kỹ năng quản lý các nguồn lực toàn diện trong cuộc sống, đặc biệt là cải thiện kỹ năng quản lý tài chính của con.

 

-review-vo-cung-tan-nhan-vo-cung-yeu-thuong

 

Trên thực tế, “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” không đơn thuần chỉ tập trung vào cách nuôi dạy trẻ, nó còn giúp người đọc nhìn lại chính cách mà họ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ mình trong quá khứ, qua đó đối chiếu và tìm ra hướng đi đúng đắn cho con đường nuôi dưỡng gia đình nhỏ và những đứa con của mình trong tương lai.

05 bài học cho ba mẹ từ bộ sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là gì?

 

Kỹ năng sinh tồn là vô cùng cần thiết

 

Điều đầu tiên mà các bậc cha mẹ Do Thái làm là làm giúp cho con cái của họ có kỹ năng và ý chí sinh tồn mạnh mẽ. Điều này không có nghĩa là để con cái một mình sống trong rừng hay trên hoang đảo, mà là dạy chúng cách để một mình xoay sở với đời sống hiện đại ngày nay. Cụ thể, bài học bắt đầu từ những công việc nhỏ trong gia đình: rửa đồ, dọn dẹp phòng, giặt quần áo, v.v. Khi trẻ có thể làm ngày càng nhiều việc nhà, chúng có thể thường xuyên nhằm giúp đỡ cha mẹ, đồng thời thực hành sắp xếp, bố trí công việc và phối hợp với những người xung quanh để đạt được hiệu quả làm việc tốt.

"Người Do Thái trước khi cho con cái học hỏi kiến ​​thức, họ sẽ dạy chúng khả năng cơ bản để làm việc. Trong mắt họ, một người thậm chí không biết nấu ăn thì không có đủ tư cách để học hỏi kiến thức trong sách vở."

Để trau dồi khả năng sinh tồn của trẻ, cha mẹ cần trở nên “lười biếng” để kích thích tinh thần trách nhiệm của chúng. Hãy tập buông bỏ và tin tưởng rằng trẻ có thể hoàn thành mọi việc và cha mẹ chỉ đưa ra hướng dẫn kịp thời hoặc chia sẻ kinh nghiệm. Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, hãy trò chuyện với trẻ về kinh nghiệm đạt được cũng như khuyến khích, tạo ra niềm vui để chúng tự tin, tiếp tục cố gắng.

 

-review-vo-cung-tan-nhan-vo-cung-yeu-thuong

 

 

Đừng bao giờ thỏa mãn tất cả những yêu cầu của trẻ và cũng đừng bao giờ ngó lơ những lỗi lầm mà chúng gây ra

 

Những yêu cầu của trẻ nên được xem xét cẩn thận. Ta chỉ nên đáp ứng những đòi hỏi hợp lý thay vì thỏa hiệp với con cái một cách dễ dàng. Việc này giúp trẻ quen với trạng thái “Không thoả mãn yêu cầu” và tìm cách cố gắng tự giải quyết hoặc gác lại những nhu cầu đó.

Ngoài ra, có thể thực hành phương pháp “trì hoãn nhu cầu” của trẻ nhỏ bằng cách cho chúng hiểu rằng kiếm tiến là công việc không dễ dàng và do vậy, việc tiêu tiền cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu trẻ muốn có một đôi giày thể thao cổ điển, cha mẹ có thể để chúng tự lập kế hoạch kiếm tiền hoặc đề xuất các cơ chế khuyến khích khác để đổi sức lao động của mình lấy khoản quỹ mua giày thể thao; nếu trẻ thích được chơi, chúng sẽ phải kiếm được thời gian chơi bằng việc học tập chăm chỉ và có thành tích học tập tốt. Đừng để trẻ coi mọi thứ là điều hiển nhiên, mà hãy để chúng biết rằng, muốn thỏa mãn nhu cầu thì cần phải hành động.

Ngoài ra, để tránh sự đòi hỏi quá mức, cha mẹ không nên đề phòng hoặc bao biện cho con cái. Trẻ em nên học cách sống có nguyên tắc ngay từ khi còn nhỏ. Những yêu cầu không phù hợp cần bị từ chối, và những hành vi xấu cần được dạy dỗ một cách nghiêm khắc. Nếu bạn không để trẻ hình thành thói quen tuân theo các quy tắc và sửa chữa những hành vi không phù hợp, khi lớn lên trẻ sẽ không thể phân biệt được đúng sai và cảm thấy mọi thứ chúng muốn đều là điều tất yếu.

 

Hãy rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ, khuyến khích trẻ ra khỏi nhà và giao tiếp với mọi người ngay từ sớm

 

Các nguyên tắc đào tạo cơ bản gồm có: (1) lắng nghe đối phương nhiều gấp đôi khi mình nói (2) đặt câu hỏi nhiều hơn và tích lũy kiến ​​thức từ người khác là bước khởi đầu tốt trong mối quan hệ giữa các cá nhân, (3) khuyến khích trẻ, bất kể trẻ đang làm tốt hay không, hãy cho tự tin và có chính kiến.

Đồng thời, cha mẹ nên dạy con bằng cách làm gương, vì suy cho cùng, cách mà cha mẹ đối xử và giải quyết xung đột với mọi người xung quanh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và cách hành xử của trẻ sau này.

"Các bậc cha mẹ Do Thái đặc biệt chú ý đến việc phát triển kỹ năng giao tiếp cho con cái họ. Họ tin rằng mối quan hệ giữa các cá nhân cũng là một loại tài nguyên, và giống như kiến ​​thức, chúng có thể thay đổi số phận của con người."

 

Khi trẻ lớn hơn, hãy để trẻ hiểu tình hình tài chính của gia đình, thực hành ghi sổ và phát triển kỹ năng tài chính cá nhân

 

Càng sớm tìm hiểu về tình hình tài chính của gia đình và cách tiêu tiền, trẻ sẽ càng biết rõ tiền đến từ đâu và những chi phí cơ bản nào mà gia đình mình phải trang trải. Khi trẻ được tám hoặc chín tuổi, cha mẹ Do Thái sẽ khuyến khích con cái họ kiếm tiền tiêu vặt dựa trên khả năng của chính mình, đó là cách hiệu quả để chúng nhận ra sự thật rằng làm việc chăm chỉ là con đường dẫn đến thành công.

Những công việc kiếm tiền này có thể nằm ngoài phạm vi công việc nhà. Ví dụ, khi con trai cả của tác giả nhận thấy rằng các bạn học và giáo viên của mình thực sự rất quan tâm đến văn hóa Trung Quốc (gia đình của tác giả là nhóm người nhập cư đầu tiên từ Israel trở về nhà nước Do Thái từ Trung Quốc), cậu đã tổ chức một buổi thuyết trình có bán vé và kiếm lợi nhuận từ đó.

"Mục đích của cơ chế ‘sống một cuộc sống được trả lương’ này không nhằm thúc giục trẻ em kiếm tiền, mà để chúng hiểu giá trị của công việc, kích thích lòng nhiệt huyết, hình thành ý tưởng và trau dồi tinh thần trách nhiệm."

review-vo-cung-tan-nhan-vo-cung-yeu-thuong

 

Cần chú trọng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ

 

Khả năng này có thể được phát triển từ khi còn nhỏ. Ví dụ, khi một đứa trẻ hai hoặc ba tuổi cố gắng nhét một chùm chìa khóa vào cửa phòng, cha mẹ có thể quan sát, nhưng không can thiệp (ví dụ, trực tiếp đưa cho trẻ chìa khóa phòng hoặc trực tiếp giúp trẻ mở cửa), và để đứa trẻ tự làm.

Để trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, trước hết phải biết buông bỏ tính nuông chiều, để chúng thử sức mình và trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống. Tiếp theo, chúng ta phải dạy trẻ làm mọi việc, nhắc nhở trẻ không phụ thuộc vào người khác (kể cả cha mẹ) và tạo cho trẻ không gian riêng, để chúng có cơ hội sáng tạo và trở nên tự lập.

Thứ hai, để giải quyết vấn đề, trẻ cần phải có đủ kiến ​​thức. Việc biến học tập trở thành sở thích và hứng thú của con cái không phải là điều dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Cha mẹ trước hết phải hiểu con mình, tìm ra động cơ nào có thể kích thích hứng thú học tập của con, hoặc tìm ra mấu chốt của vấn đề, từ đó lựa chọn phương pháp khuyến khích phù hợp. Đừng ép con học, ham thành công và đừng để con cảm thấy việc học là bắt buộc. Thay vào đó, hãy để sự quan tâm của cha mẹ kích thích lòng ham học hỏi và tính kiên trì của con, như vậy trẻ em có thể coi việc học tập như một thú vui suốt đời.

Bên cạnh đó, trẻ em cũng nên sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định. Trong quá trình này, cha mẹ không nên can thiệp ở mọi nơi mà nên là người cố vấn cho trẻ, thường xuyên trò chuyện với trẻ, khiến trẻ suy nghĩ và tập trung vào việc trau dồi khả năng tư duy, phán đoán, cũng như khả năng tìm kiếm câu trả lời. Ngay cả khi trẻ đưa ra quyết định khác với những gì cha mẹ mong đợi, cha mẹ nên tin tưởng và tôn trọng quyết định của con.
—------
Trên đây là những đúc kết về cách nuôi dạy con cái hiệu quả của người mẹ Do Thái đã nuôi nấng 3 người con của mình trở thành triệu phú, đồng thời là tác giả bộ sách làm mưa làm gió Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông - Sara Imas.

Thêm thông tin về tác giả, Sara Imas sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao, theo lời kêu gọi "trở về quê hương", bà từ bỏ cuộc sống thượng lưu ở Thượng Hải để trở về Israel cùng ba người con của mình. Bằng cách đúc kết tinh hoa của nền giáo dục dân tộc Trung Hoa và Do Thái, bà đã sáng tạo ra phương pháp giáo dục “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” của riêng mình.

- Trạm Đọc -

Tags: