‘‘Sao học sinh không thích đến trường?” Ừm thì....
‘‘Sao học sinh không thích đến trường?” Ừm thì....
Trẻ con không thích đến trường, chúng thích tự do.

Có người vừa giới thiệu tôi một cuốn sách mà họ nghĩ tôi sẽ thích. Sách xuất bản năm 2009, hướng đến người đọc là các giáo viên từ nhà trẻ đến lớp 12, có tên Why Dont Students Like School? (tạm dịch: Sao học sinh không thích đến trường?) Tác giả là nhà nghiên cứu khoa học nhận thức Daniel T.Willingham. Cuốn sách đã nhận được vô số bình luận của vô số người từng hoặc đang dính dáng đến trường học. Vào Google gõ tên sách và tác giả, bạn sẽ thấy trang nọ nối tiếp trang kia là hàng tá bình luận sôi nổi, trong số đó chẳng ai chỉ ra rằng, sách chẳng trả lời được cái câu hỏi trong tiêu đề gì cả.  

 

Luận đề được Willingham đưa ra là: học sinh không thích đến trường vì giáo viên không hiểu rõ một số cơ chế hoạt động của việc tiếp thu tri thức, từ đó không dạy tốt được như đáng lẽ họ có thể dạy. Cách trình bày tài liệu giảng dạy của giáo viên không đủ hấp dẫn với trí óc bọn trẻ. Từ đó ta có giả định, nếu các giáo viên đều nghe lời khuyên của Willingham và áp dụng cơ chế mới nhất của khoa học nhận thức, học sinh đều sẽ yêu thích việc đi học.


Có người đang cố bỏ qua một con voi trong phòng thì phải.

 

Hỏi bất cứ một đứa nhỏ đang đi học nào và chúng sẽ trả lời:“Trường là nhà tù”. Chính xác đến từng chữ như vậy thì chắc là không. Có thể vì chúng ngoan ngoãn lịch sự, có thể vì chúng đã bị tẩy não để tin rằng trường học chỉ mang đến điều tốt cho bản thân chúng mà cái gì tốt thì không thể là nhà tù được. Nhưng ý nghĩa câu trả lời thì sẽ luôn từa tựa nhau, “Trường là nhà tù”.

 

Để tôi nhắc đi nhắc lại vài lần nữa: Trường là nhà tù, nhà tù, nhà tù. Trường là nhà tù, nhà tù, nhà tù!

 

Và Willingham chắc chắn biết điều đó. Tất nhiên, làm gì có chuyện không biết được? Ai mà chẳng biết. Nhưng ta vẫn có hẳn một cuốn sách được viết bởi Willingham với nhan đề “Sao học sinh không thích đến trường?”. Hơn một lần tác giả gợi ý rằng, biết đâu trẻ con không thích đến trường vì chúng thích tự do còn trong trường thì chúng mất tự do.

 

Tôi không nên quá nghiêm khắc với Willingham. Đây không phải người duy nhất tránh điều hiển nhiên, bỏ qua không nhìn thấy một con voi to tướng trong phòng khách. Người nào từng đi học cũng biết trường học là cái nhà tù mà gần như không ai nói ra, đơn giản vì làm thế thật bất lịch sự. Chúng ta đi nhón chân quanh cái sự thật hiển nhiên này, cơ bản vì nói thật thì có vẻ nhỏ nhen quá. Làm sao từng này người lại đi gửi con trai con gái đến nhà tù tận 18 năm cuộc đời? Làm sao chính phủ luôn ủng hộ nền dân chủ của chúng ta, chính phủ được xây dựng để bảo vệ tự do và tự quyết, lại làm luật bắt buộc trẻ em và thiếu niên trải qua kha khá thời gian trong nhà tù được? Thực sự không tưởng tượng nổi và chúng ta cố tránh để không tưởng tượng. Hoặc là, có người nghĩ vậy thì sẽ không nói vậy. Ta nói về những vấn đề của trường học trong khi chọn cách giả ngơ với con voi to tướng. Thay vào đó, ta nói về những nguy hiểm lửng lơ quanh con voi đó.

 

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta thẳng thắn với nhau. Trường là nhà tù.

 

Nếu bạn nghĩ khác, xin hãy nói rõ khác nhau ở đâu.

 

Điểm khác duy nhất tôi có thể nghĩ ra là, muốn vào nhà tù phải gây án, còn đến trường chỉ cần đúng tuổi là được. Các mặt khác thì chúng giống nhau. Cả hai nơi bạn đều bị lột mất tự do và danh dự, bạn được chỉ bảo cặn kẽ những gì bạn phải làm và bị phạt nếu không làm đúng như thế. Thật ra thì ở trường bạn mất nhiều thời gian hơn cho mấy việc như vậy hơn là trong nhà tù của người trưởng thành, nên xét mặt đó, trường học thậm chí còn tệ hơn nhà tù nữa.

 

Ở một mức độ nào đó mà chúng ta mù mờ nhận thức được, ai từng đến trường cũng biết nó chính là nhà tù. Làm sao không biết được đây? Nhưng mọi người hợp thức hóa bằng cách lập luận rằng nhà tù kiểu này cần thiết cho sự phát triển của trẻ em và nếu nhà tù chạy tốt thì còn đáng ủng hộ là đằng khác. Nếu trẻ em không thích đến trường, dựa vào lập luận này, thì lý do chúng không thích không phải vì bản chất “nhà tù” của trường học mà bởi quản giáo không đủ tử tế, không đủ thú vị, hoặc không đủ thông minh để trông giữ tâm trí lũ trẻ một cách xác đáng.

 

Nhưng bất cứ ai biết về trẻ em, bất cứ ai cho phép mình suy nghĩ một cách thành thật, đều có thể nhận ra. Trẻ em, giống như phần còn lại của nhân loại, khao khát tự do. Trẻ em ghét bị hạn chế tự do. Đa phần chúng sử dụng chính tự do này để giáo dục bản thân, và cơ thể chúng sẵn sàng cho việc này (tôi đã từng đăng khá nhiều bài viết về vấn đề này trước đây, chẳng hạn như bài viết ngày 16/7/2008). Trẻ em chơi đùa và thám hiểm theo nhiều cách, từ đó chúng học được nhiều điều về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh. Ở trường người ta bảo chúng phải dừng những thú vui đó lại và bắt đầu làm điều giáo viên muốn. Lý do chúng không thích đến trường là vậy đấy.

 

Trong một cộng đồng tương trợ lẫn nhau, chúng ta có thể hợp thức hóa việc bắt bọn trẻ đến trường, miễn là ta chứng minh được lũ trẻ cần loại nhà tù này để có kỹ năng và kiến thức phù hợp. Làm gì? Làm một công dân tốt, làm một người trưởng thành hạnh phúc, làm một người có công việc tốt. Nhiều người hay gần như tất cả mọi người đều nghĩ mệnh đề này đã được chứng minh rồi, theo như các cơ sở giáo dục nói. Nhưng sự thật là chưa.

 

Qua hàng thập kỷ, những gia đình chọn cách nuôi dạy trẻ theo phong cách “không trường học” hoặc chọn cách gửi chúng đi học ở trường Sudbury Valley (một trường “không phải trường học”) đã chứng minh điều ngược lại (bạn có thể xem bài viết của tôi ngày 13/8/2008). Những em nhỏ được cung cấp các phương tiện để học, bao gồm được tiếp xúc với nhiều loại người mà từ đó chúng có thể học hỏi, thì học chính xác thứ chúng cần và nhiều hơn thế. Chúng tự học bằng vui chơi và khám phá của bản thân. Không có bằng chứng nào cho thấy kết quả của lũ trẻ đến nhà tù học tốt hơn kết quả của lũ trẻ được cung cấp phương tiện và được phép sử dụng phương tiện thoải mái. Vậy thì, làm sao chúng ta lại phải tiếp tục bao biện cho việc gửi trẻ vào tù?

 

Tôi cho rằng các cơ sở giáo dục cố ý tránh nhìn thẳng vào bài học của “những người vô học” (unschoolers) và của Sudbury Valley, cơ bản vì họ sợ những gì ẩn giấu trong đó. Nếu chúng ta không thực sự cần những trường học như nhà tù, vậy cả hệ thống này gồm rất nhiều nhân viên và hằn quá sâu trong nền văn hóa nhân loại sẽ trở thành cái gì?

 


Cuốn sách của Willingham là một trong những nỗ lực truyền thống, mang những “nghiên cứu mới nhất” của tâm lý học ra nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề giáo dục. Những nỗ lực từ trước đến giờ đó đều tránh con voi, đều tập trung vào quét sạch mớ tế bào chết con voi thải ra. Nhưng chừng nào con voi vẫn trơ ra đó thì tế bào chết sao hết được cơ chứ.


Sau này tôi sẽ kể chuyện một vài nỗ lực trước đây trong lịch sử tâm lý học, những nỗ lực cố gắng cải thiện giáo dục và thất bại. Những thế hệ phụ huynh mới, những lần thay máu tập thể giáo viên tươi mới và trẻ trung, ta lại có những “phát hiện mới” “giả thuyết mới” về tâm lý học có thể khiến trường học vui hơn và giúp học tập tốt hơn. Nhưng chưa cái nào thành công cả, và chẳng cái nào sẽ thành công cho đến khi mọi người nhìn thẳng vào sự thật. Trẻ em ghét trường học, vì trong trường học chúng mất tự do. Muốn học cho thoải mái thì cần tự do cái đã.

 

Trạm đọc (Read Station) dịch

Theo PsychologyToday